Nỗ lực tìm lại vỉa hè cho người đi bộ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép

Theo đó, các cơ quan chức năng thành phố sẽ kiểm tra quyết liệt, đồng bộ, toàn diện về những nội dung trên trong phạm vi toàn địa bàn thành phố; phát hiện, xử lý 100% hành vi vi phạm trên lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng để tạo tính răn đe; kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”.

Ban Chỉ đạo 197 cho biết, thông qua kiểm tra nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông, đô thị; nâng cao nhận thức, ý thức của người dân và trách nhiệm của chính quyền cơ sở, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng trên địa bàn thành phố; hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng trên địa bàn thành phố.

Qua đợt tổng kiểm tra lần này, Ban Chỉ đạo 197 cũng đặt mục tiêu phát hiện sơ hở, thiếu sót để kịp thời khắc phục nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương; đánh giá đúng thực trạng tình hình, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng trên địa bàn thành phố; nâng cao hiệu quả công tác của các cơ quan chức năng, thường xuyên duy trì, đôn đốc việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.

Quan điểm của Ban Chỉ đạo 197 thành phố, trong quá trình thực hiện phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật, chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; bảo đảm toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo, “làm đến đâu dứt điểm đến đó”, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về nhiệm vụ nêu trên...

Thực tế, Hà Nội đã nhiều lần ra quân giành lại vỉa hè, lập lại trật tự đô thị, thế nhưng chỉ một thời gian ngắn, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè lại tái diễn. Do đó, để đạt được mục tiêu đã đề ra, Hà Nội cần phải làm quyết liệt, kiên trì, không để quyết tâm chỉ ở... trên bàn giấy.

Thu phí lòng đường, vỉa hè tại TP HCM: Cần phải tính toán hợp lý và minh bạch

Liên quan đến vấn đề này, tại TP HCM việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè đang là thực trạng nhức nhối. Hàng hoá, xe cộ, bàn ghế và biển hiệu lấn hết cả vỉa hè, thậm chí là một phần mặt đường. Người dân, du khách đi bộ gần như không được đi trên lối đi vốn dành cho mình mà phải liều đi dưới lòng đường, nguy hiểm bủa vây. Thậm chí, sau dịch, việc lấn chiếm lòng đường vỉa hè phát triển mạnh như nấm sau mưa và có thể đánh giá là hiện nay, tình trạng này còn nghiêm trọng hơn trước.

Vừa qua, Sở GTVT TP đã gửi công văn đến UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức để rà soát hiện trạng hạ tầng giao thông đường bộ làm cơ sở để xây dựng đề án Thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn. Hiện đề án ở giai đoạn bắt đầu xây dựng, các đơn vị liên quan vẫn chưa có báo cáo kết quả rà soát. Mức phí cụ thể với các trường hợp thuê sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường đang được xây dựng.

Đại diện Sở GTVT cho biết, trong dự thảo lần này, ngoài tính toán cho một số trường hợp dùng tạm vỉa hè phải đóng phí, đơn vị cũng xây dựng cụ thể hơn vai trò, trách nhiệm và công tác phối hợp của các tổ chức, các cá nhân liên quan trong quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố. “Việc quản lý sử dụng lòng đường, vỉa hè sẽ được tính toán kỹ lưỡng. Bên cạnh việc xác định tuyến đường, khu vực được thu phí - không thu phí, mức phí cụ thể cho từng khu vực thì cần nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ, miễn giảm cho một số đối tượng nhằm giảm thiểu tác động đến người dân cũng như giao thông”, vị đại diện thông tin thêm.

Sau khi hoàn chỉnh đề án, Sở GTVT sẽ lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan, tổng hợp tham mưu UBND TP trình HĐND TP xem xét ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố theo quy định tại Luật phí và Lệ phí.

Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM đánh giá, việc cho thuê vỉa hè khá khó trong quản lý bởi người sử dụng vỉa hè thường chỉ thuê trong một thời gian nhất định trong ngày nên cần phải tính toán sao cho hợp lý. Ủng hộ cho phép thu phí để sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán hay giữ xe… nhưng ông Ninh cho rằng TP cần phải nghiên cứu, tính toán kỹ, có tầm nhìn tổng thể chung. Tức là chủ trương này không áp dụng chung, đại trà toàn TP mà phải nghiên cứu, áp dụng ở một số nơi phù hợp. Ví dụ như khu vực các tuyến đường trung tâm ở quận 1, 3… nơi có đông du khách có thể tận dụng vỉa hè, mặt đường để phát triển dịch vụ, quảng bá ẩm thực hè phố của Việt Nam.

Tiến sỹ Trương Hoàng Trương, Khoa Đô thị học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM cũng ủng hộ phương án cho thuê, thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè. Theo Tiến sỹ Trương, TP HCM là đô thị đặc biệt và trong bối cảnh hiện nay khi nhu cầu về điểm đỗ xe, kinh doanh buôn bán… là rất lớn và cũng phù hợp với văn hoá vỉa hè vốn đã tồn tại lâu đời ở TP này.

Cho đến khi việc cho thuê vỉa hè tại TP HCM được triển khai. Nhiều nơi của TP HCM, nhất là khu vực trung tâm xảy ra tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm vô tội vạ để làm quán nhậu, kinh doanh, buôn bán. Việc vỉa hè xảy ra tình trạng “mạnh ai nấy lấn” gây mất mỹ quan đô thị, đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người đi bộ, do buộc họ phải xuống đường để di chuyển.

Đọc thêm