Nơi chắp cánh những mầm non nghệ thuật mảnh đất chín Rồng

(PLVN) - Ngày cuối năm, tôi trở về Sóc Trăng trong dạt dào thương nhớ kỷ niệm xưa, se sắt lòng. Xe khách Phương Trang thả xuống bến xe cách trung tâm thành phố khoảng 2 km. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, nhanh như bóng câu ngang cửa… mới đó mà đã 38 năm. 
Học viên người Khmer tập Dù kê
Học viên người Khmer tập Dù kê

Tôi đi lại một vòng ngắm thành phố thân yêu mà 38 năm trước mình đã tới đây học tập, lúc đó còn là thị xã. Qua cây cầu bắc ngang con sông nhỏ, một thôi đường... “con đường xưa em đi”, mình đi và cả hai đứa cùng đi nghiêng ngả say, vịn tựa vào nhau mà bước.

Một hồi mải miết kiếm tìm không ra. Ngôi trường đã biến mất để nhường khu đất cho một công trình lớn. Lại một hồi hỏi thăm, đã biết địa chỉ mới. Ngôi trường với tên gọi khác: Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng. 

Theo biên niên sử nhà trường thì nơi đây tiền thân là Trường Tuyên huấn tỉnh Sóc Trăng thành lập năm 1976, nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian này là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hoá, văn nghệ phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến trước đây chưa được qua trường lớp.

Từ  năm 1976 đến nay trường mang các tên khác nhau: Trường Tuyên huấn tỉnh Sóc Trăng; Trường Nghiệp vụ Văn hoá thông tin Hậu Giang (1976 – 1980); Trường Văn hoá Nghệ thuật Hậu Giang (1980 – 1989); Trường Trung học Văn hoá Nghệ thuật Hậu Giang (1989 – 1992). 

Từ sau ngày thống nhất đất nước, tình hình phát triển văn hoá phong phú, đa dạng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu  Long (ĐBSCL) ngày càng mạnh, hàng loạt hoạt động và mô hình văn hoá mới hình thành, phát triển không ngừng. Thực tiễn đòi hỏi phải được đáp ứng tương xứng, trong đó có nhu cầu về đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và hoạt động văn hoá.

Chính trong bối cảnh đó Trường Trung học Văn hoá Nghệ thuật ra đời. Từ tháng 4/1992, sau ngày tái lập tỉnh Sóc Trăng, Trường chính thức mang tên Trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật Sóc Trăng trực thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh. 

Học viên lớp nhạc cụ dân tộc
Học viên lớp nhạc cụ dân tộc

Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ. May sao còn có Tiến sĩ, Nhạc sĩ, Phó Hiệu trưởng nhà trường, thầy Sơn Ngọc Hoàng nhận ra và nhớ vanh vách những kí ức ngày xưa... Nhiều cái tên đọng lại: Nhạc sĩ Trương Xuân Mẫn, hai ca sĩ chị em Nhã Phương - Bảo Yến, hay may mắn như tôi nhờ cất cánh từ bệ phóng này mà nay đã trở thành Nghệ sĩ ưu tú. 

Nhiều bạn bè, đồng nghiệp vẫn gọi thầy Hoàng là “Nhạc sỹ Khmer Nam bộ” bởi ông không chỉ là người dân tộc Khmer, mà hầu hết ca khúc của ông sáng tác đều mang âm hưởng dân ca Khmer Nam bộ, gần gũi với cuộc sống thường nhật ở vùng quê, trữ tình, ngọt ngào tha thiết.

Với niềm đam mê âm nhạc dân gian nồng nàn, năm 1978 vừa tốt nghiệp xong lớp 12, thầy Hoàng gia nhập Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Hậu Giang (cũ). Chính từ đây đã chắp đôi cánh ước mơ cho ông vươn tới tầm cao của nghệ thuật. Năm 1985, ông tốt nghiệp Trung cấp loại giỏi, được xét tuyển thẳng lên hệ Đại học tại Nhạc viện TP HCM.

Ông sáng tác rất đa dạng đề tài. Nhiều bài hát của ông rất gần gũi với công chúng ĐBSCL. Các tác phẩm: “Lời ru quê hương”, “Tình em cô gái Chùa Dơi”, “ Trường ca Sông Trăng”… đã đưa danh tiếng nhạc sỹ Sơn Ngọc Hoàng bay xa khắp vùng sông nước Miền Tây, riêng “Ánh sao đêm Đôn – Ta” và “Tình em cô gái Chùa Dơi” đồng đoạt giải Nhất và “Lời ru quê hương” đoạt giải Nhì trong cuộc thi sáng tác ca khúc Khu vực ĐBSCL năm 1992.

Năm 2003, tại Ngày Hội Văn hóa – Thể thao và Du lịch Khmer Nam bộ lần II, tổ chức tại Rạch Giá (Kiên Giang), trong số 10 tỉnh, thành phía Nam biểu diễn, đã có chín tỉnh sử dụng ca khúc của ông. 

Không chỉ sáng tác các ca khúc, dàn dựng chương trình, ông còn viết nhiều tác phẩm thể loại khí nhạc như: Khát vọng (Variation: Piano), Ký ức ĂngKor Wat (Symphony, 4 chương), Ký ức Dòng sông (tứ tấu đàn dây, 4 chương)…

Buổi học hình họa của học viên
Buổi học hình họa của học viên

Và tác phẩm giao hưởng 4 chương mang tên “Bức tranh đồng quê” được Hội đồng đánh giá loại ưu khi ông bảo vệ luận văn Thạc sĩ. Năm 2007 ông đã bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ với đề tài “Âm nhạc nghi lễ dân gian trong văn hoá của người Khmer ở Sóc Trăng”.

***

Câu chuyện miên man sau phút giây gặp gỡ, tôi chợt nhớ đến Lễ hội Óc om boc - đua ghe Ngo của đồng bào Khmer nơi đây. Đây là lễ hội truyền thống, mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc của bà con Khmer.

Cứ đến lễ hội, nhà chùa, sư sãi, cùng ban quản trị lại tổ chức vận động bà con tham gia. Trước ngày hội đua ghe Ngo, các chùa phải chuẩn bị cách đó cả tháng để tuyển chọn các tay bơi là những chàng trai khỏe mạnh trong các phum sóc để tập dượt sức dẻo dai, bơi đều nhịp mái chèo. 

Đến với vùng đất ĐBSCL những ngày trước hội, từ xa đã nghe những câu hò khi tập luyện của các chàng trai, cô gái Khmer báo hiệu của ngày lễ hội truyền thống vào giữa tháng 10 âm lịch. Nhưng một cái thở dài đã buông vào gió, tôi đã trễ hội năm nay, vì đã tan hội cách một ngày.

Thấy tôi xuýt xoa tiếc, thầy Hoàng bảo: “Tớ sẽ cho cậu nghe cái này để nguôi ngoai phần nào tiếc nuối. Máy tính đâu, mở ra. Và âm nhạc vang lên với một điệu hò Nam bộ mênh mang thương nhớ... Rồi vút cao, sáng bừng giai điệu và lời ca lồng lộng bay trên sông nước dập dềnh miền Tây hoang hoải nhớ thương. Ca từ mĩ miều làm sao, óng ánh tài hoa:

“ Vầng trăng lung linh toả sáng mênh mông đất trời quê ta

Một dòng sông trăng mặt nước lung linh sắc màu hoa đăng...

... Sáng lên đi hỡi ánh trăng rằm soi sáng cho muôn làng quê ta 

Hãy lướt nhanh hỡi những con thuyền mau đến những bến bờ tương lai”. 

Tôi nghe đi nghe lại bài hát và đúng là vợi đi bao nhiêu tiếc nuối lỗi hẹn hội mùa sông nước... Xin có mặt năm sau “Óc om bóc” dễ thương ơi!        

Tác giả Nguyễn Huấn về thăm lại trường xưa
Tác giả Nguyễn Huấn về thăm lại trường xưa

 Buổi sáng tràn trề gió lộng sân trường, “gió cái” ngọt và mát lịm. Thầy Hoàng dẫn tôi đi tham quan trường. Đẹp đẽ quá và các thầy cô, các em các cháu dễ thương làm sao, miệt mài say sưa giảng dạy học tập.

Ấn tượng nhất là nụ cười rạng rỡ trên gương mặt của những học viên người Khmer đang theo học lớp diễn viên và nhạc công về lĩnh vực nghệ thuật sân khấu Dù kê, thân thiện, hiền hoà, say mê học hành để sau này mang nghệ thuật lời ca, tiếng đàn phục vụ cho Phum sóc đồng bào mình.

Ở ngôi trường này các em được học hệ Trung cấp âm nhạc, mỹ thuật và quản lý văn hóa. Đội ngũ giảng viên toàn các thầy cô có trình độ chuyên môn sâu và kinh nghiệm dày dặn về sư phạm và nghệ thuật. 

Thanh thản. Tôi ngồi lặng một góc mà nghe tiếng hát, tiếng đàn cất lên trong trẻo dù đôi lúc có đôi chút lỗi nhịp vì các cháu mới làm quen. Không sao, rồi mọi thứ sẽ ngày càng đi vào chuẩn mực để ngày mai, từ đây, nơi chắp cánh những mầm non nghệ thuật trên mảnh đất chín Rồng, những chú chim non hôm nay sẽ sải cánh đại bàng tung bay trên cánh rừng đại ngàn nghệ thuật và gặt hái bao thành công làm rạng danh quê hương như người thầy, người đồng hương của họ: Tiến sĩ, nhạc sĩ Sơn Ngọc Hoàng.