Nỗi niềm du học sinh khi được đón Tết cùng gia đình sau nhiều năm xa quê

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Niềm vui, hạnh phúc của những đứa con sau nhiều năm đi học xa xứ là được quây quần bên gia đình ăn bữa cơm tất niên, cùng nhau chuẩn bị Tết từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trở về nhà sau 8 năm xa quê để thực hiện giấc mơ tìm tri thức, Vũ Thị Minh Phương, 30 tuổi, cựu du học sinh bậc tiến sĩ tại Pháp vô cùng hạnh phúc khi được đón Tết Nguyên đán cùng gia đình.

Dự định về quê từ năm 2021, tuy nhiên do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cô quyết định ở lại Pháp thêm 1 năm để chờ tình hình dịch bệnh ổn định trở lại, cũng là để tạo cho mình thêm cơ hội học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức. Mãi đến tháng 8/2022, nữ du học sinh mới chính thức được trở về quê hương sau 8 năm sinh sống tại xứ người.

Minh Phương chia sẻ, Tết 2023 là cái tết rất đặc biệt vì cô được đón tết cùng gia đình, được sống trong không khí đầm ấm của gia đình. "Khi còn ở Pháp, vào những ngày cuối năm, tôi cùng những bạn bè là du học sinh lại tập trung lại để cùng nhau gói bánh chưng, nấu bữa cơm tất niên có các món ăn cổ truyền và rồi ngồi ăn uống với nhau chờ khoảnh khắc giao thừa. Khi đó nhớ nhà, dù có bạn bè ở bên những vẫn thấy rất thiếu, đó là tình cảm gia đình", Phương nhớ lại.

Bữa ăn Tết đầu tiên của Minh Phương và bạn bè tại Pháp. Ảnh: NVCC

Bữa ăn Tết đầu tiên của Minh Phương và bạn bè tại Pháp. Ảnh: NVCC

Tết Nguyên Đán năm nay, Minh Phương đã không còn cảm giác thiếu thốn vì cô đã được thỏa ước nguyện đón tết cùng gia đình sau 8 năm xa quê. Đã rất lâu rồi, nữ du học sinh mới tìm lại được những kỷ niệm tuổi thơ, cùng bố mẹ và các em sắm sửa đồ đạc, dọn dẹp nhà cửa đón năm mới.

"Ngày trước khi chưa đi học, mỗi dịp Tết là mình thường phụ giúp bố mẹ gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa, đi chợ sắm mua hoa tươi hoặc phụ mẹ nấu ăn, làm món nem cuốn đặc trưng trên mâm cỗ Tết. Năm nay, được làm lại những công việc này dù đã trưởng thành hơn rất nhiều nhưng cảm giác vẫn như ngày xưa, vẫn rất háo hức. Năm nay là cái Tết rất trọn vẹn đối với mình, được gặp lại gia đình, người thân, bạn bè và thấy mọi người vẫn luôn khỏe mạnh, vui vẻ là điều quý giá và hạnh phúc nhất với mình", Minh Phương nói.

Dự định của Minh Phương trong dịp Tết này chính là dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, người thân, đi thăm hỏi chúc Tết họ hàng xa gần. Ngoài ra, cô cũng dành một ngày để gặp lại những người bạn cũ của mình để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm thời còn đi học phổ thông.

Vũ Thị Minh Phương - cựu du học sinh Pháp. Ảnh: NVCC

Vũ Thị Minh Phương - cựu du học sinh Pháp. Ảnh: NVCC

Học tập tại Hàn Quốc được hơn 3 năm, năm nay Kiều Thị Quỳnh (xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) quyết định về quê ăn Tết cùng gia đình, dù cận Tết giá vé máy bay khá cao, dao động từ 14.000.000 - 15.000.000 đồng.

"Những năm trước, mỗi dịp Tết thấy bạn bè chia sẻ những khoảnh khắc, bức ảnh sắm sửa Tết cùng gia đình lên mạng xã hội khiến mình khá tủi thân vì không được ở nhà đón Tết cùng gia đình. Khi đó, chỉ biết gọi về cho bố mẹ để xem không khí sắm Tết qua điện thoại, nhưng càng những lúc như vậy thì mong muốn trở về nhà lại càng thôi thúc mình. Vậy nên năm nay mình quyết định về quê để trực tiếp cảm nhận bầu không khí ấy. Ngồi trên máy bay, mình cứ háo hức, chỉ mong thời gian trôi qua thật nhanh để được về nhà cùng bố mẹ, anh chị", nữ du học sinh Hàn Quốc chia sẻ.

Kiều Thị Quỳnh - nữ du học sinh tại Hàn Quốc. Ảnh: NVCC

Kiều Thị Quỳnh - nữ du học sinh tại Hàn Quốc. Ảnh: NVCC

Đối với nữ du học sinh Hàn Quốc, niềm hạnh phúc là được cùng gia đình sắm sửa chuẩn bị Tết thì những điều bình dị nhất. Những công việc như chuẩn bị gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa, đi chợ hoa,... mặc dù năm nào cũng lặp lại nhưng lại không hề cảm thấy nhàm chán, càng làm lại càng thấy vui vẻ, hạnh phúc hơn. Năm nào không được làm những công việc ấy là sẽ nhớ, sẽ thèm.

"2 năm không được đón Tết cùng gia đình do dịch bệnh nhưng may mắn là mình được tham gia thánh lễ và các hoạt động của người công giáo tại Hàn Quốc. Vào mỗi dịp Tết nhà thờ thường tổ chức gói bánh chưng vừa để giúp chúng mình vơi đi nỗi nhớ nhà, vừa là khoảng thời gian mọi người sum vầy, chia sẻ với nhau những câu chuyện trong năm qua. Dù tham gia hoạt động nào, ở đâu thì vẫn không thể bằng niềm vui, niềm hạnh phúc khi được đoàn tụ cùng gia đình đón chờ khoảnh khắc năm mới", Kiều Thị Quỳnh nhớ lại.

Có thể thấy rằng, đối với những du học sinh dù học tập tại đất nước nào thì mỗi khi đến Tết cổ truyền của dân tộc, họ lại cùng nhau hướng về quê nhà, cố gắng sắp xếp công việc, thời gian để được về đoàn tụ cùng gia đình dù là những giây phút ngắn ngủi nhất. Và tất nhiên, được tham gia vào những hoạt động truyền thống dịp năm hết Tết đến chính là cách để họ tìm lại những kỷ niệm quý báu thời thơ ấu.

Đọc thêm