Nỗi lo về nhân công mùa thu hái cà phê của người dân Tây Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa người dân Tây Nguyên bước vào mùa thu hoạch cà phê. Nếu như mọi năm người dân lo lắng về giá sản phẩm luôn ở mức thấp, còn chi phí sản xuất ngày càng tăng cao, thì năm nay bài toán về nhân công cũng đang khiến các chủ vườn "đứng ngồi không yên".
Người dân lo lắng về mùa thu hái sắp đến.
Người dân lo lắng về mùa thu hái sắp đến.

Mùa thu hái cà phê bắt đầu vào tháng 11, 12 hàng năm. Thời điểm trước mùa thu hái gần 1 tháng là lúc nhiều gia đình tại Nông trường IaGrai (huyện Ia kha, Gia Lai) bắt đầu tìm kiếm nhân công từ các tỉnh như Bình Định, Phú Yên,... để chuẩn bị cho mùa thu hoạch sắp đến gần. Thế nhưng năm nay, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, việc đi lại giữa các tỉnh thành khó khăn thì vấn đề nhân công thu hái cà phê không phải bài toán dễ giải quyết.

Gia đình chị Đặng Thị Lý (trú tại thôn 2, thị trấn Ia kha, huyện Ia Grai) cho biết: “Gia đình tôi có 5ha cà phê nếu như mọi năm vào thời điểm này gia đình tôi đã liên hệ với nhiều người ở các tỉnh lên kế hoạch để chuẩn bị cho vụ mùa thu hái cà phê, thế nhưng năm nay trước tình hình dịch bệnh như thế này, liệu rằng có nhân công để thu hoạch cho kịp vụ mùa”.

Người dân tranh thủ hái bói trước khi bước vào mùa vụ.

Người dân tranh thủ hái bói trước khi bước vào mùa vụ.

“Thường thì với số lượng cây trồng như gia đình tôi thì cần từ 13-16 nhân công (người lao động - PV), vào thời điểm này ở các nơi khác mùa gặt lúa cũng gần xong, vậy nên như những năm trước kiếm người hái cà phê rất dễ”, chị Lý cho biết thêm.

Cùng nỗi lo chung, anh Nguyễn Tất Lệ (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) chia sẻ: “Nhiều năm trở lại đây giá cà phê cực kỳ thấp (30.000-32.000 ngàn) cộng với mất mùa, nên việc cân bằng giá cả để thuê nhân công cho hợp lý cũng rất khó khăn, nếu trả thấp quá thì người ta sẽ không hái cho mình, nếu trả giá cao thì người trồng cây cà phê lại không có lời”.

"Nếu như bí về nhân công quá thì có thể thu hái mùa vụ bằng cách đổi công, nhà nào cà phê đã chín già thì cả xóm tập trung hái trước sau đó tới vườn người khác", anh Lệ chia sẻ thêm.

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa mùa thu hái cà phê bắt đầu, thế nhưng khó khăn nhất thời điểm hiện tại là nhân công.

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa mùa thu hái cà phê bắt đầu, thế nhưng khó khăn nhất thời điểm hiện tại là nhân công.

Ông Nguyễn Quang Sơn một người làm cà phê đã nhiều năm cũng không dấu nỗi lo lắng của mình, ông nói: “Với tình hình như hiện nay kiếm được người hái cà phê rất khó, có chăng sẽ rơi vào tình trạng như nhiều năm trước sẽ có tình trạng khi đi thuê người hái cà sẽ bị ép giá từ người lao động. Ngoài ra, người lao động sẽ tìm cách lựa chọn hình thức thu hái, thông thường có hai loại hình thức thu hái là “hái công nhật và hái khoán”, nếu như hái công nhật tiền công sẽ được tính từ 200.000-220.000 ngàn/ngày, đối với hái khoán tiền công sẽ được tính theo tạ từ 90.000-100.000 ngàn/tạ, thế nhưng đối với hái khoán sẽ nhiều nhược điểm hơn là hái công nhật (hái khoán sẽ sót quả, gãy cành, gây ảnh hưởng đên cây cà phê cho mùa vụ tới...)".

“Đối với người lao động họ sẽ chọn hình thức hái khoán nhiều hơn, trung bình 1 ngày có thể hái từ 4-5 tạ, vậy nên so với hái công nhật thì hái khoán mang thu nhập cao hơn cho người lao động", ông Sơn chia sẻ thêm.

"2-3 tháng trở lại đây, giá cà phê có nhiều thay đổi mong rằng sau mùa vụ này người trồng cà phê có thu nhập cao hơn”, ông Sơn cười.

Giá cà phê trong nhiều năm nay liên tục giảm khiến người trồng cây cà phê lo lắng.

Giá cà phê trong nhiều năm nay liên tục giảm khiến người trồng cây cà phê lo lắng.

Trao đổi với PV ông Nguyễn Văn Phú - Giám đốc Công ty TNHH - MTV cà phê Ia Grai nhận định: “Hiện tại công ty quản lý hơn 1.000 ha, sản phẩm cà phê nhân xô hàng năm ước đạt trên 3.000 tấn. So với năm ngoái nhìn chung sản lượng cà phê năm nay đạt hơn năm ngoái 10-15%.

Riêng về vấn đề nhân công, đối với năm nay không chỉ Nông trường Ia Grai mà hầu hết tất cả những công ty khác cũng lo lắng về vấn đề này. Trước tình hình này công ty đã đề ra nhiều phương án, trước mắt sẽ cho người dân thu hái sớm hơn, đồng thời kéo dài thời gian thu hoạch nhằm đảm bảo về nhân công”.

“Ngoài ra, phía chính quyền địa phương cũng đã có ý kiến nếu công ty có khả năng thuê công thì đề nghị công ty đăng ký trước những người nhận vào làm, ở tại khu vực nào để địa phương phối hợp với chính quyền nơi có người đi kiểm soát và xem xét có thể đi được hay không?. Thông thường hàng năm phía bộ đội sẽ có công tác dân vận giúp người dân thu hoạch cà phê, thế nhưng thời điểm này bộ đang cũng đang trong thời gian chống dịch COVID-19 cho nên phía công ty rất lo lắng”, ông Phú cho biết thêm.

Nhiều người trồng cà phê đang bước vào một vụ mùa thu hái với tâm lý không mấy vui vẻ khi mà lợi nhuận thu được không đáng là bao. Ngoài những nỗi lo vào mùa thu hái, còn là việc chi phí đầu tư vào sản xuất vẫn tăng đều đặn qua các năm, trong khi mức giá cà phê hiện tại trên thị trường bấp bênh. Giải pháp được lựa chọn nhiều năm nay là phơi, xay trữ nhân chờ được giá thì mới bán. Không biết đến khi nào nỗi lo của người nông dân quanh năm gắn bó với cây cà phê suốt nhiều năm trở lại đây mới chấm dứt.

Đọc thêm