Nỗ lực vì khát vọng trở thành công dân Việt Nam

(PLO) - Trước khi có Luật Quốc tịch 2008, tuy Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương quan tâm tháo gỡ vấn đề người không quốc tịch, nhưng kết quả nhìn chung còn hạn chế. Từ khi thực hiện Điều 22 của Luật Quốc tịch 2008, công tác giải quyết nhập quốc tịch Việt Nam cho người không quốc tịch cư trú ổn định tại Việt Nam từ 20 năm trở lên trong thời gian qua cơ bản đã hoàn tất.
Hàng nghìn người đang mong mỏi được trở thành công dân Việt Nam
Hàng nghìn người đang mong mỏi
được trở thành công dân Việt Nam 
Đã giải quyết hơn 4.700 trường hợp
Hiện tượng người không quốc tịch cư trú trên lãnh thổ các quốc gia là tương đối phổ biến và Việt Nam cũng không tránh khỏi. Nhiều người không quốc tịch và con cháu họ đã hòa nhập với cộng đồng xã hội Việt Nam, song do không có giấy tờ để chứng minh về nhân thân nên không có cơ sở để được đăng ký về hộ tịch, cư trú, trong nhiều trường hợp bị hạn chế trong việc hưởng quyền và làm nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Với Luật Quốc tịch 2008, Nhà nước ta đã có những chính sách hết sức nhân đạo nhằm bảo đảm quyền lợi của người không quốc tịch cư trú trên lãnh thổ nước ta, nhất là trẻ em. Trước hết, đó là sự ghi nhận có tính nguyên tắc về “Quyền đối với quốc tịch” của mỗi cá nhân theo Khoản 1 Điều 2 Luật Quốc tịch. 
Đặc biệt, quy định tại Điều 8 về “Hạn chế tình trạng không quốc tịch” đã chính thức khẳng định quan điểm, chính sách lớn mang tính nhân đạo của Nhà nước Việt Nam trong việc tạo điều kiện, bảo đảm cho mọi trẻ em sinh ra trên lãnh thổ nước ta đều có quốc tịch và những người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam được nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật.
Đồng thời, nhằm mục đích giải quyết vấn đề tồn đọng về tình trạng người không quốc tịch ở nước ta do lịch sử để lại, bảo đảm quyền có quốc tịch của cá nhân, hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng không quốc tịch, Luật Quốc tịch 2008 dành riêng một điều (Điều 22) quy định về việc nhập quốc tịch Việt Nam theo thủ tục đơn giản cho người không quốc tịch cư trú ổn định ở nước ta từ 20 năm trở lên. Đây là quy định mang tính chuyển tiếp, được thực hiện trong vòng 3 năm, kể từ ngày 1/7/2009 (ngày Luật Quốc tịch có hiệu lực) đến hết ngày 31/12/2012. 
Qua báo cáo của các địa phương và tổng hợp kết quả rà soát, phân loại của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, đến thời điểm 31/12/2012, trên cả nước có 11.790 người không quốc tịch đang sinh sống, làm ăn, cư trú. Với những trường hợp có đủ điều kiện để nhập quốc tịch Việt Nam theo Điều 22 Luật Quốc tịch (cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên) đến nay đã có 4.727 người được Chủ tịch nước quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. 
Sau khi Chủ tịch nước quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã kịp thời phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành hữu quan tổ chức Lễ trao Quyết định của Chủ tịch nước cho người dân, bảo đảm ý nghĩa, trang trọng. Sau khi được nhập quốc tịch,  các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương đã tiến hành cấp các giấy tờ cần thiết cho công dân (như Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn, Chứng minh nhân dân, Sổ hộ khẩu…), tạo điều kiện thuận lợi để những công dân mới của đất nước nhanh chóng ổn định cuộc sống, hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ của công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật. 
Vẫn còn 7.053 người “chờ” nhập quốc tịch
Tuy nhiên, thực tế hiện nay trên cả nước còn 7.053 người không quốc tịch có thời gian cư trú dưới 20 năm (tính đến ngày 1/7/2009), sống tại 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, là những người chưa đủ điều kiện để được nhập quốc tịch Việt Nam theo Điều 22 Luật Quốc tịch. 
Do đó, để tiếp tục giải quyết, có chính sách xử lý đối với tình trạng người không quốc tịch nói chung, cần tiếp tục có sự vào cuộc tích cực của các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tránh tư tưởng “khoán trắng” và cho đấy là công việc riêng của cơ quan tư pháp.
Bộ Tư pháp cho biết, đối với những người không quốc tịch có đủ điều kiện nhập quốc tịch theo Điều 22 của Luật và đã nộp hồ sơ trước ngày 31/12/2012 nhưng hiện nay chưa giải quyết xong (gồm một số trường hợp đang xác minh) thì Bộ khẩn trương kiểm tra, hoàn tất thủ tục, báo cáo Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét quyết định trong thời gian tới. 
Còn đối với những người không quốc tịch có thời gian cư trú dưới 20 năm (tính đến ngày 1/7/2009), chưa đủ điều kiện nhập quốc tịch theo Điều 22, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các Bộ và UBND các tỉnh có liên quan hướng dẫn họ lập hồ sơ, kiểm tra, hoàn tất thủ tục, báo cáo Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định theo Điều 19 và Điều 20 của Luật Quốc tịch.
Riêng đối với những người không quốc tịch cư trú dưới 20 năm tại khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có một quyết định nhằm giải quyết tình trạng này. Theo Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp), Cục đang xây dựng kế hoạch để từ năm 2015 sẽ giải quyết các giấy tờ về quốc tịch, hộ khẩu, hộ tịch và các giấy tờ tùy thân khác cho người dân di cư tự do từ Campuchia về nước. 
Hàng loạt công việc đang được tính toán như tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến nhập quốc tịch, đăng ký hộ tịch, hộ khẩu; rà soát, áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu, nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú; nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đối với người dân di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam; rà soát, thống kê, đánh giá, phân loại, lập danh sách đối tượng theo nhóm, lập kế hoạch triển khai các biện pháp giải quyết quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu cho từng nhóm đối tượng…

Đọc thêm