Nỗ lực vượt đáy và tăng trưởng dương

(PLVN) - Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có một cái “Tết Nguyên đán” dài đến tận mùa hè khi dịch Covid-19 bất ngờ xuất hiện làm đảo lộn mọi mặt đời sống. Một năm khép lại đầy cảm xúc: căng thẳng, lo âu, hy vọng và vỡ òa khi nền kinh tế dần hồi phục. Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2020, với mức tăng 2,91%.
Nỗ lực vượt đáy và tăng trưởng dương

Vượt đáy ngoạn mục

Đại dịch Covid-19 bất ngờ xuất hiện vào những ngày đầu tiên của năm 2020 và nhanh chóng lan rộng khắp thế giới. Ở Việt Nam, người dân bất đắc dĩ coi đó là cái “Tết” dài nhất trong lịch sử khi phải thực hiện giãn cách xã hội.

Không khí u ám bao trùm toàn thế giới. Nhiều dự báo về mô hình tăng trưởng kinh tế thế giới được đưa ra như kịch bản hình chữ V, chữ U, chữ W, chữ L..., trong đó kịch bản hình chữ V là kịch bản lạc quan nhất. 

Tuy nhiên, khi những tờ lịch cuối cùng của năm 2020 được lật lên, thì đợt bùng phát dịch thứ hai một số nơi trên thế giới vẫn chưa có điểm dừng. Kịch bản tăng trưởng hình chữ V trở nên xa xỉ với nhiều quốc gia, trong đó có cả những nền kinh tế lớn.

“Việc Việt Nam vẫn tăng trưởng dương là điểm đáng ca ngợi, nhất là về sự chống chịu, sức bền bỉ và cách thức ứng phó của những người “đứng mũi chịu sào”, của doanh nghiệp”, TS Võ Trí Thành.

Với việc khống chế thành công dịch Covid- 9 cả hai đợt bùng phát, và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu “kép” - vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, kinh tế Việt Nam đã vượt đáy ngoạn mục khi GDP 9 tháng năm 2020 tăng 2,12%, trong đó quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39% và quý III tăng 2,62%. Theo nhận định của các chuyên gia, điều này cho thấy nền kinh tế nước ta đã đi qua điểm đáy của đồ thị phục hồi kinh tế trong quý II. 

Tuy là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm thuộc giai đoạn 2011-2020, nhưng Việt Nam là quốc gia duy nhất trong ASEAN và là số ít trên thế giới đạt mức tăng trưởng dương. Đây là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế thế giới. 

Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, nền kinh tế Việt Nam đã qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V trong quý III. Mặc dù lũ lụt nghiêm trọng, nhưng khả năng năm 2020 có thể đạt mức tăng trưởng 2 - 3%.

Cụ thể, Báo cáo về kinh tế toàn cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu -4.4% trong năm 2020. IMF dự báo Việt Nam là nền kinh tế mới nổi duy nhất nằm trong nhóm ASEAN-5 (Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam) có GDP tăng trưởng dương trong năm 2020. 

Trong Thông cáo báo chí phát hành vào cuối đợt tham vấn của đoàn công tác IMF mới đây, bà Era Dabla-Norris, Trưởng đoàn tham vấn đã dự báo nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 2,4% trong năm 2020, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Ngân hàng Thế giới (WB) trong Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam hồi tháng 10/2020 cũng nhận định GDP của Việt Nam có thể đạt tăng 2,5-3,0% trong năm 2020. Và đúng như dự đoán, con số tăng trưởng chính xác của Việt Nam là 2,91%, theo Tổng cục Thống kê.

Nhiều chuyên gia tài chính cũng đưa ra những nhận định tích cực về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2020 và những năm tiếp theo. Chiến lược gia trưởng Ruchir Sharma của Morgan Stanley thậm chí cho rằng Việt Nam có thể trở thành "kỳ tích châu Á" tiếp theo.

"Việc kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 cho phép Việt Nam nhanh chóng khôi phục hoạt động kinh tế. Trong khi nhiều quốc gia đối mặt với sụt giảm kinh tế nghiêm trọng, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức 3%/năm. Đặc biệt, sự tăng trưởng đó được thúc đẩy bởi thặng dư thương mại kỷ lục trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm…", ông Sharma nhận xét.

Dệt may, điện thoại di động, linh kiện là những nhóm hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam trong năm 2020.
Dệt may, điện thoại di động, linh kiện là những nhóm hàng xuất khẩu có thế mạnh của  Việt Nam trong năm 2020. 

Tăng trưởng thấp nhất nhưng thành công nhất 

Theo đánh giá của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TS Vũ Tiến Lộc, mặc dù là năm khó khăn nhất, song năm 2020 là một năm có rất nhiều điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam. Chính phủ tập trung cải cách thể chế; Hội nhập đỉnh cao với việc tham gia Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA); Sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, khả năng chống chịu, kiên cường của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để vượt qua đại dịch…

Người đứng đầu cộng đồng doanh nghiệp khẳng định, Việt Nam đang trở thành điểm đến an toàn cho cộng đồng kinh doanh quốc tế trên hành trình xây dựng các chuỗi cung ứng toàn cầu an toàn và có trách nhiệm hơn…

Bàn về chủ đề này, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, đánh giá, năm 2020 là năm có tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong suốt quá trình đổi mới ở Việt Nam, nhưng lại là năm thành công nhất.

“Xét bối cảnh chung và so sánh với các nền kinh tế khác thì việc Việt Nam vẫn tăng trưởng dương là điểm đáng ca ngợi, nhất là về sự chống chịu, sức bền bỉ và cách thức ứng phó của những người “đứng mũi chịu sào”, của các doanh nghiệp trong đại dịch”, ông Thành nhấn mạnh.

TS. Võ Trí Thành
TS. Võ Trí Thành 

“Với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương, trước khi phục hồi nhanh đạt mức tăng trưởng khoảng 6,5-7% trong năm 2021”,chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV- TS Cấn Văn Lực dự báo.

Ngoài ra, vị này cũng lạc quan khi cho rằng, bối cảnh dịch bệnh hiện nay và sau đại dịch Covid-19 cũng đã và đang tạo ra nhiều xu hướng và cơ hội đầu tư, kinh doanh mới trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam. “Tận dụng tốt điều này sẽ giúp nhà đầu tư và doanh nghiệp Việt biến “nguy” thành “cơ” trong bối cảnh “bình thường mới” trong và sau đại dịch…”,TS Lực gợi mở.

Tin rằng, một năm mới bắt đầu trong bối cảnh “bình thường mới”, từ năng lượng những kỳ tích và nỗ lực không ngưng nghỉ…

Đọc thêm