Nỗi lo thiếu niên đi xe máy điện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trên thực tế, với những tài xế thường xuyên lái xe, lâu nay một trong những “nguồn nguy hiểm cao độ” trên đường là những chiếc xe máy điện do thiếu niên điều khiển. Với độ vọt khá cao, người điều khiển thường không phát tín hiệu khi chuyển hướng, có lúc lại đi lấn làn đường phương tiện khác, thì thông thường tài xế ô tô có kinh nghiệm thường “né xa” nếu gặp.
Ảnh minh họa (Ảnh: vovgiaothong.vn).
Ảnh minh họa (Ảnh: vovgiaothong.vn).

Quy định hiện nay cho phép học sinh trung học độ tuổi 16-18 có thể độc lập tham gia giao thông bằng xe đạp, xe đạp điện, xe máy có dung tích dưới 50 phân khối hoặc xe máy điện.

Đó là một trong những lý do khiến một lãnh đạo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia nói việc cấp giấy phép lái xe máy điện và xe dưới 50cc cần áp dụng cho cả trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi, để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), khi góp ý dự án Luật Trật tự ATGT đường bộ tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng 15/3.

Cùng quan điểm, một nữ ĐBQH cho rằng hiện học sinh cấp 3, người trên 16 tuổi sử dụng xe dưới 50cc tham gia giao thông nhiều, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Người điều khiển chưa được đào tạo, sát hạch, thậm chí có nhận thức chưa đầy đủ về pháp luật trật tự an toàn giao thông khi lưu thông. Vì vậy nữ ĐBQH đề nghị Chính phủ ban hành quy định về đào tạo, sát hạch, sử dụng xe gắn máy dung tích dưới 50 phân khối.

Tuy nhiên, trước đây, quan điểm này từng không nhận được đồng tình của một số chuyên gia. Như một lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng nếu học sinh phải được đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe máy dưới 50 phân khối hay xe điện sẽ gây tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc, tăng chi phí xã hội; có thể phát sinh tiêu cực như mua bằng, học hộ, thi hộ… Theo chuyên gia này, các trường học đã lồng ghép giáo dục ATGT, cung cấp kỹ năng lái xe cơ bản cho học sinh (đi bên phải, đúng làn, đội mũ bảo hiểm...), cùng hướng dẫn, dạy bảo của gia đình sẽ tốt hơn là bắt buộc học sinh đến trung tâm đào tạo lái xe, tham gia sát hạch.

Một chuyên gia khác cho rằng lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm học sinh đi xe trên 50 phân khối, đi xe đạp điện, xe máy không đội mũ bảo hiểm và phối hợp nhà trường tuyên truyền giáo dục các em.

Vậy số liệu thực tế thì sao? Theo công bố, năm 2023, gần 1.000 trẻ em dưới 18 tuổi thiệt mạng và 1.300 em bị thương do tai nạn giao thông. Có 80% nạn nhân thuộc độ tuổi 15-18 và tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn.

Theo dữ liệu tai nạn giao thông của Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, tai nạn của trẻ em do đi sai phần đường quy định chiếm 34%; vi phạm tốc độ 30% và thiếu quan sát 26%. Các nguyên nhân gây tai nạn này cho thấy học sinh thiếu kỹ năng và kiến thức giao thông.

Đề xuất người 16-18 tuổi khi điều khiển xe máy điện có công suất nhỏ hơn 4 KW, xe gắn máy có dung tích nhỏ hơn 50 phân khối cần phải có một khóa học gì đó, là cần xem xét. Chúng ta cũng có thể tham khảo kinh nghiệm tại một số quốc gia, là người lái xe máy điện, xe gắn máy dưới 50 phân khối phải tham gia khóa học về luật giao thông và kỹ năng lái xe cơ bản, có bài kiểm tra để cấp giấy phép hoặc chứng chỉ.

Đọc thêm