Nói không với thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ 'lộc trời'

(PLVN) -  Đã từ lâu những thửa ruộng ven sông Lam tại một xã ở Nghệ An người dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ rươi. Rươi được xem là “lộc trời” đem lại nguồn kinh tế cao cho họ.
Rươi được xem là “lộc trời”, giúp người dân có thêm thu nhập.

Những thửa ruộng không dùng thuốc bảo vệ thực vật

Nhiều năm nay, người dân ở xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) luôn bảo vệ những thửa ruộng ở hạ nguồn sông Lam. Bởi các thửa ruộng đó không những đem lại kinh tế về lúa mà còn là nơi để người dân vớt “lộc trời”. Đó là những con rươi có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Cũng vì vậy mà người dân nơi đây ra sức bảo vệ loài vật này bằng cách sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Phạm Văn Vỹ, một trong những hộ dân có rươi “mọc” chia sẻ, để khai thác rươi, cáy trong suốt mấy chục năm qua vùng đất này luôn được chúng tôi giữ sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ và cả phân bón hóa học. Bởi rươi là loài sinh vật đặc biệt, vô cùng nhạy cảm với hóa chất. Chúng chỉ có thể sinh trưởng và phát triển tại những vùng tự nhiên, sạch, không có hóa chất.

Trước đây, cả vùng bãi này là cánh đồng rộng lớn, nay đất đã được người dân đấu thầu để làm lúa và nuôi rươi. Vùng canh tác đặc biệt này cũng cách ly hoàn toàn với vùng canh tác thông thường. Cùng với đó, nước của sông Lam thường xuyên lên - xuống, khiến cho vùng đất khá “sạch” mầm sâu bệnh.

Những năm gần đây, với hiểu biết và nhận thức khoa học về chu trình sinh trưởng, phát triển của loài rươi, để tạo nguồn thức ăn cho những vi sinh vật phù du trong đất, làm nguồn thức ăn cho rươi, người dân đã sử dụng các loại phân hữu cơ như phân gà, phân trâu bò đã được ủ hoai mục để bón. Việc bón phân này đồng thời tăng cường độ phì của đất và bổ sung các chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cây lúa.

Người dân dọi đèn vớt rươi giữa đồng.

Khai thác, bảo tồn đặc sản rươi kết hợp với sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, duy trì hệ sinh thái đồng ruộng bền vững. Vì thế, người dân thường bảo nhau tạo môi trường sống tốt hơn cho rươi. “Con rươi chỉ sống trong môi trường sạch, nếu ô nhiễm, rươi sẽ chết và những năm sau không xuất hiện nữa. Vì thế, chúng tôi cấy lúa thuận theo tự nhiên. Cây lúa cho thu hoạch thì tốt, còn nếu lúa bị sâu bệnh thì dập đi làm phân bón ruộng chứ không phun thuốc sâu, thuốc trừ cỏ”, ông Võ Văn Quế chia sẻ.

Cũng theo ông Quế, năm nay, giá rươi dao động từ 400 đến 450 nghìn/kg. Vào mùa rươi, nhiều hộ có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày. “Một cân rươi gần bằng cả tạ lúa, cho nên dù giá rươi khi lên, khi xuống nhưng thu nhập từ rươi lớn gấp nhiều lần so với cấy lúa”, ông Quế bật mí. Con rươi “cho” người dân thu nhập kinh tế, lại cho cả sức khỏe bởi nhờ chúng mà bà con nông dân có ý thức gìn giữ môi trường.

Ông Lê Khánh Quang, Chủ tịch UBND xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên cho hay, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 70 đến 80ha ruộng của người dân có rươi. Sản lượng rươi tuy mỗi năm không đều nhau nhưng ước chừng đạt từ 4 đến 5 tấn. Ngày trước rươi được xuất bán ra nước ngoài, tuy nhiên mấy năm gần đây do dịch bệnh COVID-19 nên rươi chủ yếu tiêu thụ thị trường trong nước.

Từ rươi, người ta có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, trong đó có chả rươi.

Mắm rươi - hương vị ngày Tết

Ngày trước rươi là món ăn dân dã nhưng nay rươi trở thành đặc sản. Rươi cũng “bước” dần vào mâm cơm ngày Tết như một món ăn đặc biệt. Những món ăn được chế biến từ rươi cực kỳ bổ dưỡng như chả rươi, rươi hấp, rươi nướng, rươi xào măng… Nhưng có lẽ độc đáo nhất vẫn là mắm rươi - món duy nhất giữ được cho đến ngày Tết, làm cho bữa ăn ngày đầu năm nhẹ nhàng, đậm đà, lôi cuốn.

Tuy là sản vật đồng quê nhưng giá rươi không hề rẻ. Mắm rươi cũng vậy! Nếu như các loại mắm được làm từ cá, tôm… hảo hạng nhất cũng chỉ đôi, ba trăm ngàn đồng một lít thì mắm rươi phải gần 1 triệu đồng. Lý giải cho mức giá đắt đỏ này cũng không quá khó bởi cá, tôm có thể cho thu hoạch quanh năm nhưng mùa rươi chỉ kéo dài khoảng chừng vài tháng, trong khi nhu cầu của người dân nhiều mà nguồn cung ít. Hơn nữa, rươi là thực phẩm có nhiều dinh dưỡng quý cho sức khỏe.

Làm mắm rươi không khó nhưng đòi hỏi phải tỉ mỉ, khéo léo trong từng công đoạn. Là người có thâm niên trong nghề làm mắm rươi, chị Hoa Thị Thủy, trú xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên cho hay, rươi làm mắm ngon nhất phải là rươi tháng 10. Bởi rươi tháng 9 là rươi mới, tuy ngon nhưng chưa sạch rơm rác. Rươi tháng 11, đã là rươi gạn, hay lẫn bùn đất, do đó rươi tháng 10 là ngon nhất.

Chị Thủy chia sẻ về bí quyết làm mắm rươi – món ăn đặc sản ngày Tết.

Theo bí quyết gia truyền của gia đình chị, mắm rươi muốn đậm đà, thơm ngon quan trọng nhất là khâu sơ chế. Người muối phải rửa rươi thật sạch rồi mới đem xay nhuyễn. Ngoài rươi thì các nguyên liệu đi kèm như hành tăm, vỏ quýt và ớt cay, thính rang cũng rất quan trọng để làm dậy mùi mắm. Tất cả nguyên liệu được xay nhuyễn và trộn với rươi, kèm theo gia vị để mắm đậm đà. Trong lúc chế biến, kỵ nhất là để nước lạnh rơi vào. Sơ chế xong phải cho ngay vào vại sành sứ để có sản phẩm thơm ngon nhất. Đặc biệt, người muối phải chọn đúng thời điểm nắng đẹp để mang rươi ra phơi mới tạo được mùi thơm. Trước khi đem hũ mắm ra phơi nắng, chị Thủy giã một nắm lá bọ mắm rải lên trên, bịt thêm vài ba lượt vải màn sạch để tránh ruồi muỗi đẻ trứng vào hũ, gây hỏng mắm.

Quá trình ủ mắm, thi thoảng phải nhớ giở ra, dùng đôi đũa lớn đảo đều lên. Như thế gọi là trở mắm để cả hũ mắm đều được “ăn” nắng, mới thật thơm. Sau 1 tháng, khi mắm rươi chín, sẽ chuyển sang màu đỏ vàng và đến thời điểm Tết Nguyên Đán thì mắm rươi đạt đến độ hoàn hảo. Nếu như trước đây, rươi chỉ là món ăn dân dã thì nay đã trở thành đặc sản nổi tiếng, được nhiều thực khách sành ăn trong và ngoài nước tìm về thưởng thức. “Nhờ bí quyết gia truyền mà mắm rươi chúng tôi làm có điều đặc biệt là không tanh, lại có thể bảo quản thời gian lâu. Do đó, rất nhiều khách cứ vào dịp cuối năm lại mua một số lượng lớn để dùng dần”, chị Thủy nói.

Những năm gần đây, rươi “bước” dần vào mâm cơm ngày Tết như một món ăn đặc biệt. Thịt luộc, dưa hành, cà muối, rau sống… mà chấm với mắm rươi ngày Tết thì ngon không tả nổi. Dù mâm cỗ ngày Tết có “cao lương mĩ vị” gì đi chăng nữa cũng không thể thiếu bát mắm rươi. Món ăn dân dã này sẽ làm bữa cơm Tết thanh đạm, đậm đà, thơm nồng, khó quên.

Theo ông Lê Khánh Quang, hiện nay hai sản phẩm chả rươi và mắm rươi của người dân đang được chính quyền hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP. Hy vọng trong năm nay sẽ hoàn thiện hai sản phẩm trên, từ đó nâng tầm thương hiệu mắm rươi, chả rươi của người dân.