Trại rắn Đồng Tâm (nằm trên địa bàn xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) còn có tên gọi khác là Trung tâm nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu thuộc Cục Hậu cần, Quân khu 9. Nơi đây không chỉ là “vương quốc” của các loài rắn ở Việt Nam, mà còn là nơi “cải tử hoàn sinh” cho những người không may trở thành nạn nhân bị rắn “cạp”.
“Hoa khôi trại rắn” giới thiệu về những con vật “hiền lành” |
Niềm vui “cải tử hoàn sinh”
Nạn nhân bị rắn cắn có những trường hợp rất hi hữu. Một anh chủ quán rắn trên đường Lý Thường Kiệt (Phường 5, Tp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) vốn chẳng ngán bất kỳ loại rắn nào, loại to loại nhỏ đều làm gọn, chặt khúc xong thì dùng đũa gắp, không bao giờ dùng tay vì tránh độc. Nhưng một lần chẳng hiểu uống ít rượu “phê phê” thế nào, anh này lại thò tay bốc thịt con rắn độc vừa chặt xong cho vào nồi.
Khi đưa tay đến khúc đầu, ai ngờ cái đầu rắn đã bị chặt vẫn còn đủ sức há miệng cắn nhẹ vào ngón tay út ông chủ quán, gây xây xước nhỏ. Với kinh nghiệm “thịt” rắn lâu năm, anh cẩn thận rửa sạch vết thương, băng bó cẩn thận, cho là đã yên tâm, nhưng chưa đầy một ngày sau thì hôn mê bất tỉnh, phải đưa gấp đến Trung tâm. Chủ quán rắn phen đó may mắn thoát chết, tuy nhiên phải ngậm ngùi cắt bỏ ngón tay bị hoại tử do đến chữa trị muộn.
Có những nạn nhân được cứu sống đã khiến cả Trung tâm xúc động vì hoàn cảnh quá tội nghiệp. Hai năm trước, đơn vị này tiếp nhận một người đàn ông gần 60 tuổi, ngụ phường Phú Tân (Tp Bến Tre, tỉnh Bến Tre) được đưa đến trong tình trạng đã tắt thở, tim chỉ đập nhẹ thoi thóp. Sau khi được đưa trở lại từ cõi chết, ông lão rưng rức khóc kể nguyên nhân bị rắn cắn do phải đi mò cua về nấu bữa tối cho hai đứa cháu.
Gia đình ông vốn nghèo xơ xác, chỉ có ông già nuôi hai cháu nhỏ, trong đó một đứa bị khuyết tật. Các y bác sĩ ở Trung tâm vẫn không thể quên hình ảnh ông lão gầy xọp nằm trên giường bệnh, nước mắt rỉ ra từ kẽ mắt nhăn nheo, miệng mấp máy thều thào nói cảm ơn vì đã được cứu sống, để được về gặp lại và tiếp tục mò cua bắt ốc nuôi cháu.
Một người vừa “chết đi sống lại” cách đây không lâu là ông Hồ Văn Hườn (48 tuổi, ngụ xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Ngày 25/12/2012, ông ra đồng thăm ruộng, thấy bờ nhiều cỏ dại nên dùng tay nhổ cỏ, bất thình lình bị một con rắn hổ đất màu đen nặng khoảng hơn 2 ký cắn vào tay phải. Đau đớn tê dại, ông kịp chạy về nhà và được đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Ba Tri điều trị. Bệnh viện sơ cứu rồi cắt cử bác sĩ mang theo công cụ y tế hỗ trợ để cùng người nhà chuyển gấp bệnh nhân lên trại rắn Đồng Tâm.
Vợ bệnh nhân cho biết trên đường đi, chồng mình cứ lịm dần, khi sắp đến nơi đã gần như tắt thở, phải dùng ống thở nhân tạo giúp duy trì sự sống: “Nhận định ban đầu của bác sỹ khi cấp cứu cho chồng tôi là “10 phần chỉ có một phần sống””. Sau khi nhận định vết thương do rắn độc hổ đất cắn, bệnh nhân được rửa và mổ vết thương, hút đờm, cho dùng thuốc huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất tinh chế, đồng thời thực hiện các biện pháp cấp cứu kết hợp, sáng hôm sau đã không còn hôn mê. Dịp Tết này ông đã được về quê ăn Tết cùng gia đình, ra Tết lại tiếp tục quay lại Trung tâm để phẫu thuật thẩm mỹ vết thương. Được cấp cứu kịp thời nên ông Hườn may mắn không bị teo cơ hay bất cứ di chứng gì.
Trung tâm “cướp cơm Thần Chết”
Đại tá, dược sĩ Trần Thị Hà, Giám đốc Trung tâm cho biết từ khi thành lập vào năm 1979 đến nay, đã có hàng nghìn người bị rắn cắn được Trung tâm “cải tử hoàn sinh”. Nguyên liệu chính để Trung tâm chế tác dược liệu phục vụ điều trị bệnh nhân chính là nọc độc của mọi loại rắn. Năm 2004, đã có hai loại huyết thanh kháng nọc được Trung tâm nghiên cứu thành công, giúp cứu sống rất nhiều người không may bị loài vật này tấn công.
Hiện trung bình mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận từ 5 - 6 bệnh nhân bị rắn rết cắn, không chỉ đến từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mà ở vùng Đông Nam Bộ mà thậm chí từ nước bạn như Campuchia... Từ năm 2006, Trung tâm không thu tiền viện phí, tiền công chăm sóc mà chỉ nhận tiền thuốc men của bệnh nhân. Đặc biệt đơn vị này có chính sách hỗ trợ riêng với những bệnh nhân là người nghèo, người thuộc diện chính sách, người già neo đơn.
Ngoài nhiệm vụ chữa rắn cắn cho người dân, Trung tâm có nhiệm vụ nghiên cứu, nuôi trồng, bảo tồn các loại rắn quý và cây con làm thuốc. Trại rắn Đồng Tâm hiện có số lượng các loài rắn lớn nhất Việt Nam, lên đến hàng nghìn con, trong đó có những loại độc như hổ mang chúa, hổ mang đất, rắn lục dồ, hổ mèo... Nằm trên diện tích 12ha, trại rắn còn là điểm đến thú vị cho những khách du lịch thích “cảm giác mạnh”, nhất là dịp Tết đến Xuân về. Đến đây du khách được nhân viên tư vấn kiến thức cách nhận biết rắn độc hay lành, cách phòng chữa khi bị rắn cắn.
Trần Tuyết Anh (SN 1989), cô nhân viên trại rắn Đồng Tâm có biệt danh “Hoa khôi trại rắn” chia sẻ: “Trước khi vào làm việc ở đây, cứ thấy rắn là tôi đã chạy chứ không dám nghĩ chạm vào. Nhưng làm được một thời gian tôi mới biết hóa ra rắn là loài vật hiền lành không đáng sợ nếu mình biết cách phòng tránh”. Chẳng thế mà các cụ ngày xưa vẫn coi rắn là con vật mang đến điềm lành?
“Hoa khôi tuổi rắn” mách bí quyết: Khi đầu rắn bị cắt đứt với thân thì chúng vẫn sống được khoảng thời gian từ 10 - 15 phút, cơ quan thần kinh vẫn hoạt động và biết được thế giới xung quanh, bởi vậy không được chủ quan chạm vào, rất dễ gây nguy hiểm. Ở các vùng nông thôn, người dân đi ra đồng hay vườn nên đeo ủng, đi đêm phải có đèn soi sáng, vào rừng chỗ rậm rạp nên dùng gậy đập động để nếu có rắn, chúng sẽ bò chạy đi chỗ khác... Khi đã bị rắn độc cắn dù là vết thương nhẹ cũng phải nhanh chóng đưa đến bệnh viện hoặc các trung tâm chuyên trị vết thương do rắn cắn, nếu không có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Minh Hữu