Nỗi đau người ở lại vụ cha đánh chết con trai

“Có đêm ông ấy cũng không ngủ được, bảo tôi đừng suy nghĩ gì nữa, ông ấy làm ông ấy chịu và bảo có lỗi với tôi nhiều lắm! Ngày thường hai bố con nó không bao giờ to tiếng với nhau, không hiểu sao chuyện đó lại xảy ra với gia đình tôi nữa. Tội nhất là cái út, nó thương anh vì từ bé hai anh em lớn lên với nhau nên nhiều đêm nó mơ thấy anh về. Đáng lẽ nó sắp thành dâu nhà người nhưng vì chuyện của anh trai mà phải hoãn lại”, mẹ nạn nhân giãi bày.

[links()] Tròn 1 tháng sau khi xảy ra vụ án cha giết con, người dân thôn Bằng, xã Tây Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nói nói về vụ việc chưa từng có tiền lệ ở địa phương này. Trong một phút nóng giận, ông Bùi Văn Nhảy (SN 1961) đã dùng gậy đập chết con trai mình dù nạn nhân vốn là người con hiếu thảo trong gia đình và hai bố con cũng không hề có hiềm khích, mâu thuẫn gì đáng kể trong cuộc sống thường ngày.

Di ảnh nạn nhân Bùi Quang Huy

Án mạng bắt nguồn từ... con trâu?

Khoảng 15h ngày 9/6/2012, ông Bùi Văn Nhảy ngồi uống rượu cùng con trai Bùi Quang Huy (SN 1988) và khách thì xảy ra mâu thuẫn. Lời qua tiếng lại, ông Nhảy dùng gậy vụt con trai mình liên tiếp mấy nhát khiến nạn nhân ngã từ trên sàn nhà (nhà sàn) xuống đất.

Có một người có thể được xem là nhân chứng của vụ án là anh Nguyễn Phi Long (SN 1985, ngụ cùng thôn) khoảng 11h trưa hôm đó, anh Huy đi xẻ gỗ về và mời anh Long sang uống rượu nên anh đã đem 1 chai rượu và 3 quả trứng gà sang góp vui. Anh Long và anh Huy ngồi một lát thì ông Nhảy đi đâu đó về cùng uống. Uống hết một chai rượu (loại 1,25 lít - PV), anh Huy có nói với ông Nhảy việc Huy đang mượn ai đó tiền và còn nợ 1 triệu đồng do mua điện thoại, ông Nhảy không nói gì.

Đến khi nghe Huy nói muốn đưa con trâu của nhà đi kéo gỗ thì ông Nhảy không đồng ý vì cho rằng con trâu đang bị đau móng chân. Thế là hai cha con cãi nhau. Trong lúc cãi nhau, anh Huy có lấy điếu cày vụt bố mình nhưng trượt, ông Nhảy cũng đánh lại Huy mấy cái. Được anh Long can ngăn, hai bên đã dừng tay và Huy say rượu nên đi ngủ.

Theo anh Long, đến khoảng 15h cùng ngày, ông Nhảy có khách từ TP.Hòa Bình vào chơi nên anh Long lại cùng ông Nhảy, Huy ngồi uống rượu với khách. Đang nhậu thì ông Nhảy nhờ anh Long về lấy chiếc điếu cày để hút thuốc lào. Lúc đi khỏi nhà ông Nhảy, anh Long có nghe ông Nhảy to tiếng và khi quay lại thì thấy ông này mặt thất thần đi ra bảo: “Tao đánh thằng Huy, nó ngã ở hiên nhà rồi”. Anh Long vội gọi mọi người đến thì thấy Huy đã chết rồi. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân tử vong do chấn thương sọ não kín với nhiều vết bầm tím ở phần đầu.

Nói về nạn nhân Bùi Quang Huy, nhân chứng Nguyễn Phi Long nhận xét: “Huy nó là đứa hiền lành, ít nói. Hai anh em thi thoảng cũng tâm sự với nhau. Hôm trước xảy ra vụ việc, tôi có gặp Huyền, em gái của Huy thì thấy cô bé bảo anh Huy tự dưng nói dở, bảo là em cố gắng sống cho tốt, đừng phụ công cha mẹ. Tôi thấy sự việc thực sự đáng tiếc vì cả hai bố con đã không giữ được mình. Tôi là người từ nơi khác về đây sinh sống, tuy chưa hiểu hết phong tục tập quán nhưng chứng kiến một phần vụ việc, tôi vẫn động viên ông Nhảy là mọi việc đã qua rồi. Có thế nào thì pháp luật sẽ soi xét”.

Anh Nguyễn Phi Long kể lại sự việc cho phóng viên

Nỗi đau người ở lại

Theo ông Bùi Văn Thêm, Phó Trưởng Công an xã Tây Phong, sau khi gây án, do sức khỏe có phần không tốt nên ông Nhảy đang được tại ngoại ở nhà. Tuy nhiên, mỗi khi cơ quan công an triệu tập là ông Nhảy phải có mặt nên cứ vài ngày là ông lại vắng nhà một lần.

Tìm về thôn Bằng, nơi xảy ra sự việc đau lòng khi con đường bê tông dẫn vào thôn vẫn còn chưa hoàn thiện. Bao năm nay, người dân thôn Bằng quen với đường đất, nhà sàn và cuộc sống giản đơn nhưng chứa chan tình nghĩa. Thế nên trong suy nghĩ của họ, việc ông Nhảy xuống tay sát hại con trai mình là chuyện tày đình, chuyện chưa bao giờ xảy ra và không bao giờ được chấp nhận ở địa phương này.

Gặp khách hỏi đường, một bà lão ở đầu thôn Bằng nói: “Nhà ông Nhảy ở cuối thôn kia kìa. Mọi người trong thôn bất bình lắm, hổ dữ còn không ăn thịt con, vậy mà ông ấy lại hành động như thế”. Cũng theo bà lão này, hết thảy người dân trong thôn đều tỏ ý bất bình, tẩy chay ông Nhảy bằng cách gặp ông này thì ai nấy đều không nói gì, thay vì chào hỏi như thường lệ.

Trong căn nhà nhỏ không có vật gì đáng giá, bà Bùi Thị Bình (SN 1963, mẹ của nạn nhân Bùi Quang Huy) không giấu nổi những giọt nước mắt xót thương cậu con trai vừa đột ngột ra đi của mình. Bà Bình cho biết, ông bà có 4 người con, trong đó anh Huy là con thứ ba nhưng là con trai duy nhất. Hai chị của Huy đã đi lấy chồng, Huy và đứa út chưa lập gia đình nên vẫn ở cùng cha mẹ.

“Nó là đứa ngoan hiền, ít nói. Do nghỉ học sớm nên thường ngày nó hay đi xẻ gỗ thuê, hàng tháng cũng có đồng ra đồng vào. Nó bảo với tôi là nó để dành tiền để cưới vợ đấy! Thế mà nay nó đi rồi, phong tục ở đây là người chết trẻ không đem ảnh thờ nhưng tôi nhớ nó quá, lúc nào xong việc là lại đem ảnh của nó ra ngắm con. Xót xa lắm anh ơi”, bà Bình mếu máo nói.

Bà Bình quặn lòng kể lại câu chuyện không may xảy đến

Theo bà Bình, hôm xảy ra sự việc, ông Nhảy muốn đi ăn cỗ ở làng bên mà không cho vợ đi theo nên bà ở lại trên nương. Chiều hôm đó, bà nghe con gái gọi về ngày vì “nhà có chuyện không hay rồi” nên hấp tấp chạy về. “Trên đường về, người nóng như lửa đốt, cứ vấp ngã liên tục nên tôi đoán có chuyện chẳng lành. Về nhà, thấy mọi người kể lại mà tôi chỉ biết ôm con khóc chứ không biết phải làm sao. Ông Nhảy thì ngồi ở góc nhà, không nói không rằng, đến sáng hôm sau thì ra Công an huyện”, bà Bình thuật lại,

Cũng theo bà Bình, từ hôm xảy ra vụ án, ông Nhảy rất ân hận và tiều tụy đi nhiều vì suy nghĩ và ân hận. Người đàn ông này ít ăn uống, cứ nằm rồi lại ngồi, ngồi rồi lại nằm, hầu như không dám đi đâu vì sợ giáp mặt với sự ghẻ lạnh, chê trách của dân làng. 

Bà Bình giãi bày: “Có đêm ông ấy cũng không ngủ được, bảo tôi đừng suy nghĩ gì nữa, ông ấy làm ông ấy chịu và bảo có lỗi với tôi nhiều lắm! Ngày thường hai bố con nó không bao giờ to tiếng với nhau, không hiểu sao chuyện đó lại xảy ra với gia đình tôi nữa. Tội nhất là cái út, nó thương anh vì từ bé hai anh em nó lớn lên với nhau nên nhiều đêm nó mơ thấy anh nó về. Đáng lẽ nó sắp thành dâu nhà người nhưng vì chuyện của anh nó mà phải hoãn lại”.

Điều mà người mẹ tội nghiệp này trách móc người chồng của mình là chuyện ông này không chỉ gây ra cái chết cho con trai mà đến năm sinh của con, ông ta cũng không nhớ. “Nó (ý nói anh Huy - PV) sinh năm 1988 nhưng ông ấy khai với cơ quan công an là nó sinh năm 1991. Con tôi sinh ra, ông ấy có phải mang nặng đẻ đau đâu mà nhớ”, bà Bình thở dài.

Nói về nguyên nhân xảy ra vụ việc, bà Bình cho rằng chuyện con trâu kéo gỗ chỉ có thể gây ra mâu thuẫn nhỏ giữa hai cha con ông Nhảy - anh Huy và mâu thuẫn này không thể là động cơ khiến ông Nhảy xuống tay sát hại con trai mình. Nhìn nhận về sự việc, bà cho rằng yếu tố tác động khiến ông Nhảy gây tội ác phải là rượu: “Ông Nhảy và thằng Huy đều uống rượu nhiều. Mà uống rượu vào dễ có chuyện xích mích là hay nổi nóng. Nhiều khi thằng Huy có bạn bè về nhà là lại lôi rượu ra uống rất nhiều, ông Nhảy cũng thế!”.

Nhìn dáng vẻ lam lũ của người mẹ này khi lại cất tấm ảnh của con vào trong tủ và ôm mặt khóc khiến người đối diện không khỏi thương cảm. Huy là con trai trong nhà nhưng thường xuyên gần gũi và nói chuyện với mẹ nên hai mẹ con rất thương nhau. Gia cảnh gia đình này tại thôn Bằng cũng hết sức khó khăn, ngoài một phần đất nương mà gia đình khai hoang được và chủ yếu trồng lúa, trồng sắn thì không có gì thu nhập thêm. Lúc này đây, hẳn ông Nhảy đang ước rằng hôm đó giá như ông đừng uống rượu quá đà thì cơ sự đâu đã ra nông nỗi này...

Trần Minh - Kỳ Anh

Đọc thêm