Nỗ lực giảm tỷ lệ trẻ em đuối nước ở Hoa Kỳ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em Hoa Kỳ. Đôi khi, ngay cả những cha mẹ cẩn thận nhất cũng không thể phòng ngừa được hết những tình huống xấu có thể xảy ra với con mình trong chỉ vài phút lơ là. Tại xứ sở cờ hoa, rất nhiều bậc cha mẹ mất con bởi nguyên nhân đuối nước đã bù đắp lại bằng cách cống hiến nhiều hơn để giúp những gia đình khác tránh khỏi điều này xảy ra với con cái họ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Mọi người tự động cho rằng đó là lỗi của cha mẹ”

Năm 2016, cậu bé Jackson Bennett 18 tháng tuổi bị đuối nước tại chính ngôi nhà của mình ở bang Texas (Mỹ). Cậu bé mới biết đi đã chui qua cửa dành cho thú cưng, mon men đến gần hồ bơi và ngã xuống. Ngay khi mẹ cậu bé, Jenny Bennett tìm thấy, cô đã nhanh chóng đưa con lên bờ, bắt đầu hô hấp nhân tạo trong khi anh Adam Bennett, bố cậu bé đã gọi 911. Bé Jackson được điều trị cấp cứu liên tục trong vòng bốn ngày nhưng không thể qua khỏi.

“Mọi người tự động cho rằng tai nạn đó xảy ra bởi những bậc cha mẹ tồi tệ hoặc bỏ bê con cái”, Jenny Bennett chia sẻ với tờ CNN vào năm 2019, ba năm sau mất mát thương tâm của cả gia đình. Cô hồi tưởng, ở thời điểm ấy, cô đã nghĩ rằng mình đã áp dụng những biện pháp phòng ngừa cần thiết cho con, bản thân cô cũng là một y tá. Để đi từ nhà đến hồ bơi phải qua 2 cánh cửa đóng kín, kể cả cửa dành cho thú cưng cũng được đóng kín khi không có sự giám sát của ai đó.

Ngày hôm đó, mọi thứ đều diễn ra một cách dồn dập và bất ngờ. Jenny nhận được cuộc gọi từ Adam rằng chiếc xe của anh bị hỏng. Do đó, cô đã mang theo 3 đứa con của mình cùng đến đón chồng. Vì không kịp thả lũ chó ra ngoài, cô đã để mở cửa dành cho chó và rời khỏi nhà. Khi cả gia đình trở về, cô đã quên đóng chiếc cửa ấy. “Chúng tôi đã sơ suất vì nghĩ rằng con đã an toàn ở trên lầu với các chị gái”, Jenny nói.

Chỉ vì một sơ suất và ít phút không chú ý, tai nạn đuối nước đã để lại một bi kịch cho gia đình Bennett. Kể từ sau sự kiện ấy, Jenny Bennett đã cống hiến sức lực và thời gian của mình để khắc phục những sai lầm mà cô ấy đã mắc phải. Cô trở thành một thành viên tích cực trong cộng đồng thành phố Tomball (bang Texas) về chống đuối nước và nâng cao sự an toàn cho trẻ em tại những khu vực có nước. Jenny Bennett đã cố gắng truyền bá thông điệp về đảm bảo trẻ em an toàn với nước cho nhiều gia đình khác. Cô tạo ra một tập sách nhỏ tổng hợp các mẹo an toàn khi bơi lội và phát cho các gia đình mỗi khi có một đứa trẻ được sinh ra ở Trung tâm Y tế HCA Houston Healthcare – nơi cô làm việc. Cô cũng thành lập một Nhóm Phụ huynh Phòng ngừa đuối nước ở Trẻ em để truyền bá những thông tin hữu ích này cho tất cả bậc cha mẹ trên cả nước.

Đáng nói, câu chuyện của bé Jackson không hề hy hữu ở đất nước Hoa Kỳ. Một thống kê năm 2017 của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cho biết, một năm có gần 1.000 trẻ em chết đuối, trong khi đó có hơn 8.000 đứa trẻ khác suýt chết do đuối nước. Bên cạnh đó, TS. Benjamin Hoffman, Chủ tịch Hội đồng Phòng chống Thương tích, Bạo lực và Chất độc Hoa Kỳ cho biết: “Chết đuối diễn ra rất nhanh, không gây tiếng ồn và có thể xảy ra ngay cả khi không phải là giờ bơi của trẻ. Điều đó xảy ra với cả những gia đình có cha mẹ tốt, chu đáo, những người không bao giờ nghĩ và mong muốn điều đó có thể xảy ra với con họ”.

Bắt đầu từ những giải pháp giản đơn nhất

Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, có nhiều giải pháp để ngăn chặn đuối nước ở trẻ em thông qua “nhiều lớp bảo vệ để ngăn ngừa đuối nước”.

Các đơn vị này khuyến cáo, cha mẹ hoặc người chăm sóc không bao giờ được để trẻ nhỏ ở một mình hoặc để trẻ em khác trông trẻ nhỏ ở bất cứ đâu gần nước như hồ bơi, bồn tắm, biển hồ,… dù chỉ trong chốc lát và ngay cả khi có nhân viên cứu hộ. Theo một nghiên cứu của Ủy ban An toàn Người Tiêu dùng Hoa Kỳ, hầu hết trẻ nhỏ chết đuối trong hồ bơi chỉ xảy ra khi bố mẹ chúng không chú ý tới trong vòng 5 phút hoặc ít hơn. Dù mực nước có thể rất thấp nhưng trẻ em mới biết đi vẫn có thể bị đuối nước ở mực nước từ khoảng 10 centimét. Ngay cả những thùng, xô chứa nước và bể bơi trẻ em cũng có thể gây hại cho trẻ nhỏ, do đó những người chăm sóc cần phải đổ hết nước ra khỏi những vật chứa này ngay sau khi sử dụng xong. Một quy tắc được đưa ra cho các bậc cha mẹ Mỹ là: một người trưởng thành biết bơi luôn phải ở cạnh trẻ nhỏ trong khoảng cách một sải tay và luôn phải giám sát liên tục trẻ nhỏ khi chúng chơi với nước hoặc ở những khu vực gần nước. “Rất có thể có những thời điểm bạn không chú ý đến con, như bị phân tâm bởi cuộc điện thoại, nghĩ rằng chúng đang an toàn nhưng thực sự thì không. Đó chính là sai lầm lớn nhất của chúng tôi”, Jenny Bennett chia sẻ.

Cũng theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, những gia đình có hồ bơi nên bao quanh nó hoàn toàn bằng hàng rào cao khoảng 1,2 mét để ngăn cách nó với nhà và sân vườn. Hàng rào này nên có cổng tự đóng và tự chốt lại. Theo một thống kê, những hàng rào này có thể giúp ngăn ngừa hơn một nửa số vụ đuối nước trẻ em ở bể bơi bởi vì có tới 69% trẻ em dưới 5 tuổi bị chết đuối nhưng bố mẹ hoặc người chăm sóc đã không lường trước việc chúng có mặt ở hồ bơi vào thời điểm xảy ra tai nạn. Các nhà hoạt động cũng đang đề xuất lên các bang và chính quyền địa phương sớm thông qua luật yêu cầu tất cả các hồ bơi phải có hàng rào này.

Jenny Bennett nói rằng cô ấy ước mình đã dựng hàng rào xung quanh hồ bơi. Bên cạnh đó, cô cũng tự hỏi liệu con trai cô lúc ấy có phải đang tìm kiếm đồ chơi đã bị rơi trong bể bơi hay không. Theo khuyến cáo của Water Safety USA – một liên minh bao gồm nhiều tổ chức phi chính phủ và các cơ quan nhà nước, các phụ huynh nên thu lại hết tất cả các đồ chơi của trẻ em trong bể bơi hay các khu vực có nước mà con đã chơi để tránh trường hợp chúng tìm đến những khu vực có nước trong khi bố mẹ không có ở đó.

Bên cạnh đó, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị việc các bố mẹ và các trẻ em lớn tuổi hơn trong nhà nên học kỹ năng cấp cứu trong tình trạng khẩn cấp khi trẻ nhỏ bị đuối nước. Đồng thời, cơ quan này cũng khuyến nghị nên dạy bơi cho trẻ bắt đầu từ 1 tuổi, các gia đình có thể tham gia các khóa đào tạo bơi truyền thống dành cho cha mẹ và con cái. Theo đó, một chương trình bơi phải đảm bảo dạy cho trẻ đến khi học được các kỹ năng an toàn dưới nước như cách nổi, bám vào thành bờ hoặc thành bể. Một nghiên cứu trên tạp chí JAMA Pediatrics & Adolescent Medicine cho thấy việc học bơi chính thức giúp giảm 88% khả năng chết đuối ở trẻ em. Đồng thời, các bậc cha mẹ nên dạy con không bao giờ chơi hoặc bơi ở gần cống rãnh hoặc cửa hút nước.

Đặc biệt, các hoạt động chèo thuyền cũng gây ra khả năng đuối nước cao cho trẻ em. Theo Tổ chức Boat US, hơn 2/3 số người tử vong khi chèo thuyền là do đuối nước và 90% số nạn nhân chết đuối đó không mặc áo phao. Do đó, các tổ chức đều khuyến cáo trẻ em luôn phải mặc áo phao khi chèo thuyền hoặc đến gần các vùng nước, kể cả khi chúng biết bơi.

Trong hơn hai thập kỷ, các cơ quan chức năng, nhiều tổ chức và các cộng đồng tại Hoa Kỳ đã cố gắng nâng cao nhận thức xã hội và thực hiện nhiều giải pháp để ngăn ngừa đuối nước ở trẻ em. Những nỗ lực này đã đem lại kết quả tích cực. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em từ 0-17 tuổi đã giảm 38% từ 1,6/100.000 năm 1999 xuống còn 1,0/100.000 vào năm 2019.

Theo Morag MacKay, Giám đốc nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận Safe Kids Worldwide, con số đáng khích lệ này đến từ nỗ lực kêu gọi cộng đồng thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ trẻ khỏi đuối nước; từ những giải pháp thực tế như tổ chức các lớp học bơi và sử dụng áo phao, xây dựng hàng rào xung quanh hồ bơi,… đến các giải pháp ở tầm vĩ mô như xây dựng chiến lược phòng chống đuối nước và kế hoạch ứng phó tình huống khẩn cấp, đồng thời thắt chặt pháp luật về việc bắt buộc sử dụng áo phao trong các hoạt động liên quan đến nước…

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, nguyên nhân đuối nước và dị tật bẩm sinh là những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ em từ 1 đến 4 tuổi tử vong. Ngay cả khi đuối nước không kết thúc bằng tử vong, trẻ em đuối nước vẫn có thể chịu ảnh hưởng bởi những vấn đề sức khỏe lâu dài, bao gồm cả tổn thương não. Đối với trẻ em từ 1 đến 14, tai nạn do đuối nước dẫn đến tử vong chỉ đứng thứ hai sau va chạm giao thông gây chết người.