Với sự chuyển mình chóng mặt của thời đại, từ giai đoạn con người làm quen với các hoạt động sản xuất, cho đến khi máy tính và Internet len lỏi vào mọi mặt đời sống, sự thay đổi liên tục này không chỉ tác động đến thế giới ở tầm vĩ mô, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa, lối sống, thói quen của từng cá nhân trong xã hội. Những biến động không ngừng đã khiến cho khoảng cách thế hệ bị kéo giãn, xung đột và khác biệt giữa các thế hệ đã không sâu sắc và phức tạp như vậy cách đây 500 năm về trước.
Sự khác biệt trong quan niệm, lối sống giữa bố mẹ và người trẻ ngày càng rõ rệt, dù hai thế hệ không cách nhau quá xa. Điều này là nguồn cơn của những mâu thuẫn trong gia đình, nhưng ngày nay, nhiều bậc phụ huynh và con cái đã có những tín hiệu tích cực trong việc chia sẻ, cảm thông và cố gắng kết nối, kéo gần khoảng cách thế hệ để thấu hiểu lẫn nhau.
Thuật ngữ Generation gap - khoảng cách thế hệ xuất hiện đầu tiên và được sử dụng phổ biến vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, theo Encyclopedia (Sách bách khoa toàn thư). Khoảng cách thế hệ có thể được sử dụng để mô tả sự khác biệt trong suy nghĩ, hành động và sở thích của các thế hệ cách nhau từ 20 - 40 năm.
Sự hình thành của khoảng cách thế hệ chủ yếu xuất phát từ nhu cầu của thanh thiếu niên muốn thể hiện quan điểm và xây dựng hệ giá trị khác biệt với thế hệ trước, nhằm đạt được sự độc lập và khẳng định bản thân, xây dựng bản sắc riêng.
Trong khi đó, các bậc phụ huynh thường không nhận thức rõ ràng về sự khác biệt này, dẫn đến sự mở rộng khoảng cách thế hệ, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực từ quan điểm, giá trị sống, tính cách, sở thích đến hành vi tiêu dùng. Khoảng cách này bắt đầu từ những gia đình hạt nhân và dần lan rộng ra toàn xã hội.
Tuy có những lúc người trẻ cảm thấy xa cách với ông bà, bố mẹ, dần hình thành những câu hỏi, trăn trở đầy tính hiện sinh, loay hoay đi tìm và định nghĩa chính mình, nhưng họ vẫn luôn cảm nhận rõ kết nối tinh thần thiêng liêng với gia đình, để chữa lành và xoa dịu cảm xúc mỗi khi quan hệ gia đình rơi vào căng thẳng.
Nếu nhìn ở khía cạnh tích cực, xung đột gia đình sẽ phần nào thúc đẩy các thành viên cố gắng tìm hiểu nhau hơn, nhưng liệu có những cách nào tốt hơn để dung hòa các thế hệ trong gia đình?
Dành thời gian chia sẻ và lắng nghe: Duy trì và phát triển tình cảm gia đình là một quá trình liên tục và cần sự nỗ lực của tất cả các thành viên. Những buổi trò chuyện, chia sẻ không chỉ là cơ hội để mỗi thành viên bày tỏ quan điểm và cảm xúc của mình mà còn góp phần tăng cường sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái.
Đặt mình vào vị trí của đối phương: Bố mẹ có những cách biểu lộ tình cảm rất riêng, mà đôi khi con cái không nhận ra điều đó. Và ngược lại họ cũng nhu cầu khác biệt trong việc đón nhận tình cảm. Thay vì là cách mà chúng ta muốn bản thân mình được đối xử, chúng ta nên học đối xử với những người quan trọng theo cách mà họ cần.
Không áp đặt suy nghĩ cho đối phương: Thay vì mặc nhiên áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái, các bậc cha mẹ cần nhìn vào sự phát triển của xã hội để chấp nhận những khác biệt trong lối sống và cách suy nghĩ của hai thế hệ. Ngược lại, từ vị trí của những đứa con, chúng ta nên dành thời gian lắng nghe và bày tỏ những khúc mắc trong lòng cho bố mẹ. Điều này sẽ giúp cha mẹ và con cái tìm được tiếng nói chung và thông cảm cho nhau.
Mặc dù khoảng cách thế hệ là điều không thể tránh khỏi trong quá trình phát triển của loài người, đánh dấu sự khác biệt và tạo ra bản sắc riêng trong mỗi giai đoạn xã hội. Nhưng có rất nhiều con đường để rút ngắn khoảng cách và dung hòa các thế hệ, tạo nên một gia đình được vun đắp bởi tình yêu và sự thấu cảm, là mái ấm an toàn, vững chắc để mỗi người tìm về sau những mệt mỏi, bộn bề của cuộc sống.