Nỗi đau của người mẹ có con “ác hơn hổ dữ”

. Tại phiên toà, bà cho biết tội lỗi của con gái bà khó có thể tha thứ, nhưng từ sâu thẳm trong trái tim người mẹ tội nghiệp ấy vẫn không khỏi thương xót cho đứa con gái tội nghiệp.

Phòng xử án Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình một ngày cuối năm 2009 có nhiều người đến theo dõi hơn những buổi xử án thông thường. Đó là phiên xét xử một phụ nữ vì giận chồng nên đã ôm con lao xuống sông tự sát khiến hai con nhỏ chết đuối. Có lẽ mọi bản án tòa tuyên lúc này đối với chị còn nhẹ nhàng hơn ngàn lần bản án lương tâm “ác hơn hổ dữ” mà chị đang phải chịu.

Vụ tự tử không thành đau đớn

Sáng sớm ngày 3/5/2009, không khí cả xã Hoà Bình, huyện Hưng Hà bỗng trở nên náo động khi phát hiện thấy chị Trần Thị Xuyến đang nằm ngửa lập lờ cạnh đám bèo trên con sông nhỏ chạy ngang qua làng. Đưa được chị vào bờ, khi vừa tỉnh lại, người ta thấy chị ú ớ chỉ ra phía mặt sông: “Con, con”. Đổ xô chạy dọc dòng sông, ai nấy đều lặng người khi lần lượt người ta vớt được xác hai cháu bé con trai chị, một đứa 9 tuổi, một đứa vừa sinh tròn 9 tháng. Hai cháu bé đều chết vì ngạt nước.

Hình minh họa
Hình minh họa

Sự việc ba mẹ con chị Xuyến gặp nạn không phải do tình cờ. Tại cơ quan công an, Xuyến khai nhận do hàng chục năm nay vợ chồng thường mâu thuẫn cãi vã, chồng lại có vợ khác trên Hà Nội, ruồng rẫy bỏ bê ba mẹ con chị nên trong một phút quẫn trí, chị đã ôm các con nhảy xuống sông tự vẫn.

Trớ trêu thay, chị lại không chết mà lại “bị” sống để người đời nguyền rủa là người đàn bà “ác hơn hổ dữ”. Phiên toà hôm ấy Trần Thị Xuyến bị Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình tuyên phạt 20 năm tù giam vì tội giết người. Bản án không bị kháng cáo vì theo lời Xuyến, “từ khi ôm con nhảy xuống sông, cuộc đời của tôi đã coi như không còn nữa. Giờ nếu có được sống, tôi cũng chỉ tồn tại”.

Bi kịch nối tiếp bi kịch

Trong phiên tòa hôm ấy, còn một người phải gánh chịu sự dằn vặt lương tâm nặng nề. Đó là mẹ chị Xuyến – bà Thuận. Bà tâm sự: Không hiểu vì sao đời bà đã khổ vì chồng, nay con gái bà lại thêm một lần gặp bi kịch cũng từ chuyện chồng ngoại tình mà ra. Bà không ngờ rằng bi kịch của cuộc đời mình rồi sẽ lặp lại ở cuộc đời người con gái.

30 năm trước đây, bà lấy chồng rồi sinh ra Xuyến. Cuộc sống lam lũ cộng với căn bệnh tim của bà đã khiến cho tình cảm của đôi vợ chồng trẻ dần dần rạn nứt. Năm Xuyến lên 4 tuổi, chồng bà bỏ vợ con, rời quê vào Nam lấy vợ khác. Hai mẹ con từ ấy ngày ngày rau cháo nuôi nhau. Nhà nghèo nên học hết lớp 7 Xuyến đã phải bỏ học để ở nhà làm ruộng, đi mò cua bắt ốc cùng mẹ.

Năm Xuyến 15 tuổi, một cậu trai làng đã theo đuổi. Yêu nhau đến 3 năm mà bà vẫn chưa thấy cậu trai đả động gì đến chuyện cưới xin. Đến lúc nghe tin cậu trai đã có người yêu mới trên Hà Nội trong thời gian cậu đi làm thuê trên phố, lúc ấy bà mới thấy lo lắng cho con gái, sợ cậu trai kia bỏ con mình thì con gái lại phải đối diện cảnh không chồng, nên bà giục bên nhà trai làm đám cưới.

Phải dăm ba lần thúc bách, kì kèo chuyện yêu nhau mãi thì phải có trách nhiệm lấy, bên nhà trai mới chịu đưa lễ vật sang nhận Xuyến làm con dâu. “Tôi sợ con mình lại rơi vào cảnh không chồng như mình, nên mong con gái có chỗ nương tựa trong cuộc sống mà bắt ép con gái vào tình thế, mà không nhận định là chàng rể tốt hay xấu, thế nên điều đó đã gián tiếp làm hại chính con mình”, bà thuật lại.

Những ngày đầu mới cưới nhau, cuộc sống của vợ chồng Xuyến cũng bình lặng như những cặp vợ chồng trẻ khác ở xã thuần nông này. Họ sắm một cái thuyền nhỏ, vài chục cái te, rồi lưới, rồi vó... Hàng ngày vợ chồng ra đồng kéo te, thả lưới bắt cá về bán lấy tiền đong gạo, đến mùa khô thì đốt thêm mấy lò gạch nhỏ kiếm thêm thu nhập.

Rạn nứt chỉ thực sự bắt đầu khi anh chồng quay trở lại Hà Nội làm việc cho một công ty xây dựng và tình cờ gặp người yêu cũ rồi hai người chung sống với nhau như vợ chồng.

Biết chuyện, chị Xuyến nhiều lần khuyên nhủ, van xin chồng về quê, không lên Hà Nội làm nữa nhưng không ích gì. Chồng Xuyến tát tai vợ, đập phá đồ đạc trong nhà rồi tuyên bố mẹ con Xuyến không còn ý nghĩa gì, rằng anh đã có vợ con ở Hà Nội rồi lấy xe phóng đi.

Nỗi đau lòng mẹ

 Những ngày vợ chồng con gái cãi cọ nhau, bà Thuận luôn cảm thấy bất ổn. Bà biết chuyện từ ngày con rể có “vợ nhỏ”, con gái bà đã có nhiều lần tuyên bố tự tử, có lần định chích điện vào người tự sát bất thành, thế nhưng việc con gái bà sẽ chết cùng hai đứa cháu ngoại thì bà chưa từng nghĩ tới.

Sáng ngày xảy ra sự việc, bà Thuận rụng rời chân tay, ngất đi ngất lại không biết bao nhiêu lần khi được mọi người dìu ra bờ sông nhìn mặt hai đứa cháu lần cuối.

Tại phiên toà, bà cho biết tội lỗi của con gái bà khó có thể tha thứ, nhưng từ sâu thẳm trong trái tim người mẹ tội nghiệp ấy vẫn không khỏi thương xót cho đứa con gái tội nghiệp. “Con bé nó gan góc lắm. Từ bé, do không có cha bảo vệ nên nó phải tự bảo vệ mình, có tiếng bướng bỉnh, lì lợm. Giá như tôi không bị bệnh nặng, có thể lắng nghe được lời tâm sự của nó từ sớm thì mọi chuyện đã không khủng khiếp đến như vậy.

Trên đời nó chỉ có tôi là ruột thịt, nhưng vì biết tôi bị bệnh tim, nên nó ít kể điều gì về cuộc sống vợ chồng nó. Con bé xưa nay vẫn thế, cứ âm thầm chịu đựng một mình. Đến lúc quá sức chịu đựng thì nó nghĩ quẩn, làm điều dại dột chứ tôi cũng là mẹ, cũng như hàng triệu người mẹ đều hiểu, “hổ dữ không ăn thịt con”. Tất cả cũng vì bế tắc, vì cùng quẫn mà sinh ra manh động mà thôi”, bà Thuận nói.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm