Nói đi đôi với làm - Mệnh lệnh từ cuộc sống

(PLO) - Nhận thức đúng những nguy cơ bất ổn định xã hội sẽ dẫn đến mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nghị quyết trung ương (NQ TƯ) 4 khóa XII đã thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chấp hành Trung ương, với quyết tâm “nói đi đôi với làm”, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. 
“Bà con hãy nhớ sức khoẻ của cộng đồng chính là tương lai, là con cháu của chúng ta.” - Thủ tướng nhấn mạnh.
“Bà con hãy nhớ sức khoẻ của cộng đồng chính là tương lai, là con cháu của chúng ta.” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng – nhiệm vụ sống còn

Ngay từ những ngày đầu xây dựng chế độ mới, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm nhiều tới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Vì vậy, trong nhiều thập niên, tệ tham nhũng chưa trở thành “căn bệnh trầm kha” và là mối lo của xã hội ta. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tham nhũng, lãng phí, chạy chức chạy quyền, chạy bằng cấp… đang trở thành nỗi bức xúc của toàn dân.

Nhận diện rõ vấn đề này, NQ TƯ 4 đã chỉ ra cụ thể  những biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đó là lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực; thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. 

Chỉ rõ nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, vậy nên tại lễ bế mạc Hội nghị TƯ 4, khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh:

“Cái mới của lần này là Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong đó nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; thậm chí sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng”.

Để thực hiện đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp đề ra, Tổng Bí thư cho rằng, từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng để tự giác thực hiện. Đặc biệt, sự gương mẫu của Trung ương có ý nghĩa quyết định, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn.

“Tinh thần của Nghị quyết là phải hành động. Hành động thiết thực, rõ hiệu quả; tránh nói nhiều làm ít hoặc chỉ nói mà không làm” – Tổng Bí thư chỉ rõ.

Nói phải đi đôi với làm

Thực hiện đúng lời hứa trước Đảng, trước nhân dân, sau khi dư luận và báo chí phản ánh những sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh- nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Ủy ban Kiêm tra Trung ương đã vào cuộc và có kết luận cụ thể;Tổng Bí thư cũng đã yêu cầu Bộ Công an điều tra về khoản lỗ gần 3.200 tỷ dưới thời ông Thanh giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc thẩm định, đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao động và Anh hùng lao động cho PVC. 

 Liên quan đến sai phạm của ông Thanh, ngày 23/11/2016, trong Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ hợp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016 do đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công thương, gây bức xúc trong xã hội. Ngoài ra, ban Bí thư cũng ra quyết định cách chức Bí thư ban cán sự Đảng Bộ Công thương giai đoạn 2011-2016 với ông Hoàng- việc làm này được đánh giá là chưa từng có tiền lệ trong việc xử lý cán bộ đã nghỉ hưu.

Tiếp tục xử lý vụ việc, trong tháng 11 và 12/2016,  Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương và Ban Bí thư Trung ương đã có quyết định kỷ luật một số cán bộ liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh. Chỉ riêng phần công tác cán bộ, việc bổ nhiệm, đưa Trịnh Xuân Thanh về Hậu Giang đã có rất nhiều cơ quan bị “truy” trách nhiệm, cả Ban Tổ chức TƯ, cả Bộ Nội vụ, Bộ Công thương, tỉnh uỷ Hậu Giang… đã nhiều cán bộ bị kỷ luật. Liên quan đến phần trách nhiệm hình sự của Trịnh Xuân Thanh,cơ quan công an cũng đã bắt giữ nhiều người.

Nhưng, xử lý như vậy chưa hẳn đã xong, dư luận vẫn đòi hỏi những câu trả lời cụ thể hơn nữa. Bởi vậy, ngay trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội sau kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu quyết tâm của Trung ương là xử lý vụ việc đến nơi đến chốn. “Trịnh Xuân Thanh đã bị truy nã quốc tế mà tinh thần là không thể trốn được. Còn ông Vũ Huy Hoàng, đây mới chỉ là kỷ luật về Đảng, về mảng công tác cán bộ; đã nói đến phần hình sự, kinh tế đâu, đã nói đến khoản thua lỗ, thất thoát 3.200 tỷ đâu. Giờ Chính phủ, Quốc hội đang chỉ đạo làm rõ và tới đây nếu điều tra thấy sai phạm hình sự thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự, còn phải đi tù, phải trả lại tài sản.” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phân tích.

Bảo vệ an toàn cho môi trường kinh doanh

Không phải ngẫu nhiên mà ngay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016 - phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt lưu ý về công tác cán bộ và nhấn mạnh “công tác cán bộ rất quan trọng, con người là quyết định”. Thủ tướng yêu cầu “phải đổi mới công tác cán bộ”, đồng thời kiên quyết chấn chỉnh ở tất cả các khâu, từ tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm. “Chúng ta thi tuyển để tìm người tài chứ không phải để tìm người nhà. Đừng để nhiệm kỳ này tai tiếng về cán bộ”- người đứng đầu Chính phủ nêu rõ. 

Sau đó, vào giữa tháng 8/2016, khi chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành sơ kết công tác cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016-2020, mở đầu hội nghị, Thủ tướng đã nêu quyết tâm Chính phủ đang hướng đến xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân.

Có thể nói, hai sự kiện được xem là tín hiệu cải cách cho nền kinh tế Việt Nam là kế hoạch “quốc gia khởi nghiệp” trong đó hướng tới mục tiêu Việt Nam đến năm 2020 sẽ có 1 triệu doanh nghiệp, và Nghị quyết 35 trong đó trình bày đầy đủ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển. Các vấn đề cải cách thể chế để tạo thuận lợi cho nền kinh tế cũng được đặt ra mà mục tiêu Chính phủ hướng tới là trở thành một Chính phủ phục vụ, thay vì điều hành nền kinh tế bằng mệnh lệnh hành chính như trước.

 “Chính quyền cơ sở có phục vụ nhân dân, doanh nghiệp hay không? Hay lại hành dân, xa dân, quan liêu, nhũng nhiễu, vòi vĩnh nhân dân. Chúng ta có quyết tâm xây dựng được lớp cán bộ liêm chính không?”- Thủ tướng đặt vấn đề.

Cũng tại cuộc họp này, Thủ tướng đã đề nghị phải  nói thẳng, nói thật, nói vào những việc gai góc, vướng mắc nhất hiện nay trong bộ máy, trong đội ngũ cán bộ công chức, trong thể chế pháp luật, trong dịch vụ hành chính công, tiền lương…

CCHC cũng là để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển, bởi vậy, Thủ tướng khẳng định: Chính phủ luôn bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hội nhập, tạo nên niềm tự hào “Made in Việt Nam”.

Minh chứng cho những lời nói trên là việc Thủ tướng chỉ đạo ngừng hình sự hóa vụ việc tại quán cà phê “Xin chào” (TP. Hồ Chí Minh) và yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị vi phạm. Động thái này của Thủ tướng phát đi thông điệp bảo vệ sự an toàn của môi trường kinh doanh và cam kết Chính phủ sẽ bảo vệ DN kinh doanh đúng pháp luật….

Người thu nhập thấp cũng phải có nhà

Quan tâm đến đời sống dân sinh, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, hạ mặt bằng lãi suất, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho một số lĩnh vực, nhóm ưu tiên như xuất khẩu, ngư dân, nông dân...

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu, không tăng giá bán lẻ điện trong năm 2016; việc tăng  giá dịch vụ y tế phải có lộ trình, phù hợp, không điều chỉnh đồng loạt cả 63 tỉnh, thành phố, bảo đảm giá dịch vụ y tế phải tương xứng với chất lượng khám chữa bệnh, đấu thầu tập trung đối với thuốc dùng cho bảo hiểm y tế nhằm giảm giá thuốc cho người bệnh.  

An cư mới lạc nghiệp- thấu hiểu nỗi lo lắng của người dân nên trong những tháng cuối năm, người đứng đầu Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt đến nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp. Thủ tướng cho rằng, phải coi đây là đầu tư cho phát triển, chứ không phải đầu tư tiêu dùng bình thường, bởi nếu để tình trạng công nhân, người nghèo không có nơi ở, bức xúc nhà ở thì đất nước không thể phát triển bền vững được.

“Lo cháy nhà, nước lụt ở mỗi địa phương là chuyện cần thiết nhưng vấn đề nơi an cư với người công nhân, người nghèo cũng là việc cấp thiết, đòi hỏi của cuộc sống” -Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định và quán triệt tinh thần “nhà ở cho người thu nhập thấp, nhưng chất lượng không được thấp” và cho rằng phải có nhiều phương thức làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, trước tiên lãnh đạo các doanh nghiệp, khu công nghiệp phải lo vấn đề này.

Ngoài quan tâm về nơi ở cho công nhân, Thủ tướng cũng không thể không lo lắng đến chất lượng bữa ăn hàng ngày của người dân khi mà vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn thường trực trong mỗi gia đình Việt. Bởi vậy, ngay từ lúc trời chưa sáng hẳn, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã bất ngờ có chuyến kiểm tra đột xuất chợ đầu mối rau quả Long Biên và xã chuyên canh rau sạch Văn Đức, Hà Nội.

Tại đây, Thủ tướng đã nhắn nhủ bà con tiểu thương cần quan tâm đến sức khoẻ người tiêu dùng mà cụ thể là không nên kinh doanh những loại rau củ quả không đảm bảo chất lượng, có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích không đạt chuẩn và nhập khẩu từ nơi có chất lượng không tốt. “Bà con hãy nhớ sức khoẻ của cộng đồng chính là tương lai, là con cháu của chúng ta. Mỗi người vì mọi người, sẻ chia một chút thì an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được nâng lên, sức khoẻ được đảm bảo” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để thấy quyết tâm của Đảng và Chính phủ trong việc đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp và trên hết là thực hiện đúng cam kết “lời nói đi đôi với việc làm”. Những động thái tích cực trong thời gian vừa qua của Trung ương đã và đang tạo niềm tin cho người dân về vai trò lãnh đạo của Đảng, về một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, vì nhân dân hành động. 

Đọc thêm