Viết văn, làm báo trong chiến trường
Nhà văn Phạm Việt Long (SN 1946) quê Ninh Bình, nhưng phần lớn thời gian lại sinh sống tại Hà Nội. Bố là ông Phạm Đức Hóa, từng là Tham mưu trưởng Quân khu Tây Bắc, Tham mưu trưởng một Đại đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ông Hóa là người từng hợp tác với Biên tập viên Đỗ Chí của NXB Quân đội nhân dân viết tác phẩm “Chiến thắng Sông Lô”. Sau chiến thắng giặc Pháp, ông Hóa về làm Hiệu trưởng đầu tiên cho Trường Ngoại ngữ, nay là Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
Nói qua như vậy để thấy rằng, Phạm Việt Long đã được thừa hưởng những gì tốt đẹp nhất từ quê hương, gia đình, nhất là từ người bố. Ông coi bố mình là tấm gương, là điểm tựa mỗi khi khó khăn, hay khi đạt được thành công.
Việt Long lớn lên khi đất nước còn chiến tranh, chính vì vậy khi còn ở ngồi trên ghế nhà trường, ông đã nuôi nấng trong mình lòng căm thù giặc nên quyết tâm xin ra trận, nhưng không thành do còn quá nhỏ. Phải đến khi vừa học xong lớp 10, Việt Long xin vào Thông tấn xã Việt Nam chứ không vào học đại học mặc dù đã được chọn vào học Đại học Bách khoa.
Đây được coi là lựa chọn thay đổi cuộc đời ông. Năm 1966, ông bắt đầu công việc làm báo tại Sơn La, Hải Dương, Hà Nội. Năm 1968, Việt Long xung phong đi B làm phóng viên chiến trường. Quãng thời gian đi B là quãng thời gian ông được sống, chiến đấu cùng đồng đội, băng rừng lội suối, sốt rét, đạn bom, cái chết cận kề.
Nhưng ông không nao núng, một mặt làm việc chuyên môn của mình là làm báo, mặt khác ông còn cùng đồng đội đến các kho lương thực của ta đóng rải rác dọc đường Trường Sơn để gùi sắn, cõng khoai… về cơ quan.
Nhà văn Phạm Việt Long. |
Trong khi đó, Việt Long chỉ nặng khiêm tốn 41 kg, với chiều cao 1m60, đi dép cao su, nhưng trên vai đeo ba lô, súng lục K54, gùi đến gần nửa tạ lương thực, đi bộ 3-4 ngày. Chỉ có ý chí của người chiến sĩ khi đó mới làm được điều khó làm như vậy.
Sau khi đến được Ban Tuyên huấn Khu 5, cũng là lúc ông chuyên nghiệp hơn về nghề báo và được cử đi lấy tin. Trong thời gian này, ông có những tác phẩm báo chí để đời, như: “Tam Quan, những ngày nổi dậy”; “Hoài Nhơn, bão táp và ngày mùa”... đã nói lên được không khí của quân dân ta trong chống giặc ngoại xâm.
Nhiều bài báo của Việt Long còn được đọc trên đài phát thanh khi ấy, một điều không phải nhà báo nào cũng có được. Thời ấy, qua ngòi bút Việt Long, Anh hùng Bùi Đức Sơn, Trương Văn Hòa... đã được khắc họa rõ nét, điển hình cho vẻ đẹp những chiến sĩ Giải phóng quân.
Mặc dù là phóng viên, nhưng Việt Long vẫn cùng nhân dân tham chiến như người ra trận, nên ông nhiều lần tưởng như đã nằm gọn trong bàn tay tử thần. Đó là lần ông cùng người dân xã Hoài Châu (huyện Hoài Nhơn) đánh đồn An Quý; đó là lần ông đi cùng nhân dân vây đồn 10...
Nói về những kỷ niệm này, Việt Long lại rưng rưng, và coi mình là người may mắn nhất trên đời, khi sống trong “mưa bom bão đạn” mà ông còn được vẹn nguyên thân thể, được sống đến ngày hôm nay.
Nỗi lo cho thiếu nhi hiện nay
Không những điêu luyện ngòi bút khi viết về chiến tranh, mà những cuốn sách sau này như: Âm bản, Du khảo Hoa Kỳ, Giã từ, Ngờ vực... còn cho thấy sự lão luyện của “cây bút” Phạm Việt Long. Ông đã tô vẽ đời thường một cách trần trụi, những mánh lới, mánh khóe, thói háo danh, vì lợi riêng... mà sẵn sàng hại người như trong “Giã từ”.
Nghệ thuật viết truyện, viết tiểu thuyết của ông có lẽ cần được nghiên cứu một cách tỉ mỉ và công phu hơn mới nói hết được. Gần đây nhất, mặc dù tuổi đã ngoài 70, nhưng nhà văn vẫn cho ra đời bộ sách được ông gọi là cổ tích thời hiện đại “Bi Bi và Mặt Đen” gồm năm cuốn: Bỏ bỉm, Mặt Đen tia chớp, Chuồn chuồn cắn rốn, Khám phá rừng thiêng, Thám hiểm vườn cổ tích.
Bộ truyện hơn 1000 trang sách với 200 câu chuyện khác nhau. Diễn biến kể về hai nhân vật chính là Bi Bi và Mặt Đen. Phạm Việt Long đã chọn nhiều không gian để làm phong phú cho bộ truyện. Cho thấy sức làm việc và sức tưởng tượng của ông thật phi thường.
Nhà văn Phạm Việt Long luôn đề cao tính nhân văn, giáo dục trong mỗi trang văn. Bộ “Bi Bi và Mặt Đen” cũng không nằm ngoài “vòng vây” này. Bộ sách ban đầu được hình thành từ những buổi kể chuyển của ông cho các cháu ngoại của mình nghe, nhưng sau này, khi từng câu chuyện qua sức tưởng tượng vượt bậc cũng như một lòng hướng đến tính thiện, giáo dục, kỹ năng cho thiếu nhi mà ông đã quyết tâm cho ra đời bộ sách.
Bộ sách “Bi Bi và Mặt Đen”. Ảnh: Việt Hùng. |
Độc giả có thể thấy rõ được chất cổ tích, thành phố, nông thôn đến miền núi. Nhất là không gian miền núi, đó là một vùng không gian riêng biệt, một “không gian Phạm Việt Long”. Mặc dù là truyện, nhưng kịch tính rất cao, có cảm giác như người đọc đang xem một bộ phim dài tập, mà mỗi tập có gắn kết nhau, cũng có thể chỉ xem riêng một tập, người xem cũng có thể nắm bắt được câu chuyện rõ ràng với đầy đủ đầu cuối của nó.
"Bi Bi và Mặt Đen" với mục đích không gì khác là mang lại một thế giới hồn nhiên, kỹ năng sống cho trẻ thơ, những bài học nhân văn, ý nghĩa, thấm đẫm tình người, tình yêu thiên nhiên, yêu muôn loài, yêu thế giới, yêu hòa bình. Qua đó, thấy toát lên được ý nghĩa nhân văn của bộ truyện, cách sống, cách làm người.
Nhân vật Bi Bi được nhà văn cho biết là tên cháu gái ông gọi ở nhà, còn Mặt Đen được hư cấu hoàn toàn, đối nghịch tính cách Bi Bi, nhưng hai nhân vật đều có chung phẩm chất ngoan hiền, hướng thiện. Đọc cuốn sách, độc giả sẽ thấy được nhiều “chất” và quang cảnh nông thôn – miền núi, nhà văn nhằm mục đích một phần hướng đến các thiếu nhi thành phố, những em thiệt thòi, thiếu hiểu biết những nơi này.
Và đó cũng là trăn trở của ông khi thiếu nhi thị thành lớn lên chỉ thấy bê tông cốt thép của những tòa nhà cao tầng mà thiếu đi những rừng cây, những con vật thân thuộc. Con người là một phần của tự nhiên, nhưng thiếu nhi thị thành vô tình bị tách khỏi tự nhiên, đó là điều đáng tiếc. Theo nhiều nhà nghiên cứu, những đứa trẻ yêu thiên nhiên là những đứa trẻ yêu đời, nhân hậu và có sự sáng tạo cao.
Nhà văn lo ngại việc thiếu hiểu biết về thiên nhiên sẽ “cướp” đi sự trong sáng và tính hướng thiện của các cháu khi trưởng thành. Trong bộ sách cũng giúp thiếu nhi có những kỹ năng sống, tính giáo dục cao, được xuyên suốt đan cài trong hầu hết các truyện.
Ngoài ra, nhà văn còn trăn trở cho mảng sách thiếu nhi hiện nay của nước ta, cũng như ông lo sợ về văn hóa đọc: “Như mọi người vẫn phát biểu trên các phương tiện truyền thông, văn học thiếu nhi thời này vừa thiếu vừa yếu. Ngoài ra, tôi còn lo ngại, là sự phát triển tràn lan của truyện tranh đang làm cho thiếu nhi lười đọc chữ đi”. Không những thế, việc xem truyện tranh quá nhiều còn giết chết sức tưởng tượng của các cháu.
Trong thời gian sống ở chiến trường, không những chuyên tâm làm báo, Việt Long còn thường xuyên ghi chép tỉ mỉ cuộc sống riêng tư, đồng đội và nhân dân. Những trang nhật ký “đẫm máu và nước mắt” này sau được tập hợp in trọn bộ 3 tập với tên gọi “Bê trọc”. Bộ sách đã cho hậu thế thấy rõ được cuộc sống chiến sĩ, nhân dân trong thời chiến, thấy rõ được sự tàn ác của chiến tranh, và thấy rõ được sự dũng cảm, anh hùng, tin tưởng đất nước hòa bình của quân dân ta.
Bộ sách đoạt Giải B về văn xuôi do Ủy ban toàn quốc LH VHNT Việt Nam trao năm 2000 cho tiểu thuyết tư liệu - tác phẩm được Đài Truyền hình Việt Nam dựng phim 4 tập với tên “Nhật ký chiến trường”. “Bê trọc” còn đoạt Giải Tư của Hội Nhà văn Việt Nam - Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội năm 2017.