Nơi “tận cùng” đã có chi bộ đảng
Bản Ón là nơi sinh sống của 104 hộ đồng bào dân tộc Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc về. Trong tiếng Mông, “ón” có nghĩa là “tận cùng”. Dù đợt rét đầu tiên của mùa xuân biên giới rất lạnh, tôi vẫn hăm hở cùng Thiếu tá Vi Xuân Thao - cán bộ Đồn BP Tam Chung, BĐBP Thanh Hóa tăng cường làm Phó Bí thư Chi bộ bản Ón “cưỡi ngựa sắt” vào bản.
Vượt qua những con dốc dựng đứng, chiếc xe máy luôn phải cài số 1, ì ạch leo qua từng cung đường quanh co uốn lượn với một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Con đường vào bản Ón mặc dù đang trong quá trình mở rộng và bê tông hóa nhưng vẫn còn nhiều đoạn dang dở. Con dốc Nháp và dốc Đá như thách thức những tay lái lần đầu tiên lên với núi rừng.
Thiếu tá Vi Xuân Thao hóm hỉnh: “Bây giờ con đường dễ đi hơn trước rất nhiều, nhưng nếu buổi chiều mưa xuống thì nhà báo xác định đêm nay ở lại bản ngủ cùng bà con nhé!”. Lần đầu tiên vào với bản Ón, tôi cũng háo hức được ở lại cùng bà con để được uống rượu bên bếp lửa, nghe những câu chuyện trong đời sống hàng ngày của người dân.
Lý giải cho bản Ón nghèo đói của quá khứ, Thiếu tá Vi Xuân Thao cho biết: “Trước đây, bản Ón không có đảng viên nên công tác vận động, tuyên truyền đồng bào gặp rất nhiều khó khăn. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước rất khó đến được với đồng bào. Những cái hay, cái mới và tiến bộ vì thế cũng khó được đồng bào tiếp nhận, bởi cuộc sống của họ lâu nay đã quen với củ sắn, củ mài trên những ngọn đồi cao”.
Anh nhớ lại: “Lúc đó, những cán bộ vùng cao luôn trăn trở là làm sao để bản Ón thoát đói nghèo. Việc trước tiên là phải thành lập được chi bộ Đảng và đào tạo, bồi dưỡng kết nạp đảng viên trẻ là những người con ưu tú của bản làng”.
Năm 2009, thực hiện Kết luận số 50 KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về phát triển đảng viên ở các bản vùng sâu, vùng xa, xóa chi bộ sinh hoạt ghép, cấp ủy Đồn BP Tam Chung đã phối hợp cùng Đảng ủy xã Tam Chung tìm ra những “hạt giống đỏ” bồi dưỡng, kết nạp Đảng làm nòng cốt lãnh đạo. Sau bao cố gắng, nỗ lực, những “hạt giống đỏ” đầu tiên như Giàng A Sào, Giàng A Trống, Giàng A Pua... đã xuất hiện.
Chúng tôi cùng Thiếu tá Vi Xuân Thao đến ngôi nhà mới còn thơm mùi gỗ của Bí thư Chi bộ Giàng A Trống. Bí thư chi bộ trẻ tuổi ấy là một trong những đảng viên đầu tiên bản Ón. Trong câu chuyện với chúng tôi bên ấm chè đặc còn nóng hổi, Giàng A Trống không giấu được niềm tự hào khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Giàng A Trống vinh dự được cấp ủy Đồn BP Tam Chung và Đảng ủy xã Tam Chung bồi dưỡng, đào tạo và kết nạp vào Đảng.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, đảng viên trẻ Giàng A Trống luôn ý thức được trách nhiệm của mình với bản làng, với dân bản. Giàng A Trống cùng với BĐBP và những đảng viên khác tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong bản thực hiện tốt những nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với đồng bào Mông, những cái hay, cái mới để áp dụng vào lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình; tuyên truyền người dân không nghe theo lời kẻ xấu truyền đạo trái pháp luật và buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Bản thân Giàng A Trống luôn là một đảng viên gương mẫu, làm kinh tế giỏi, được bà con tin tưởng, yêu quý. Bí thư Chi bộ Giàng A Trống luôn tâm niệm: “Mình là đảng viên, là người lãnh đạo thì trước hết phải nói đi đôi với làm để bà con thấy được điều mình làm là đúng, là tốt thì họ mới học tập và làm theo”.
Từ một bản “trắng” đảng viên, đến nay, bản Ón đã có 14 đảng viên. Những đảng viên ấy chính là những người con ưu tú của bản Ón. Họ vẫn luôn tích cực vận động dân bản cùng với BĐBP phát triển kinh tế, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, đẩy lùi những hủ tục, giữ vững bình yên cho bản làng.
Người Mông bản Ón đã thoát đói nghèo
Những năm đầu khi mới di cư về bản Ón, đời sống của đồng bào Mông nơi đây chỉ quanh quẩn với củ sắn, củ mài trên những ngọn đồi khô cằn sỏi đá. Thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kiến thức làm ăn, nạn phá rừng, đốt nương rẫy, ma túy và những tập tục lạc hậu đeo bám khiến cho cuộc sống người Mông ở bản Ón cứ mãi luẩn quẩn trong đói nghèo. Cái đói không chỉ đeo bám họ trong tháng ba ngày tám mà dai dẳng, triền miên. Nạn ma túy, di cư tự do vẫn thường xuyên xảy ra và phức tạp.
Thiếu tá Bàn Văn Vinh, Chính trị viên Đồn BP Tam Chung cho biết: “Cấp ủy, chỉ huy đơn vị xác định, một khi đã xây dựng được chi bộ Đảng và những đảng viên ưu tú rồi thì nhiệm vụ tiếp theo là giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Tam Chung đã phối hợp với cán bộ, đảng viên xã Tam Chung giúp bà con phát triển kinh tế, nhờ đó bản Ón mang trên mình màu xanh no ấm. Người dân bản Ón đã biết trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật cây ngô lai trên đồi đất dốc, chăn nuôi nhiều gia súc, gia cầm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trường học, nhà văn hóa, các công trình nước sạch, điện lưới quốc gia đã và đang được đầu tư xây dựng. Những đứa trẻ bản Ón không còn phải theo cha mẹ nhọc nhằn đi qua mùa rẫy trên nương mà được đến trường học chữ.
Trưởng bản Giàng A Sào lật cuốn sổ ghi chép, phấn khởi khoe với chúng tôi: “Bản Ón bây giờ đổi mới nhiều lắm, không còn hộ nào phải đói ăn như trước nữa. Nhà nào cũng có ngô, lúa, biết chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhiều gia đình có kinh tế khá giả”. Những ngày này, một niềm vui lớn lại đến với người dân bản Ón và những thầy cô giáo cắm bản khi những phòng học tranh tre nứa lá trước kia sắp được thay thế bằng những phòng học kiên cố được xây dựng lên từ những tấm lòng hảo tâm hướng về bản Mông nơi tận cùng biên ải.
Trong cái rét buốt miền biên viễn, trong muôn vàn những cái khó khăn còn hiện hữu vẫn sáng lên hình ảnh những thầy cô giáo vượt núi đèo miệt mài mang con chữ đến với trẻ em bản Ón, những cán bộ Biên phòng tận tụy với người dân bản Ón để chung tay phát triển kinh tế và bảo vệ bản làng.