Nỗ lực số hóa nghệ thuật sân khấu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Số hóa được đánh giá là xu hướng tất yếu đối với các lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật biểu diễn cổ truyền. Những năm qua, nỗ lực số hóa nghệ thuật sân khấu đã có nhiều tín hiệu vui.

Nghệ sĩ trong xu hướng mới

Mới đây, nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm đã chia sẻ thông tin về dự án số hóa kinh nghiệm diễn xuất của bản thân. Thanh Thanh Tâm là một trong những nghệ sĩ thuộc thế hệ gạo cội của nghệ thuật cải lương Việt Nam trong những năm 90. Cùng với Vũ Linh, Tài Linh, Ngọc Huyền..., chị là một trong những nghệ sĩ cải lương tài sắc vẹn toàn được khán giả yêu mến trong suốt nhiều thập niên. Việc Thanh Thanh Tâm quyết định số hóa những bài học kinh nghiệm về diễn xuất để truyền lại cho thế hệ diễn viên trẻ là một tin vui cho nhiều nghệ sĩ đang chạm ngõ cải lương. Thanh Thanh Tâm chia sẻ, quyết định của chị đến từ tâm huyết trao truyền cho lớp diễn viên trẻ những kỹ năng trong nghệ thuật diễn xuất và đây là dự án chị ấp ủ đã lâu.

Một trong những nghệ sĩ sân khấu “số hóa” sớm nhất phải kể đến nữ nghệ sĩ cải lương “cây đa, cây đề” Bạch Tuyết. Từ cách đây hàng chục năm, chị đã lập ra kênh mạng xã hội riêng để đăng tải những clip vở diễn, trao đổi, giao lưu với khán giả, đồng thời thông qua mạng xã hội để hướng dẫn, giảng dạy về nghề nghiệp cho các thế hệ kế cận.

Có thể thấy, sự phát triển của internet và mạng xã hội đã cung cấp cơ hội tuyệt vời để quảng bá và chia sẻ nghệ thuật sân khấu thông qua các nền tảng trực tuyến. Các nghệ sĩ và nhóm nghệ thuật đã sử dụng các trang web, ứng dụng di động và kênh truyền thông xã hội để giới thiệu, trình bày và tương tác với khán giả. Điều này giúp mở rộng phạm vi và tăng cường nhận thức về nghệ thuật sân khấu. Quá trình số hóa cũng tập trung vào việc ghi lại âm thanh và hình ảnh của các buổi biểu diễn. Công nghệ âm thanh và hình ảnh hiện đại giúp ghi lại chất lượng cao và lưu trữ dễ dàng các buổi biểu diễn truyền thống. Việc này không chỉ giúp bảo tồn và phát triển di sản nghệ thuật mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, giảng dạy và quảng bá.

Thực tế, thời gian qua, các nghệ sĩ nhiều thế hệ trong các lĩnh vực như cải lương, tuồng cổ, chèo, ca trù... cũng đã xây dựng cho mình những kênh riêng để quảng bá tên tuổi, nghề nghiệp của bản thân. Không ít trong số họ đã trở thành những người nổi tiếng trên mạng, thông qua độ nổi tiếng của bản thân để lan tỏa vẻ đẹp của ngành nghệ thuật mình đang theo đuổi. Một số nghệ sĩ đã thành công đưa các kênh mạng xã hội thành những “nhà hát trực tuyến”, nơi họ trình diễn những vở diễn ngắn, phát những trích đoạn sân khấu đã tham gia trình diễn và được khán giả nhiệt liệt ủng hộ.

Nhà hát Cao Văn Lầu giới thiệu vở diễn trên fanpage của Nhà hát. (Ảnh chụp màn hình)

Nhà hát Cao Văn Lầu giới thiệu vở diễn trên fanpage của Nhà hát. (Ảnh chụp màn hình)

Nhiều chủ nhân của các kênh Youtube, Tiktok cũng đã hệ thống hóa video của các vở diễn nổi tiếng trong lĩnh vực cải lương, tuồng, chèo... để lan tỏa đến khán giả, cung cấp một kênh thú vị để khán giả tìm đến với nghệ thuật sân khấu.

Chủ động tiếp cận khán giả

Không ít dự án số hóa nghệ thuật sân khấu đã được thực hiện, mang tính khả thi cao. Một số địa phương có sự quan tâm đúng mức đến vấn đề số hóa di sản đã xây dựng những đề án hiệu quả nhằm số hóa các di sản văn hóa địa phương, trong đó có các ngành nghệ thuật sân khấu. Có thể kể đến nỗ lực số hóa sân khấu cải lương và nghệ thuật Khmer của Nhà hát Cao Văn Lầu, Bạc Liêu. Nhà hát đã tiến hành quay hình, chụp ảnh, xây dựng dữ liệu cho các vở cải lương và một số bộ môn nghệ thuật khác nhằm lưu trữ và phổ biến rộng rãi trên các nền tảng công nghệ. Nhà hát thông qua việc xây dựng trang Facebook Nhà hát Cao Văn Lầu để thông báo lịch diễn, chương trình cho khán giả đến xem tại rạp, phát trực tiếp vở diễn lên mạng xã hội để phục vụ người mộ điệu ở xa.

Nhà hát Cao Văn Lầu cũng đang tiến tới thành lập kênh YouTube để có thêm một kênh mới nhằm tiếp cận khán giả. Theo lãnh đạo Nhà hát, trong kỉ nguyên số, nghệ thuật cổ truyền không thể ngồi chờ khán giả mà phải tận dụng công nghệ để tiếp cận khán giả, thu hút khán giả, góp phần quảng bá, thu hút du lịch...

Hiện nay, hầu hết các nhà hát nghệ thuật cổ truyền như Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam... đều có kênh Fanpage riêng, thường xuyên cập nhật thông tin các vở diễn và hoạt động, có lượng người theo dõi đông đảo. Một số nhà hát rất năng động, như Nhà hát Chèo Việt Nam, trong thời điểm COVID-19 bùng phát, giãn cách xã hội đã tổ chức biểu diễn trực tuyến, livetream trên Fanpage, thu hút hàng ngàn lượt xem.

Có thể thấy rằng, việc số hóa đang diễn ra khá mạnh mẽ trong một lĩnh vực tưởng chừng không mấy “cập nhật công nghệ” như nghệ thuật sân khấu cổ truyền. Kết quả đáng ghi nhận này là tâm huyết của các nghệ sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, cũng như các khán giả có tâm với các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Quá trình số hóa nghệ thuật sân khấu ở Việt Nam đang tiếp tục phát triển và rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội và cộng đồng. Qua đó, di sản văn hóa của dân tộc sẽ có thêm hình thức bảo tồn sống động và hiện đại, tạo điều kiện cho thế hệ sau có thể tiếp nhận, nghiên cứu và truyền bá rộng rãi hơn.