Nỗi lòng người con không ngăn được mẹ giết cha

Khi họ hàng bên nội và cơ quan chức năng phát hiện nạn nhân chết do bị giết chứ không phải do “bị ngã ở hiên nhà” thì người con trai mới ân hận trong muộn màng: “Giá như hôm ấy tôi không uống quá nhiều thì chắc chắn cơ sự đau lòng này đã không xảy ra, bố tôi không chết còn mẹ không phải ra chốn công đường...".

Đêm hôm xảy ra vụ án, người con trai say xỉn đến mức cha mẹ chửi mắng, đuổi đánh nhau ầm ầm rồi tàn sát nhau mà không hề hay biết. Khi họ hàng bên nội và cơ quan chức năng phát hiện nạn nhân chết do bị giết chứ không phải do “bị ngã ở hiên nhà” thì người con trai mới ân hận trong muộn màng: “Giá như hôm ấy tôi không uống quá nhiều thì chắc chắn cơ sự đau lòng này đã không xảy ra, bố tôi không chết còn mẹ không phải ra chốn công đường...".

Khá đông người thân của bị cáo, bị hại đến dự tòa
Khá đông người thân của bị cáo, bị hại đến dự tòa

Mâu thuẫn vợ chồng vì có “người thứ ba”?

Hoàng Thị Phèng (SN 1961, ngụ thôn Suối Cỏ, xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) chung sống với ông Bùi Văn Đông (SN 1959, ngụ cùng địa chỉ) từ năm 1978. Trong cuộc hôn nhân này, họ có với nhau 3 người con nhưng đã chết mất 1 người. Cũng trong hơn 30 năm sống bên nhau, giữa ông Đông và bà Phèng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi chửi nhau.

Giữa tháng 6/2011, có một nhà máy mở trên địa bàn xã Hợp Hòa nên gia đình ông Đông được đền bù hơn 50 triệu đồng cho phần diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi phục vụ dự án. Số tiền này được ông Đông chia cho hai người con, mỗi người 20 triệu, còn lại hơn 10 triệu đồng ông đem đi chi tiêu nhưng không nói lại với vợ là chi tiêu vào việc gì. Chuyện tiền nong càng khiến hai vợ chồng lục đục, mâu thuẫn trầm trọng hơn.

Cuối năm 2011, ông Đông tự ý bán vườn keo của gia đình được 11 triệu đồng nhưng chỉ đưa cho vợ 1 triệu đồng sau khi bà Phèng nài nỉ và xin bằng được vì không có tiền sửa bàn thờ tổ tiên bấy lâu bị hỏng. Đưa tiền xong, ông Đông coi như đã “hết trách nhiệm”, không ngó ngàng gì đến việc sửa sang bàn thờ tổ tiên nữa.

Khi bà Phèng hỏi số tiền còn lại của việc bán vườn keo được ông Đông chi như thế nào, ông chồng tuyên bố một câu “xanh rờn”: “Tao đi chơi gái hết rồi, không phải hỏi nhiều”. Trước đó, bà Phèng vốn đã nghi ngờ chồng có quan hệ "ngoài luồng" khi thấy ông thường xuyên nhận điện thoại của người lạ là phụ nữ, nay nghe ông nói phũ phàng như thế thì bà càng tin chuyện ông đi “léng phéng” là chuyện có thật 100%. Cũng vì thế mà sau câu nói đó của ông Đông thì cuộc sống của hai vợ chồng vốn đã ngột ngạt, nay lại thường xuyên bức bối hơn vì những tiếng cãi chửi nhau giữa hai vợ chồng.

Một người hàng xóm của gia đình bà Phèng sau này kể lại: “Sống cạnh gia đình ông bà ấy đã lâu, tôi vẫn thường xuyên nghe thấy tiếng hai vợ chồng to tiếng, cãi vã nhau. Ông Đông thì nóng tính, bà Phèng lại có tật nói nhiều nên mâu thuẫn giữa họ là điều khó tránh khỏi.

Cứ uống rượu vào, ông Đông lại mượn cớ chửi vợ con thậm tệ. Có lần ông ấy đánh đập rồi đuổi hết vợ con ra khỏi nhà, bà con phải đến can ngăn và khuyên giải mãi mới được. Nhìn cảnh ấy, tôi cũng bảo chị Phèng là “bớt lửa” những lúc chồng nóng giận để lựa lời lúc khác thì mới trong ấm ngoài êm được nhưng chị ấy không nghe nên nhiều lúc nghe chuyện cãi nhau của vợ chồng anh chị ấy, chúng tôi đều không thấy làm lạ ở thôn Suối Cỏ này”.

Buổi tối định mệnh

Như giọt nước tràn ly và cuộc sống bức bối của sự bạo hành của người chồng đã khiến hạnh phúc trong ngôi nhà nhỏ tan vỡ. Bao năm qua, những cố gắng níu giữ hạnh phúc và cuộc sống bình thường của bà Phèng bằng sự cam chịu những trận đòn roi, những lời chửi mắng cuối cùng lại chính do người vợ này trong lúc nóng giận đã cướp đi tất cả. Đó là vào một buổi tối 3/3/2012, một tối trời đã sang xuân ở thôn Suối Cỏ.

Khoảng 21h, khi Hoàng Thị Phèng đang ngồi xem ti vi cùng hai đứa cháu nội của mình thì người con trai Bùi Văn Phương đi uống rượu ở nhà bạn về. Chào mẹ một câu, anh thanh niên này do uống quá chén nên vội vã ôm hai đứa con vào giường đi ngủ ngay, trong khi bà Phèng vẫn tiếp tục ngồi xem ti vi. Đến 23h cùng ngày thì tới lượt ông Đông đi uống rượu ở nhà một người quen trong xã về.

Thấy vợ vẫn còn ngồi xem ti vi, ông Đông vừa cởi quần áo dài vừa cất tiếng lè nhè hỏi vợ: “Hôm nay sao thấy bà ngồi xem ti vi muộn thế, đợi tôi về hay có ý gì?”. Nghe chồng hỏi, Phèng liền trả lời: “Thằng Phương nó đi làm ở trong xóm mới về, lại uống rượu sau nên nó đưa hai đứa con vào buồng ngủ rồi”.

Nói đến đây, bà Phèng nhìn chồng rồi lại tiếp tục: “Tôi xem ti vi thôi, không có ý gì, chuyện cãi nhau mấy hôm trước tôi không nói gì nữa, ông ngủ nhà trên thì ngủ, ngủ nhà dưới thì ngủ, ông đừng chửi mắng, phá tôi nữa”.

Nghe vợ nói vậy, ông Đông liền nổi nóng quay ra quát nạt vợ nên hai vợ chồng lại to tiếng giữa đêm hôm. Sau đó, ông Đông đi xuống phía bếp rồi quay lại với một chiếc xà beng và nói: “Hôm nay tao phá tan cái nhà này xong, tao giết mày là xong, mày chả làm gì được tao”.

Thấy vậy bà Phèng đứng dậy tắt ti vi, tắt công tắc điện rồi đi ra phía cửa chính thì ông Đông cầm xà beng đi theo sau và vụt một phát trượt từ má xuống vai Phèng. Vừa vụt vợ bằng xà beng ông Đông vừa quát: “Mày chết cũng chẳng làm gì được tao”. Bị chồng vụt, bà Phèng bỏ chạy ra bể nước sau nhà thì ông Đông ném chiếc xà beng theo hướng vợ rồi đứng ở cửa ra vào cửa nhà.

Sau đó, bà Phèng quay lại bảo chồng đừng đập phá nữa thì bị ông Đông dùng tay trái túm lấy tóc, tay phải đấm liên tiếp vào ngực và bụng. Khi ông Đông bỏ tay ra, bà Phèng liền quay người bỏ chạy vào khu vườn rau của gia đình và nhìn quay lại thì thấy ông Đông ngã nằm sóng xoài ở hiên nhà ngang, đối diện cửa ra vào. Phèng tiếp tục bỏ chạy qua vườn keo đã chặt và nấp ở bụi cây hóp phía sau vườn keo.

Nấp được một lúc thì không nghe thấy tiếng ông Đông quát mắng, đập phá nữa nên Phèng đi quay lại nhà qua bếp đun củi của gia đình. Phèng cầm theo một đoạn cây keo rồi đi đến chỗ ông Đông, thấy chồng nằm nghiêng bên phải ở hiên nhà và vẫn còn thở. Phèng nói: “Bao nhiêu lần ông đánh tôi, ông chửi tôi thậm tệ, hôm nay ông ngã ở đây, tôi đánh ông”. Đồng thời, Phèng đứng phía sau lưng ông Đông, tay phải cầm đoạn gỗ keo đập liên tiếp vào vùng mặt, vùng đầu. Đánh chồng cho hả cơn giận xong, Phèng ném thanh keo vào đống củi trong bếp rồi đi ngủ.

Bị cáo Phèng tại phiên xử
Bị cáo Phèng tại phiên xử

Lật mặt ác phụ gian trá

Đến khoảng 5h ngày 4/3/2012, Phèng ngủ dậy thấy chồng mình vẫn nằm ở hiên nhà ngang, Phèng đi đến chỗ ông Đông và sờ vào người chồng mình thì phát hiện ông Đông đã tử vong. Hoảng sợ nên Phèng vội vàng chạy vào trong nhà gọi con trai mình là anh Phương dậy: “Phương ơi, dậy đi xem bố mày thế nào. Ông ấy ngã ở hiên nhà ngang kia kìa”.

Sau đó, Phương bế bố vào trong nhà và biết bố đã chết liền cùng mẹ lau rửa vết thương và tổ chức phát tang, mời anh em họ hàng đến tổ chức chôn cất cho bố mình theo phong tục tập quán.

Trong suốt mấy ngày tang lễ, Phèng tuyệt nhiên không nói cho ai hay việc mình đã đánh chồng khiến ông này tử vong. Khi hầu hết mọi người đều thấy sự ra đi của ông Đông có phần đường đột nhưng bà Phèng và con trai đều thông báo ngắn gọn: ông Đông tử vong do đi uống rượu vào bị ngã! Một số người nghi ngờ một số vết thương trên mặt của ông Đông khi đưa ông này vào áo quan cũng được Phèng giải thích rằng do ông Đông bị ngã nên mới có vết xây xước như vậy.

3 ngày sau cái chết của em trai mình, ông Bùi Văn Đình nghi ngờ có chuyện bất thường khiến ông Đông tử vong chứ không đơn thuần là bị trúng gió như một số người trong gia đình kể lại. Được sự nhất trí của đông đảo họ hàng thân tộc, ông Đình làm đơn gửi cơ quan Công an huyện Lương Sơn kiến nghị xem xét lại nguyên nhân gây ra cái chết đối với ông Đông.

Ngay sau khi ông Đình làm đơn gửi tới cơ quan công an, bà Phèng đã đến cơ quan công an đầu thú và khai nhận hành vi dùng gậy gỗ đánh ông Bùi Văn Đông rạng sáng ngày 4/3/2012. Sáng ngày 8/3/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình đã quyết định khai quật tử thi và quyết định trưng cầu giám định pháp y để xác định nguyên nhân chết của ông Bùi Văn Đông.

Kết quả giám định cho thấy: Nạn nhân bị chấn thương vùng đầu, mặt, tay do tác động mạnh bởi vật tày rắn gây nên các tổn thương vỡ xương hộp sọ, chấn thương não kín, đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc ông Đông tử vong.

“Giá như hôm ấy tôi không uống quá nhiều...”

Sáng ngày 25/6/2012, phiên tòa xét xử bị cáo Hoàng Thị Phèng đã diễn ra tại trụ sở TAND tỉnh Hòa Bình. Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Hòa Bình, bị cáo Phèng bị truy tố về tội “Giết người trong tinh thần trạng thái bị kích động mạnh” theo Điều 95, Bộ luật Hình sự. Đến dự phiên tòa phần lớn là họ hàng, bà con thân thích của nạn nhân và bị cáo, mỗi phía ngồi một bên. Họ ít nói chuyện với nhau mà chỉ chăm chú nghe lại câu chuyện qua lời bị cáo khai trước tòa.

Trong phiên tòa hôm đó, cậu con trai cả Bùi Văn Phương (SN 1983) của bị cáo và bị hại ngồi hàng ghế đầu. Khi Hội đồng xét xử nêu câu hỏi: “Đêm hôm đó, bố mẹ xung đột, cãi nhau và xảy ra vụ việc đau lòng thế mà anh không hề biết gì à?”.

Phương tỏ ra bối rối, liên tục vò đầu bứt tóc rồi mới trả lời được: “Tôi uống rượu say quá, về đến nhà chỉ biết lăn ra ngủ mà chẳng biết gì cả. Giá như hôm ấy tôi không uống quá nhiều thì chắc chắn cơ sự đau lòng này đã không xảy ra, bố tôi không chết còn mẹ không phải ra chốn công đường hôm nay”.

Con trai của bị cáo và bị hại ngồi thu lu một mình một góc
Con trai của bị cáo và bị hại ngồi thu lu một mình một góc

Cũng theo Phương, nỗi khổ tâm lớn nhất của cậu trong suốt 3 tháng qua từ khi vụ án xảy ra là việc cậu đứng giữa hai bên nội ngoại trong vụ việc. Trong khi phía họ hàng nhà nội phản ứng rất gay gắt trước việc mẹ Phương gây ra cái chết cho bố cậu và mong muốn pháp luật xử phạt người phụ nữ này thật nghiêm khắc thì phía họ hàng nhà ngoại lại tha thiết mong Phương đứng giữa giảng hòa cho hai bên để mẹ cậu không phải đi tù, hoặc chí ít cũng không lĩnh án nặng.

Phương cho hay, cậu không thể nhớ hết bố mẹ đã cãi nhau bao nhiêu lần và xô xát như thế nào, cũng không nhớ hết đã bao nhiêu lần 3 mẹ con cậu bị bố đánh đau đến mức phải bỏ chạy sang nhà hàng xóm để ẩn náu. Khi trả lời câu hỏi: “Tại sao cậu không can ngăn bố mẹ hoặc nhờ chính quyền can thiệp việc gia đình mình để cải thiện mối quan hệ của bố mẹ?” thì Phương trả lời: “Bố hay uống rượu còn mẹ thì hay nói nhiều nên có muốn can ngăn thì cũng lại đâu vào đấy!”.

Trong quá trình xét xử, kể cả khi nghị án, có khi đứng cách mẹ mình chỉ vài mét nhưng Phương tuyệt nhiên không hỏi han mẹ. Cậu ta chỉ biết khóc và ngồi lặng lẽ, không nói với ai bất kỳ câu nào.

Người duy nhất trò chuyện với bị cáo Phèng chính là cô con gái út, nhưng mới nói được đôi ba câu thì cô gái này cũng bật khóc khiến nhiều người thân của Phèng cũng thút thít khóc theo. Sau cuộc trò chuyện ngắn ngủi ấy, Phèng chỉ cúi đầu thu mình ở góc phòng xét xử, trong khi không ít những người nhà chồng dành cho bị cáo này những ánh mắt nhìn lạnh lẽo.

Được nói lời nói sau cùng trước khi Hội đồng xét xử nghỉ nghị án, Phèng chỉ khóc và xin được hưởng mức án nhẹ nhất để trở về với gia đình vì không nghĩ rằng hành động bồng bột của mình lại gây ra kết cục thảm thương như vậy.

Còn Phương, anh ta lí nhí xin họ hàng nhà nội tha thứ cho mẹ mình bởi mọi chuyện đã qua, không thể nào quay lại được nữa: “Mẹ cháu đã có pháp luật phán xét, chỉ mong mọi người hãy tha thứ cho mẹ cháu để mẹ cháu thanh thản hơn”.

Mức án 18 tháng tù giam dành cho bị cáo Hoàng Thị Phèng khiến căn phòng xét xử rộ lên những lời bàn tán, người bảo mức án quá nhẹ, người bảo như thế là thỏa đáng. Trong khi Phương lặng lẽ ra về thì người em gái của Phương chạy theo bị cáo Phèng để cố gửi ít vật dụng cá nhân cho mẹ.

Một buổi trưa hè nắng chói chang ở Hòa Bình, đoàn người ra về khi chiếc xe thùng chở phạm nhân rú còi phóng vút đi. 18 tháng không phải là khoảng thời gian quá dài, thế nên rồi đây bị cáo Phèng sẽ sớm được trở lại cuộc sống đời thường nhưng có lẽ bản án lương tâm dành cho kẻ giết chồng cùng những những day dứt ám ảnh trong tâm hồn người phụ nữ này sẽ còn ám ảnh bà ta nhiều năm nữa...

Bộ luật Hình sự - Điều 95. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Giết nhiều người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

Tố Uyên - Kỳ Anh

Đọc thêm