Hãy tưởng tượng, trong một gia đình người phụ nữ nắm quyền lực trong tay. Con cháu sống cùng và theo dòng máu của mẹ. Những người phụ nữ này không kết hôn và có quyền “vui vẻ” với bất kỳ người đàn ông nào tùy thích, không bị ai phán xét. Ở xứ này, đàn ông không được coi trọng, họ chỉ có vai trò duy trì nòi giống cho dòng tộc. Những điều lạ lùng này đang diễn ra ở bộ tộc Tây Tạng có tên Mosuo.
Cộng đồng mẫu hệ
Với khoảng 400 ngàn người, bộ tộc thiểu số Mosuo được biết đến là một trong những cộng đồng mẫu hệ cuối cùng trên thế giới và duy nhất còn sót lại ở Trung Quốc. Họ sống trong những ngôi làng nhỏ xung quanh hồ Lugu, cao 2.700 mét so với mực nước biển, tại thành phố Lệ Giang, nơi giáp ranh giữa tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên, biên giới với Tây Tạng.
Mosuo không được chính phủ Trung Quốc thừa nhận là một trong 55 nhóm dân tộc thiểu số chính thức. Người Mosuo sinh sống và tồn tại trong suốt hơn 2.000 năm qua và chủ yếu theo Phật giáo Tây Tạng.
Theo nhiều tài liệu lịch sử, Trung Quốc dưới thời nhà Nguyên cai trị (từ năm 1271-1368), tộc người Mosuo đã có cơ chế phân cấp xã hội cứng nhắc, được quản lý bởi một hệ thống thủ lĩnh. Do vậy, dù sinh sống cùng với cộng đồng các dân tộc có chế độ hôn nhân bình thường một vợ, một chồng. Nhưng duy nhất người Mosuo vẫn duy trì tập quán không kết hôn và phụ nữ điều hành gia đình.
Theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ là người quyết định các vấn đề trọng đại. Họ kiểm soát tài chính vì sở hữu mọi gia sản, ruộng đất. Bản thân là trụ cột chính trong gia đình nên họ cũng phải làm tất cả các công việc đồng áng, dệt vải, nấu nướng, dọn dẹp và chăm sóc con...
Đàn ông có sức khỏe hơn sẽ lao động nặng như cày ruộng, xây dựng, sửa nhà, giết mổ gia súc và tham gia thực hiện các quyết định lớn dưới sự chỉ đạo của cụ bà trưởng tộc. Mặc dù đàn ông Mosuo vẫn có thể đưa ra ý kiến cá nhân trong những vấn đề quan trọng, song quyết định cuối cùng vẫn thuộc về người phụ nữ đứng đầu.
Khi một người phụ nữ này muốn "truyền ngôi" cho người khác trong nhà, họ sẽ trao cho cô gái chiếc chìa khóa của nhà kho - nơi chứa lương thực và các nhu yếu phẩm, cũng như thông báo cho mọi người trong đại gia đình về việc "chuyển giao quyền lực" này.
Không giống bất kỳ nơi nào trên thế giới, Mosuo là cộng đồng người duy nhất theo tập tục "zuo hun", hay theo nhiều người Trung Quốc diễn giải là "tình yêu tự do". Từ năm 13 tuổi, những cô gái sẽ có một căn phòng riêng được gọi là "phòng hoa" trong nhà. Những người đàn ông trong bộ tộc lọt vào mắt xanh của cô gái này sẽ được tự do ra vào, thậm chí được mời ngủ lại qua đêm.
Cụ thể, nam thanh niên đêm đêm sẽ cưỡi ngựa sang nhà cô gái, leo lên chiếc thang mà cô gái bắc sẵn để vào phòng. Họ sẽ ở bên nhau suốt đêm nhưng người con trai phải lặng lẽ về nhà trước khi gà gáy sáng. Khi đến nhà cô gái, các chàng trai thường mang theo một chiếc nón, một cây gậy và vài cái bánh bao.
Cô gái sẽ treo chiếc nón ngoài cửa sổ để kẻ đến sau nhìn thấy mà rút lui. Còn chiếc gậy dùng để xua rắn rết hay hù dọa lũ chó nhà “nàng”, bánh bao cũng là "quà mua chuộc" đàn chó để dễ dàng "đột nhập".
Đặc biệt mỗi khi bộ tộc có lễ hội, những cô gái mới lớn sẽ cùng những chàng trai nhảy điệu múa truyền thống. Sau đó, cô sẽ chọn cho mình một người đàn ông vừa mắt để làm người yêu. Họ có thể "tình một đêm" hoặc cũng có thể ở với nhau một tháng, một năm hoặc cả đời nếu mối quan hệ tình cảm duy trì tốt đẹp.
Đối với những chàng trai có tình cảm trước với một cô gái, trong lúc nhảy điệu múa truyền thống họ sẽ mời cô gái đó nhảy cùng. Nếu được ưng thuận, cô gái đó sẽ chấp nhận lời mời bằng cách chạm vào tay chàng trai.
Các đôi trai gái khi đến với nhau không phải vì tiền bạc, áp lực gia đình hay các vấn đề nào khác. Họ đơn giản chỉ vì cảm mến nhau và đến với nhau hoàn toàn vì tình yêu. Phụ nữ ở Mosuo có quyền qua đêm với người đàn ông họ thích và có quyền thay đổi người tình khi cảm thấy chán. Đêm hôm nay họ có thể bắc thang mời người đàn ông này ngủ cùng. Nhưng nếu chưa hài lòng họ sẽ "cấm cửa" và cho chàng khác lên gác vào đêm khác.
Theo tục lệ là vậy nhưng trên thực tế phụ nữ Mosuo không thay đổi người tình quá thường xuyên. Họ cũng hiếm khi quan hệ với hai người đàn ông trở lên cùng lúc. Ngoài ra, tục này vẫn có quy định cấm, rằng hai người có quan hệ huyết thống quá gần không được phép ngủ cùng nhau.
"Tại sao phải kết hôn. Mọi người ở đây không tin vào hôn nhân. Chúng tôi nghĩ rằng nếu hai người sống cùng nhau nhưng không hạnh phúc, ràng buộc chỉ thêm đau khổ, thay vào đó hãy giải thoát cho nhau trong hòa bình. Do vậy, chúng tôi chỉ dành cho nhau tình một đêm", một cô gái tên Chatso là thành viên của bộ tộc Mosuo cho biết.
Tập tục “ngược đời”
Chính vì tập tục "tình yêu tự do", nên người Mosuo không có văn hóa cưới hỏi. Cũng chính vì vậy họ không biết đến cái gọi là "ly dị" hay "ly thân". Khi cô gái có thai, mối quan hệ giữa đôi nam nữ gắn bó hơn. Chàng trai sẽ thường xuyên lui tới đến chăm sóc, nhưng tuyệt đối không được bồng con về nhà mình.
Trẻ em sinh ra đều ở với mẹ, không làm dâu hay làm rể cho bất kỳ gia đình nào khác. Họ gọi cha ruột và tất cả đàn ông trong bộ tộc là "chú hoặc bác". Những đứa trẻ, thậm chí bà mẹ còn chẳng biết cha của con mình là ai. Với họ, con nào cũng là con và chẳng bao giờ bận tâm đến điều ấy.
Còn cha ruột của chúng phải về phụng dưỡng mẹ đẻ cùng các chị em gái bên nhà mình. Họ không phải chu cấp gì cho đứa con của mình, cũng không cần phải chăm sóc hay sống cùng chúng. Các chú bên mẹ sẽ làm nhiệm vụ thay người cha dạy dỗ đứa trẻ.
Cũng chính vì vậy ở Mosuo không có cái gọi là kỳ thị, trọng nam khinh nữ hay con ngoài giá thú. Người Mosuo coi mối quan hệ gia đình là thứ quan trọng nhất. Các gia đình đều có nhiều thế hệ chung sống với nhau nhưng cuộc sống rất bình yên và tình cảm.
Sự "ngược đời" của Musuo thu hút sự tò mò của khách du lịch đến vùng đất này mỗi năm càng nhiều và công nghiệp du lịch đang dần dần làm thay đổi nền văn hóa lâu đời của họ. Dần dà dù chế độ một vợ, một chồng chưa tồn tại, nhưng nhiều phụ nữ đã lựa chọn sống lâu dài cùng với một người đàn ông.
Đặc biệt, kể từ khi du lịch phát triển trong những năm 1990, cuộc sống của thế hệ trẻ Mosuo bắt đầu thay đổi. Rất nhiều chàng trai, cô gái Mosuo bắt đầu sống kiểu phương Tây. Họ yêu, kết hôn với người ngoại tộc, sống riêng cùng vợ chồng và con cái ở những thị trấn lớn hơn. Tuy nhiên, khi về quê họ vẫn tuân thủ phép tắc phục tùng người đứng đầu gia đình các cụ, các bà, các mẹ.