Nới lỏng tiêu chí thi người đẹp, nỗi lo “loạn hoa hậu”

(PLVN) - Việc nới lỏng tiêu chí và quy định tổ chức thi người đẹp trong dự thảo nghị định mới về nghệ thuật biểu diễn đang làm dấy lên lo ngại về tình trạng bát nháo thi hoa hậu.
Chung kết cuộc thi “Duyên dáng Doanh nhân Việt Nam” năm 2016 có 33/50 thí sinh đạt danh hiệu Hoa khôi, Á khôi.
Chung kết cuộc thi “Duyên dáng Doanh nhân Việt Nam” năm 2016 có 33/50 thí sinh đạt danh hiệu Hoa khôi, Á khôi.

Dự thảo gây tranh cãi

Bộ VH-TT&DL mới đây báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Sau 7 năm thực thi Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP sửa đổi và bổ sung Nghị định 79, bên cạnh mặt tích cực đã bộc lộ những hạn chế, nhiều quy định chưa phù hợp thực tiễn quản lý nhà nước và cuộc sống...

Dự thảo Nghị định mới gồm 6 chương, 44 điều, nhiều thay đổi theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính, nới lỏng tiêu chí tổ chức hoạt động biểu diễn, thi người đẹp, người mẫu. Cụ thể, Bộ VH-TT&DL chủ trương phân cấp cho địa phương, đối với thi người đẹp, người mẫu quốc tế tổ chức tại Việt Nam, Bộ căn cứ tình hình cụ thể từng năm để xem xét quyết định, nhưng không quá 2 cuộc.

Thi người đẹp, người mẫu toàn quốc thì cấp tỉnh, vùng, ngành, lĩnh vực sẽ phân cấp cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức vòng chung kết xem xét, mỗi năm không quá 1 cuộc tại địa phương.

Bộ cũng chủ trương không quy định phải đạt danh hiệu chính thức tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước khi thi quốc tế. Trong tương lai, thí sinh thi nhan sắc quốc tế chỉ cần đủ năng lực hành vi dân sự, đáp ứng các tiêu chí do ban tổ chức cuộc thi quy định, không vi phạm pháp luật hoặc không trong thời gian thi hành án, thời gian chấp hành kỷ luật dưới mọi hình thức và có giấy mời của cuộc thi là đủ.

Việc nới lỏng quy chế này khiến công chúng không khỏi lo ngại, sắp tới, Việt Nam là nước “nhà nhà có hoa hậu”, “người người là nữ hoàng” hay đáng buồn hơn là… “hoa hậu thời rẻ rúng”!

Nở rộ thi người đẹp

Hơn 10 năm nay, Việt Nam được xem là quốc gia có nhiều cuộc thi hoa hậu, nữ hoàng, người đẹp nhiều bậc nhất thế giới. Các cuộc thi hoa hậu từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh liên tục diễn ra. Tên cuộc thi nào cũng oai, cũng kêu như chuông, cũng “lừng lẫy”: Hoa hậu VN, Hoa hậu hoàn vũ VN, Hoa hậu thế giới người Việt, Hoa hậu Mekong, Hoa hậu đại dương, Nữ hoàng biển, Nữ hoàng trang sức, Hoa khôi xứ dừa, Người đẹp xứ trà, Nữ hoàng cà phê, Hoa khôi thể thao, Hoa hậu miền đất võ, Hoa hậu quý bà, Hoa hậu các dân tộc, Người đẹp vùng Kinh Bắc, Hoa hậu Quốc tế Việt Nam, Hoa khôi sinh viên, Miss teen, Miss Ngôi Sao, Miss Sunplay. Thậm chí, có những cuộc thi lạ như Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam, Nữ hoàng thực phẩm Việt Nam...

Các cuộc thi nối tiếp nhau liên tục, nữ hoàng, hoa hậu, người đẹp bước ra cuộc thi “nhiều như lá mùa thu”. Có cầu ắt có cung, dường như quá hiểu mục đích của các cô gái, một số “ông bầu”, “bà bầu” đã chớp cơ hội tổ chức các cuộc thi rầm rộ.

Cũng chính họ bằng hình thức “kêu gọi tài trợ” đã bán giải thưởng cho những cô gái sẵn sàng bỏ tiền (hay có đại gia bỏ tiền) ra mua. Họ không quan tâm các cô gái sau khi đoạt giải sẽ đi từ thiện thế nào, cống hiến xã hội ra sao mà chỉ quan tâm sau cuộc thi ấy, họ thu về được bao nhiêu tiền. Càng đóng nhiều “tài trợ”, thí sinh đó càng có cơ hội “ẵm” giải thưởng. 

Việc trao giải thưởng “không giống ai” này đã biến các cuộc thi sắc đẹp thành trò hề. Còn nhớ, thí sinh cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp Trần Ngọc Bích đã “khoe” lên trang Facebook của mình tấm hình gây sốc là danh hiệu “Người đẹp hình thể” của cô nằm chỏng chơ trong... xe rác, kèm theo lời bình luận tố cuộc thi chỉ ở cấp “ao làng” và ban tổ chức không chuyên nghiệp.

Rồi Mỹ Xuân – Hoa hậu Nam Mekong dùng chính danh hiệu mình có được để tham gia vào đường dây mại dâm cao cấp có giá 2.500USD. Thí sinh Trâm Bùi - Hoa hậu Phu nhân Việt Nam toàn cầu 2012 bị bắt tại Mỹ vì tội trồng và buôn bán cần sa…

Nhà thơ Dương Xuân Nam - “cha đẻ” của cuộc thi “Hoa hậu Việt Nam” đã chia sẻ về việc nhiều người chọn cuộc thi sắc đẹp với mục đích khác nhau: “Ngày nay, một số cuộc thi về sắc đẹp không đặt mục đích tôn vinh cái đẹp lên hàng đầu mà còn có nhiều mục đích khác. Thí sinh tham gia thi không đến với cuộc thi sắc đẹp với mục tiêu hướng tới cái đẹp, coi đó là ngày hội văn hoá mà đến với các cuộc thi sắc đẹp với mục đích kiếm tiền.

Đó là điều đáng lo ngại. Tôi nghĩ ngày nay danh xưng hoa hậu đang bị loạn. Các cuộc thi nhỏ nhỏ cũng coi là hoa hậu thay vì chỉ nên gọi là hoa khôi. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta nên quản lý chặt chẽ, phân cấp rõ ràng, cuộc thi nào gọi là cuộc thi hoa hậu, cuộc thi nào gọi là hoa khôi”.

Hoa hậu Việt Nam 2010 - Ngọc Hân cho rằng, việc nới lỏng quy định về tổ chức thi người đẹp sẽ dẫn đến loạn hoa hậu, các cuộc thi nhan sắc sẽ thiên về yếu tố kinh doanh nhiều hơn.

“Theo tôi, nếu nới lỏng quy định, các cuộc thi nhan sắc sẽ thiên về yếu tố kinh doanh nhiều hơn, ý nghĩa tìm kiếm, tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam sẽ bị hạ thấp. Thay vì nới lỏng việc cấp phép và tiêu chí thi người đẹp, chúng ta cần siết chặt lại và quản lý một cách tốt hơn” – Hoa hậu Ngọc Hân nêu quan điểm.