Nỗ lực đẩy lùi hiện tượng sa mạc hóa bằng rừng cây

(PLVN) -Theo Cục Lâm nghiệp, năm 2021, Việt Nam có tổng diện tích đất bị thoái hóa là 11,838 triệu ha, chiếm khoảng 35,74% tổng diện tích tự nhiên của cả nước. 

Đất là lớp da của Trái Đất, là nguồn gốc của sự sống trên cạn nhưng ước tính có tới 40% diện tích đất trên thế giới đã bị suy thoái. Do đó, ngày Môi trường thế giới năm 2024 được Liên hợp quốc lựa chọn chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá” có ý nghĩa hết sức quan trọng hướng tới kêu gọi cộng đồng người dân chung tay bảo vệ cuộc sống của chính mình qua các hoạt động phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an ninh nguồn nước và an ninh lương thực.

Theo Cục Lâm nghiệp, năm 2021, Việt Nam có tổng diện tích đất bị thoái hóa là 11,838 triệu ha, chiếm khoảng 35,74% tổng diện tích tự nhiên của cả nước; trong đó 1,207 triệu ha bị thoái hóa nặng, 3,787 triệu ha bị thoái hóa trung bình và 6,844 triệu ha bị thoái hóa nhẹ. Ngoài những vùng đất bị hoang mạc hóa, nhiều dải cát ven biển Việt Nam còn bị hiện tượng sa mạc hóa cục bộ, tập trung từ tỉnh Quảng Bình đến Bình Thuận với diện tích khoảng 419.000ha. Trong gần 40 năm qua, sự di chuyển của các đụn cát đã làm cho quá trình hoang mạc hoá càng diễn ra nghiêm trọng hơn. Mỗi năm có khoảng 10-20 ha đất canh tác bị cát lấn, dẫn đến độ phì nhiêu của đất bị suy giảm mạnh.

Nhiều dải cát ven biển Việt Nam còn bị hiện tượng sa mạc hóa cục bộ, tập trung từ tỉnh Quảng Bình đến Bình Thuận với diện tích khoảng 419.000ha. Ảnh minh họa. Nguồn Gaia.

Để góp phần ứng phó với hiện tượng sa mạc hóa, hưởng ứng mục tiêu Phục hồi đất - một trong những mục tiêu chính trong Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc (2021-2030), ngày 5/6 Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã triển khai trồng rừng tại những khu vực rừng nghèo kiệt trên đất cát ven biển tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Kóu.

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Kóu tại Bình Thuận lại là một trong 221 vùng sinh thái quan trọng nhất của thế giới với nhiều loài động thực vật quý hiếm và sinh cảnh rừng đa dạng. Tuy nhiên, Tà Kou hiện có khoảng 100ha những khu vực rừng nghèo kiệt trên đất cát ven biển là những vùng đất do người dân hoàn trả lại cho khu bảo tồn, rất cần được phủ xanh các đồi cát, góp phần phục hồi đất, hạn chế hiện tượng cát bay, sa mạc hóa, hình thành rừng, mở rộng sinh cảnh sống cho các loài hoang dã, và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hơn thế, Bình Thuận là một trong những tỉnh thường xuyên chịu hạn hán do có lượng mưa thấp nhất cả nước thì việc trồng rừng sẽ góp phần bảo vệ an ninh nguồn nước.

Các loài cây được trồng tại đây bao gồm những loài cây bản địa chịu hạn như Bằng lăng, Giáng hương,… Để giúp cây phát triển tốt hơn, các hạt tích nước và phân vi sinh được bổ sung trong hố trồng. Xuyên suốt 5 năm, đội ngũ cán bộ kiểm lâm cùng với cán bộ Gaia sẽ thường xuyên giám sát sinh trưởng, tưới bổ sung định kỳ và tiến hành các can thiệp kỹ thuật lâm nghiệp khi cần.

Ngày 5/6 Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã triển khai trồng rừng tại những khu vực rừng nghèo kiệt trên đất cát ven biển tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Kóu. Nguồn Gaia.

Chương trình trồng rừng tại tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Kóu đã nhận được sự đồng hành của Hoa hậu H’Hen Niê và các KOL nổi tiếng góp phần lan tỏa thông tin, nâng cao nhận thức của công chúng, đặc biệt là các doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc trồng rừng phục hồi đất và bảo vệ an ninh sinh thái.

“Ban đầu, Hen đã rất hoài nghi nghĩ tới tính hiệu quả của việc trồng rừng tại những đồi cát trống trải chỉ có một vài cây bụi và cỏ chân đế. Nhưng sau khi trực tiếp đến nơi, Hen đã tràn đầy hy vọng và biết ơn khi mình được tham gia vào nỗ lực kỳ diệu biến đồi cát thành rừng. Hen mong rằng qua chuyến đi này sẽ cùng đẩy lùi hiện tượng sa mạc hóa bằng rừng cây” - Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê chia sẻ.

Đọc thêm