Phiên tòa đã kết thúc, nhưng những ai đã từng có mặt hôm ấy không thể quên được nước mắt của Hương. Những giọt nước mắt đắng cay, uất ức vì công sức bao nhiêu năm làm vợ, làm dâu chỉ trong chớp mắt đã bị chính những người thân của mình đổ ra sông, ra biển.
Ngày ấy, trên dải đất miền Trung cát trắng, Hương là cô thôn nữ đẹp nhất cái làng chài. Trai làng ngấp nghé quanh cô rất nhiều nhưng Hương vẫn chưa ưng ai. Thế rồi, đùng một cái cô lên xe hoa với anh thợ cầu người Đồng Nai, người vốn đã có gần 3 năm bám trụ ở quê Hương để xây cây cầu vượt biển. Dự đám cưới của Hương, mỗi người một ý. Người mừng cho cô lấy được tấm chồng có công ăn việc làm đàng hoàng, lại khéo ăn nói, kẻ thì lo cô lấy chồng xa, sau này lỡ có chuyện gì biết bám víu vào đâu, nhất là khi nhà chồng gồm mẹ và 3 cô em gái chồng phải đến tận ngày cưới Hương mới tường mặt, còn tính nết ăn ở chưa kịp hiểu gì.
Sau đám cưới, Hương theo chồng về Đồng Nai, bước vào ngôi nhà của bố mẹ chồng, chưa hết mệt sau chuyến đi dài, cô đã nghe mẹ chồng tuyên bố rằng bà không chấp nhận cô là dâu vì cô không phải người Nam bộ, lại càng không phải người bà đã chọn sẵn cho con trai. Người đứng ra tổ chức đám cưới rước cô về chính là ông bà nội của anh Minh – chồng cô, do xuất phát từ tình yêu thương đứa cháu. Vì không đồng ý nên mẹ chồng Hương miễn cưỡng tham gia chuyện cưới hỏi cho phải phép để vui lòng bố mẹ chồng của bà. Trước sự phản đối của mẹ chồng, vợ chồng Hương được ông bà nội đưa về sống với ông bà tại một xã khác kế bên. Khi hai cậu con trai kháu khỉnh ra đời, mẹ chồng Hương không còn khắt khe như trước nữa, thỉnh thoảng vẫn sang nhà chơi đùa với các cháu. Nhưng, mối quan hệ đó đã quay ngoắt sang một hướng khác từ khi anh Minh, chồng Hương không may bạo bệnh qua đời, ngay sau sự ra đi của ông bà nội anh không lâu.
Ngày ra tòa, Hương khóc nức nở vì không có một bằng chứng pháp lý nào chứng minh cô và anh Minh là vợ chồng. Gần 5 năm chung sống, hai vợ chồng không hề nghĩ đến chuyện phải đi đăng ký kết hôn. Họ cho đó cũng là lẽ thường vì ở cái vùng quê heo hút đó, mấy ai quan tâm đến việc chuyện đăng ký. Vì sơ suất đó, nên khi anh Minh qua đời, ba cô em gái chồng đã viện cớ ngôi nhà là tài sản của ông bà nội để lại cho mẹ mình mà thẳng tay đuổi mẹ con Hương ra khỏi nhà. Tàn nhẫn hơn, lúc gia đình đang rối ren việc ma chay, mẹ chồng chị đã tự ý làm giấy chứng tử cho con kèm theo giấy ủy quyền của anh Minh cho bà. Sau đó, bà đã dùng những giấy tờ này chuộc lại giấy tờ nhà đất vợ chồng anh đang thế chấp để lấy vốn làm kinh tế mua giống, phân cho vườn cây ăn trái, đem về cất giấu.
Ra tòa, do không có giấy đăng ký kết hôn nên tòa không công nhận Hương và anh Minh là vợ chồng, mà chỉ công nhận và chia một phần tài sản cho hai con của Hương vì giấy khai sinh của hai con có tên anh Minh là cha. Thế nên 2 năm qua, Hương vẫn cầm trên tay lá đơn đến các cơ quan công quyền, nhưng không phải để đòi lại tài sản, mà chỉ mong giải tỏa được nỗi uất ức vì không được công nhận là vợ hợp pháp của chồng mình (!). Ngủ thì thôi chứ cứ hễ thức đậy là Hương lại như nghe văng vẳng bên tai tiếng rủa sả của ba cô em chồng rằng cô chỉ là loại “mèo mả gà đồng” với anh họ, chứ không phải dâu con trong nhà.