Thí sinh Miss World Vietnam 2023 chia sẻ chuyện quá khứ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các thí sinh chia sẻ các câu chuyện về cuộc đời, quá trình lớn lên của bản thân và hành trình đến với cuộc thi Miss World Vietnam 2023 (Hoa hậu Thế giới Việt Nam). Trong đó, nhiều câu chuyện để lại cảm xúc cho khán giả.

Head to Head Challenge - Người đẹp Bản lĩnh là một trong những phần thi được trông đợi nhất mỗi mùa Miss World Vietnam 2023. Khác với những mùa trước đây, vòng loại Head to Head Challenge năm nay được thực hiện với format 1-1, phỏng vấn độc lập.

Với sự dẫn dắt của host Mai Phương và Bảo Ngọc, top 40 thí sinh sẽ lần lượt trực tiếp chia sẻ câu chuyện, trải nghiệm cá nhân. Từ đó nêu lên quan điểm cũng như thông điệp muốn lan tỏa đến khán giả. Các thí sinh đã chia sẻ các câu chuyện về cuộc đời, quá trình lớn lên của bản thân và hành trình đến với cuộc thi Miss World Vietnam 2023. Trong đó, nhiều câu chuyện đã để lại nhiều cảm xúc cho khán giả.

Huỳnh Minh Kiên sinh ra trong hoàn cảnh bi kịch - bố mẹ ly hôn, phải chứng kiến nhiều cảnh bạo lực gia đình. Tuy nhiên điều đó không thể khuất phục cô gái kiên cường. Nữ thí sinh đã rất cố gắng và lao động từ những ngày còn đi học. Cấp 2 đã giảng bài cho bạn để kiếm 5.000 đồng, 10.000 đồng. Lên cấp 3, Minh Kiên đi làm mẫu make up, làm diễn viên cho MV đồ án tốt nghiệp, đi đá bóng để kiếm tiền đỡ đần phụ mẹ.

Khác với sự tự ti, mặc cảm của những cô gái mới lớn, Minh Kiên còn giới thiệu mẹ làm giúp việc cho gia đình các thầy cô và cả phụ huynh của các bạn đồng trang lứa. “Tôi chưa bao giờ xấu hổ vì mẹ tôi đi làm giúp việc nhà. Tôi không chỉ giới thiệu mẹ làm giúp việc cho các thầy cô mà còn cho phụ huynh của bạn mình nữa”, Minh Kiên chia sẻ.

Huỳnh Minh Kiên trải qua tuổi thơ khó khăn nhưng không ngừng nỗ lực.

Huỳnh Minh Kiên trải qua tuổi thơ khó khăn nhưng không ngừng nỗ lực.

Thí sinh Nguyễn Thị Thúy Ngọc cũng chia sẻ nhiều về cuộc sống tự lập nhiều khó khăn. Ở tuổi 18, vì điều kiện kinh tế không cho phép có thể tiếp tục đi học khiến Thúy Ngọc mắc phải vấn đề tâm lý lớn nhất là ám ảnh về tri thức cũng như việc sống tự lập ở TP HCM.

Cô kể, với số tiền đi làm thêm 252.000 đồng trong 3 ngày, cô sẽ phải chi tiêu trong ít nhất 2 tuần. Đã có thời gian cô phải ăn bánh mì và mì gói trong suốt nửa tháng, hay tự nấu ăn chỉ với 11.000 đồng: “Ngày đó tôi chỉ mua đúng 1 lạng thịt với giá 6.000 đồng, thêm 5.000 đồng rau muống để xào và mang đi làm để tiết kiệm tiền ăn trưa”.

Trong khi đó, Nguyễn Thị Liên (Đắk Lắk) kể cô từng bị bạo lực học đường trong suốt 3 năm. Cô bị bạn bè đánh hội đồng, cô lập và luôn chặn đường đánh mỗi buổi chiều đi học về. Đỉnh điểm là trong một lần bị đánh, Nguyễn Thị Liên bị giãn dây chằng ở cổ nhưng vẫn phải giấu gia đình vì sợ bạn đánh thêm.

Nguyễn Thị Liên kể việc từng bị bạo lực học đường.

Nguyễn Thị Liên kể việc từng bị bạo lực học đường.

Với Phạm Hương Anh - cô nữ sinh 18 tuổi chia sẻ câu chuyện và góc nhìn của bản thân đối với cuộc sống vô cùng sâu sắc. Dù chỉ sở hữu chiều cao “khiêm tốn” hơn những thí sinh khác nhưng cô không hề tự ti về điều đó: “Theo thống kê của những bệnh viện trên thế giới, 1m63 là chiều cao trung bình của phụ nữ. Và tôi tượng trưng cho chiều cao của bao phụ nữ ngoài kia”.

“Tiêu chuẩn sắc đẹp là tùy vào suy nghĩ mỗi người, một lịch sử và một cuộc cách mạng chỉ xảy ra khi mình đi ngược lại với luật lệ. Tôi tin rằng mình ở đây đúng với slogan của Miss World đang tìm kiếm - Beauty With A Purpose (Sắc đẹp vì mục đích cao cả)” - Hương Anh tự tin, khẳng định tuy bản thân nhỏ bé nhưng “nói được sẽ làm được”.

Tuy có gia thế khủng khi bố là chủ tịch tập đoàn, mẹ là giám đốc công ty giáo dục quốc tế và sở hữu trường quốc tế Canada, nhưng Hương Anh không cho rằng mình sinh ra ở vạch đích và không cần phải cố gắng. Bố mẹ cô đều bắt đầu từ hai bàn tay trắng, từng phải đạp xích lô ở Hà Nội từng sáng đến tối muộn. Qua đó, trở thành niềm đam mê và thúc đẩy Hương Anh theo con đường giáo dục vì cô biết bố mẹ mình là minh chứng cho câu nói: “Giáo dục là con đường có thể thay đổi được cuộc đời con người”.

Phạm Hương Anh sở hữu chiều cao “khiêm tốn” hơn những thí sinh khác nhưng cô không hề tự ti. Ảnh: SV

Phạm Hương Anh sở hữu chiều cao “khiêm tốn” hơn những thí sinh khác nhưng cô không hề tự ti. Ảnh: SV

Ngoài ra, các thí sinh khác cũng chia sẻ những câu chuyện của bản thân và truyền năng lượng tích cực đến cho mọi người như Nguyễn Thị Phượng là thí sinh cũ trở lại đường đua Miss World Vietnam, cô giúp đỡ cho những trẻ em bị HIV và muốn lan tỏa đến mọi người rằng hãy dừng ngay sự kỳ thị đối với trẻ em bị HIV vì không ai có thể lựa chọn nơi mình sinh ra.

Từng bị body shaming (miệt thị ngoại hình), đã có thời gian bị áp lực nhưng Đỗ Trần Ngọc Thảo đã chọn cách đối đầu trực diện và biến nó thành động lực giúp cô rèn luyện, phát triển điểm mạnh của bản thân.

Thông điệp các thí sinh mang đến Head to Head Challenge khá đa dạng, là một lời cảnh tỉnh đến với những vấn nạn hiện hữu trong xã hội. Đó là những vết thương tâm lý khó lành trong lòng những đứa trẻ và ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.

Ban Giám khảo sẽ chấm điểm dựa trên 40 video và chọn ra 10 thí sinh xuất sắc nhất bước tiếp vào vòng 2. Tại đây, các thí sinh sẽ tiếp tục “đối đầu” để tìm ra top 4 cô gái bản lĩnh bước vào vòng chung kết. Người chiến thắng Head to Head Challenge sẽ được trao giải Người đẹp Bản lĩnh, giành tấm vé bước thẳng vào top 20 chung cuộc.