Nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu

(PLO) - Hội nghị Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP23) tổ chức tại thành phố Bonn (Đức) vừa qua đã đạt được nhận thức chung về mối hiểm họa từ biến đổi khí hậu và kêu gọi các nước hành động. 
Trái đất đang lâm nguy bởi biến đổi khí hậu
Trái đất đang lâm nguy bởi biến đổi khí hậu

Diễn ra trong 12 ngày (kết thúc ngày 17/11/2017), Hội nghị có tham dự của lãnh đạo, quan chức và các nhà khoa học của gần 200 quốc gia. 

Kêu gọi chung tay chống biến đổi khí hậu

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh các nước đang đối mặt với báo cáo u ám về tốc độ ấm lên của trái đất gia tăng, khiến các cơn bão, lũ lụt và những tác động do biến đổi khí hậu gây ra, ngày càng mang tính hủy diệt hơn. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thảo luận việc thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu năm nay thông báo Washington rút khỏi thỏa thuận này.

Trong một tuyên bố, ông Frank Bainimarama, Thủ tướng Fiji, người chủ trì hội nghị, cho biết các nước cần phải tiếp tục duy trì sự đồng thuận toàn cầu để hành động mang tính quyết định trong khuôn khổ của Hiệp định Paris. Ông nhấn mạnh không còn thời gian để lãng phí nữa trong bối cảnh nhân loại đang hứng chịu nhiều tổn thất lớn do các cơn bão, các vụ cháy rừng, lũ lụt cường độ ngày càng khốc liệt, cũng như các mối đe dọa đối với an ninh lương thực do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo và các nhà khoa học tham dự hội nghị cũng cảnh báo khi biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ toàn cầu, trái đất ngày càng tiến gần hơn đến “điểm giới hạn” nguy hiểm, khiến tình trạng nóng lên toàn cầu đến nhanh hơn và vượt quá khả năng của con người có thể kiềm chế mức tăng nhiệt độ trái đất. Theo các nhà khoa học, tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp và ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Trong 2 năm qua, nhiều bằng chứng cho thấy hành tinh này đang tiến gần đến “điểm giới hạn” trong hệ thống trái đất. Nếu vượt qua ngưỡng vô hình này, trái đất sẽ mất kiểm soát và rơi vào tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng. Một số nhà khoa học cho rằng bề mặt của hành tinh này đã nóng lên trung bình 1,1 độ C trong vòng 150 năm qua, đủ để làm tan băng ở Tây Nam Cực. Ước tính, trong 1.000 năm nữa, các dải băng tại đây sẽ tan chảy một cách không thể kiểm soát bất chấp việc con người nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính vốn được xem là nguyên nhân gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu khác cho rằng mức tăng nhiệt độ trái đất cao hơn, khoảng 1,5-2 độ C. Đây được cho là một “điểm giới hạn” nguy hiểm và không thể giảm xuống.

Trong khuôn khổ hội nghị, nhiều quốc gia, thành phố và khu vực đã phát động một sáng kiến về việc dần loại bỏ sử dụng than đá, loại nhiên liệu hóa thạch được dùng để sản xuất tới 40% lượng điện toàn cầu, vốn tạo ra lượng lớn khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Tại phiên họp toàn thể hội nghị, các lãnh đạo thế giới đã cùng nhấn mạnh mối hiểm họa từ biến đổi khí hậu và kêu gọi các nước hành động.

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres gọi biến đổi khí hậu là “mối đe dọa của thời đại chúng ta”. Ông Guterres khẳng định tiếp tục đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch là vô nghĩa về mặt tài chính và “phản tác dụng”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi chống biến đổi khí hậu là “cuộc chiến quan trọng nhất thời hiện đại”. Nhà lãnh đạo này kêu gọi các nước châu Âu tích cực ủng hộ cho Ban Khoa học khí hậu của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) hiện đang đối mặt với khó khăn tài chính sau khi Mỹ cắt giảm đóng góp.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đồng ý rằng biến đổi khí hậu là “một thách thức trung tâm của nhân loại” và thế giới cần phải sát cánh với nhau để triển khai Hiệp định Paris. Tuy nhiên, bà Merkel cũng thừa nhận việc ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch “không phải dễ dàng” và “vẫn còn nhiều việc phải làm”. Than đá hiện vẫn là nguồn nguyên liệu cho 40% sản lượng điện tại Đức và giới quan sát dự đoán nước này sẽ không thể hoàn thành mục tiêu cắt giảm 40% lượng khí thải nhà kính mức đo được năm 1990 vào năm 2020. Thủ tướng Đức Merkel cũng tái khẳng định rằng, Berlin cam kết sẽ tăng mức đóng góp đối với vấn đề bảo vệ khí hậu toàn cầu vào năm 2020, gấp hai lần so với con số mà nước này đã đóng góp vào năm 2014. Bà Merkel nhấn mạnh: “Đức khẳng định lại cam kết hỗ trợ cho các nước đang phát triển cũng như các nước công nghiệp khác vào năm 2020”, kinh phí hỗ trợ có được từ các quỹ tư nhân và quỹ cộng đồng hàng năm.

Trong khi đó, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Judith Garber khẳng định Mỹ vẫn giữ nguyên ý định giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, bà Garber cũng nêu rõ nguyên tắc định hướng của Mỹ là mọi người dân đều được tiếp cận với nguồn năng lượng giá rẻ và đảm bảo, cùng với thị trường mở và cạnh tranh nhằm thúc đẩy hiệu quả và an ninh năng lượng. Điều này không chỉ áp dụng với Mỹ mà còn trên cả thế giới.

Quan chức Mỹ cũng cho biết Tổng thống Trump vẫn giữ ý định rút sự tham gia của Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sớm nhất có thể song vẫn để ngỏ khả năng tham gia lại văn kiện này nếu các điều khoản thuận lợi hơn cho người dân Mỹ. Khẳng định rút lui khỏi hiệp ước lịch sử không có nghĩa Mỹ sẽ không tìm cách cắt giảm lượng khí phát thải từ nhiên liệu hóa thạch, bà Garber bày tỏ tin tưởng Mỹ sẽ vẫn là quốc gia đi đầu về năng lượng sạch và sáng tạo.

Cần gấp rút và cùng nỗ lực hành động

Với hy vọng đạt được một thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu mang tính lịch sử, đã nhiều lần các nhà đàm phán quốc tế gặp nhau tại các hội nghị COP hàng năm của LHQ, nhưng đã phải ra về trong thất vọng. Trong đó, thất bại của Hội nghị COP15, tại thủ đô Copenhagen của Đan Mạch vào năm 2009, đã để lại vị đắng khó quên với các nhà đàm phán và phần nào làm giảm ý chí của những người luôn nỗ lực phấn đấu vì một môi trường sống bền vững. Tại Hội nghị COP17 ở Durban, Nam Phi năm 2011, các nhà lãnh đạo thế giới thêm một lần nữa lại bỏ lỡ cơ hội, không thể đạt được một thỏa thuận thay thế Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực vào cuối tháng 12/2012, trong khi những tác động của biến đổi khí hậu đã chạm ngưỡng đáng báo động. 

Với những nỗ lực không mệt mỏi, ngày 12/12/2015, sau 13 ngày đàm phán căng thẳng, Hiệp định Paris - hiệp định có phạm vi rộng hơn bất kỳ thỏa thuận về khí hậu nào - đã được đại diện 195 nước tham dự COP21 tại thủ đô Paris của Pháp ký kết và chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11/2016. Theo Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, từ năm 2020, các nước tham gia thỏa thuận sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C, thậm chí 1,5 độ C, so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ XIX). Đây là ngưỡng mà các nhà khoa học cho rằng sẽ giúp trái đất tránh được những thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, hạn hán nặng, nước biển dâng và bão lớn. Tuy nhiên, ngày 1/6/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi hiệp định này vì cho rằng hiệp định trên không có lợi cho sự phát triển của nền kinh tế Mỹ, làm cho nhiều người lao động bị mất việc làm.

Với việc tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris, Tổng thống Trump đã bỏ ngang cam kết đến năm 2025 sẽ cắt giảm lượng khí thải xuống thấp hơn so với năm 2005 là 26 - 28% do chính quyền tiền nhiệm đưa ra. Ngoài ra, khoản viện trợ 2,5 tỷ USD Mỹ cam kết dành cho các quốc gia nghèo hơn để thích nghi với biến đổi khí hậu và đối phó với các ảnh hưởng của nó cũng không còn.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được cho là sẽ làm suy yếu các nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã gấp rút hành động để “cứu” Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu và mục tiêu của COP23 là cụ thể hóa các thỏa thuận của Hiệp định này.

Đọc thêm