Chị Vân Anh ở Hoàng Mai cho biết: "Đi giày cao gót khi lái xe khó xử lý tình huống hơn giày bệt, giày thể thao. Hồi mới lái tôi cũng bị vướng gót giày mấy lần. Vì giày cao gót đế nhọn thường cắm lõm xuống sàn xe và chỉ di chuyển được mũi chân nên rất khó xử lý. Nhưng vì phụ nữ thích đẹp nên nhiều khi quên mất sự an toàn khi lái".
Phỏng vấn nhanh một số phụ nữ thường đi giày cao gót lái xe ô tô cho biết, trong trường hợp phải phanh khẩn cấp, việc sử dụng giày cao gót sẽ khiến người lái phanh không đủ nhanh, mạnh và kịp thời. Chân có thể trượt ra khỏi bàn đạp phanh, không thể phanh xe tiếp, thậm chí có thể gãy cả ngón chân khi tuột bàn chân do các ngón chân không được bảo vệ.
Thực tế cho thấy, các thầy dạy lái khi luôn yêu cầu phải mang giày bệt hoặc giày thể thao khi dạy thực hành cho các học viên.
Kết cấu của giày cao gót giúp nâng cao chân hơn bình thường, nên làm người lái khó khăn trong việc cảm giác lực tác động lên bàn đạp phanh, ga. Từ đó, dẫn đến những tình huống xử lý không chính xác.
Ngoài ra, giày cao gót không tạo độ bám, độ trụ tốt cho chân, khiến tài xế không có tư thế lái xe thoải mái nhất. Thiết kế tiết diện giày cao gót thường nhỏ hơn so với giày bệt, cộng thêm cảm giác không thật có thể khiến người lái mất kiểm soát chân phanh, chân ga.
Bên cạnh đó, một số đôi giày cao gót có thể mắc kẹt vào thảm trải sàn, mắc kẹt giữa bàn đạp, khiến người lái không kịp xoay sở trong tình huống khẩn cấp.
Luật pháp không có điều khoản nào cấm sử dụng giày cao gót khi lái ôtô, tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro khi lái xe ô tô lái xe không nên sử dụng giày cao gót.