“Bố ơi, mẹ ơi, các bác ơi, cứu con với!”
Đã gần 1 tháng kể từ ngày người con trai Phạm Công Tuấn Anh (26 tuổi, ở huyện Kim Bảng, Hà Nam) ra đi vì bạo bệnh nhưng những tiếng gọi của con “bố ơi, mẹ ơi’ dường như vẫn vang vẳng bên tai vợ chồng ông Phạm Văn Thụ (58 tuổi) và bà Vũ Thị Vân (56 tuổi).
Một không khí buồn bã, nặng nề vẫn bao trùm căn nhà nhỏ của gia đình ông Thụ tại xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng. Nhìn cậu bé Phạm Trịnh Minh Khôi (2 tuổi) giọt máu duy nhất của anh Tuấn Anh cùng người vợ là chị Mỹ Linh (22 tuổi) càng khiến chúng tôi xót xa cho cuộc đời ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa của chàng trai trẻ.
Cố giấu những giọt nước mắt, ông Thụ kể lại, cách đây gần 2 tháng, vào trưa ngày 12/4 Tuấn Anh đột nhiên thấy đau đầu, buồn nôn. Gia đình chỉ nghĩ rằng anh bị cảm bình thường cho tới ngày hôm sau khi cơn đau không dứt, liên tục hành h,ạ gia đình đã quyết định đưa anh xuống bệnh viện huyện Kim Bảng (Hà Nam) để kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ chuẩn đoán Tuấn Anh chỉ bị ngộ độc thức ăn, chỉ cần tiếp nước là khỏi.
Nhưng 3 ngày sau, bệnh tình không hề thuyên giảm mà những cơn đau càng trở nên dữ dội hơn. Gia đình liền xin chuyển anh lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Tại đây, các bác sĩ chuẩn đoán anh bị mắc căn bệnh dị dạng mạch máu não. Sau hơn một tháng điều trị, ngày 12/5, Tuấn Anh được chỉ định phẫu thuật tại Bệnh viện Bạch Mai.
Nhưng thật không may ca mổ đã không thành công, chỉ 10 giờ sau ca phẫu thuật, Tuấn Anh rơi vào tình trạng chết não. Nghe bác sĩ giải thích tình hình, nhận thấy không còn hy vọng gia đình đành quyết định xin đưa anh về nhà để lo hậu sự. Nhưng một người thân trong gia đình khuyên đưa Tuấn Anh tới Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) với hy vọng “còn nước còn tát”.
“Đã có những lúc trong cơn mê sảng, con tôi tỉnh dậy thều thào “Bố ơi, mẹ ơi, các bác ơi, cứu con với”, thấy con tỉnh tôi mừng lắm, mong mỏi đến ngày con có thể hồi phục để mổ thêm lần nữa biết đâu điều kỳ diệu có thể xảy ra. Nhưng rồi tất cả sau đó đều chấm hết khi con tôi lịm đi và không tỉnh lại nữa”, cô Vũ Thị Vân nói trong nước mắt.
Cô Vân còn nhớ như in, buổi sáng ngày trước ngày phẫu thuật, đột nhiên anh Tuấn Anh tỉnh dậy kêu cô dậy sớm, bảo cô đưa đi vệ sinh. Sau khi pha cho con cốc sữa, cô Vân xuống căng tin để mua bát phở cho con ăn sáng. Nhưng khi quay lại phòng bệnh, cô Vân thấy con đang ngồi giữa giường rồi người dần lịm đi, chìm vào hôn mê.
Ngay lập tức các bác sĩ tiến hành cấp cứu cho Tuấn Anh. 30 phút sau, anh tỉnh dậy, liên tục gọi tên bố mẹ rồi chìm vào giấc ngủ sâu mãi mãi, không một lời từ biệt.
“Tôi vẫn nhớ lần cuối khi con còn nói chuyện qua điện thoại được. Nó trách tôi sao lên thăm mà không cho thằng Khôi lên chơi? Cả cuộc đời tôi sẽ chẳng bao giờ quên được những ngày cuối đời, Tuấn Anh luôn miệng gọi “Bố ơi, mẹ ơi”. Nhìn con dần bị bệnh tật quật ngã mà vợ chồng tôi chẳng thể bảo vệ được con mình”, ông Thụ tự dằn vặt bản thân.
Quyết định khó khăn nhất cuộc đời
Sau 4 ngày điều trị hồi sức tích cực tại Bệnh viện Việt Đức, chiều 17/5, bác sĩ thông báo, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng chết não sau khi kiểm tra 3 lần, không thể cứu chữa, dù trước đó vào buổi trưa, bác sĩ vẫn yêu cầu gia đình mua thêm sữa để bệnh nahan ăn xông. Những tia hy vọng cuối cùng vụt tắt, gia đình dự định tối cùng ngày sẽ đưa anh về quê để anh trút hơi thở cuối cùng tại nhà.
Trước khi gia đình đưa Tuấn Anh về quê lo hậu sự, một số bác sĩ đã gặp gỡ vợ chồng ông Thụ để nói chuyện về việc hiến tạng. Khi được các bác sĩ tư vấn, giải thích về việc dù Tuấn Anh bị chết não nhưng vẫn có thể hiến mô tạng để cứu sống nhiều người khác thì ông Thụ vô cùng đắt đo.
Vì đây là lần đầu tiên ông biết đến những điều này. Lúc đó, ông bàn bạc với 5 người anh em và cháu đi cùng nhưng không một ai đồng ý. Một mình ông khi đó suy đi tính lại rồi quyết định gọi về cho vợ và thông báo ý nguyện của bệnh viện.
“Lúc tôi gọi về thông báo tình hình, vợ tôi chỉ khóc và không nói được gì. Tôi lúc đó đau đớn, băn khoăn lắm chứ, nhưng sau 4 tiếng suy nghĩ, tôi quyết định hiến mô tạng cả con mình cho những người xấu số. Lúc đó tôi quyết định gạt bỏ tất cả dù anh em, hàng xóm có trách móc thế nào thì tôi cũng sẽ chịu hết.
Tôi nghĩ đến cháu nội chưa đầy 2 năm tuổi của mình, tôi muốn giữ lại một phần nào đó của Tuấn Anh để khi nó lớn lên sẽ thấy phảng phất trái tim, lá phổi của bố nó còn sống ở đâu đó”, ông Thụ nghẹn ngào. Với ông đó là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời.
4h sáng trước ca phẫu thuật cuối cùng của Tuấn Anh, người cha xin bác sĩ cho lên gặp con lần cuối. Không gian khi đó tĩnh mịch, chỉ còn nghe tiếng máy đo nhịp tim, huyết áp…. “Tôi nhìn con nằm ngủ bình yên, thanh thản lắm. Lúc đó nó còn hồng hào lắm, đẹp lắm, nhìn con như vậy ai nghĩ nó đã chết chỉ như đang ngủ thôi”. Ông Thụ khi đó nắm chặt tay con rồi thủ thỉ: “Con không sống được, bố và các bác sĩ đã làm hết sức rồi....”, nói đến đây, cổ họng ông nghẹn lại không thể nói tiếp.
Hình ảnh anh Phạm Công Tuấn Anh được điều trị tại Bệnh viện Việt Đức |
Sáng 18/5, 5 bàn mổ được chuẩn bị, khoảng 130 cán bộ y tế tham gia ca lấy và ghép tạng cho 4 bệnh nhân khác, mà nếu không có tạng của Tuấn Anh, thời gian sống chỉ còn tính theo tháng. 10 tiếng sau, tất cả ca mổ đều kết thúc thành công. Hai bệnh nhân nhận thận ngày 4/6 đã ra viện, trong đó có một người 61 tuổi và một người mới ngoài 30 tuổi. Bệnh nhân nhận gan có thể về nhà vào cuối tuần, bệnh nhân nhận tim sức khoẻ đang dần ổn định.
Ngoài tiến hành ghép đa tạng cho người nhận, các bác sĩ còn lấy hai giác mạc chuyển sang Ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương để ghép cho bệnh nhân và lấy 8 gân lưu trữ trong Ngân hàng mô, Bệnh viện Việt Đức. Sau ca mổ lấy tạng, các bác sĩ ngỏ lời tổ chức tang lễ cho Tuấn Anh tại bệnh viện. Tuy nhiên, gia đình chỉ xin một bộ quần áo mới cho con mặc. Chiếc xe chở thi thể chàng trai trẻ về quê nhà Hà Nam trong buổi chiều hôm ấy.
“Miệng người – sóng biển”
Cứ ngỡ rằng việc hi sinh nỗi đau để cứu người là nghĩa cử cao đẹp đáng được trân trọng và yêu quý nhưng không, sau ngày anh Tuấn Anh được đưa trở về quê hương hàng loạt những bài báo nói về nghĩa cử cao đẹp của gia đình ông Thụ lại bị chính hàng xóm, bạn bè cho rằng ông đã đã “bán tạng con nhận hơn một tỷ đồng”, hay “con chết để bố nổi tiếng”.
“Tôi vui thì vui một phần vì những người được hiến tạng đã có thể tiếp tục sống, nối dài cuộc đời. Nhưng đau xót biết tả thế nào khi hàng xóm, bạn bè nói mình bán nội tạng con. Nhưng thôi, tôi mặc kệ, thời gian sẽ giúp họ hiểu ra, điều duy nhất tôi có thể thay mặt con trai mình làm, là để lại sự sống trên cõi đời này”, ông Thụ giãi bày.
Ngày cuối trước khi rời bệnh viện, ông Thụ cứ đi đi lại lại trước cửa phòng mổ, mong một lần được nhìn thấy một trong những người nhận tạng của con nhưng mong ước ấy không thành vì theo quy định, bác sĩ không được tiết lộ. Chấp nhận tất cả những lời dị nghị, những nhận xét sai lệnh của xóm làng, ông Thụ vẫn chỉ cần trong thời gian tới sẽ gặp được các bệnh nhân là gia đình ông cảm thấy mãn nguyện rồi.
Giờ đây, sau mất mát, ông phải một mình gánh vác gia đình vì trước đây Tuấn Anh là lao động chính. Con dâu ông, từ sau sinh bị trầm cảm nặng, những ngày gần đây phải uống rất nhiều thuốc nên ngủ li bì. Nỗi đau mất chồng, với người vợ trẻ vẫn chưa thể tin vào sự thật, chưa thể hình dung nó kinh khủng tới mức nào.
Ngày biết tin chồng không sống được nữa, chị như phát điên, bố mẹ chồng thương chị đưa lên Bệnh viện tâm thần Thanh Trì (Hà Nội). Giờ đây, những lúc tỉnh chị cũng như người mất hồn, ai chỉ đâu làm đó. Cậu con trai chưa đầy 2 tuổi đang phải nhờ cậy ông bà chăm sóc, trong cuộc sống cả nhà chỉ trông vào vài sào ruộng.
Ở nhiều vùng quê trên đất nước ta, việc hiến tạng cứu người còn là một điều vô cùng xa lạ. Và hành động đó được không ít người cho rằng là điên khùng, là mua bán, hay có lợi ích trong đó. Họ không hiểu rằng, đây chỉ là một hành động nhân đạo cứu người, không có bất cứ vụ lợi nào trong đó. Đó là sự hi sinh cao cả, sự dũng cảm của bản thân những người hiến tạng và gia đình họ.