Nơm nớp những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại trường học

(PLVN) - Thời gian đây, một số trường học trên khắp cả nước xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm khiến nhiều học sinh bị  đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, đau đầu phải nhập viện cấp cứu. Không ít phụ huynh lo ngại vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm không được kiểm soát chặt chẽ tại bữa ăn học đường.
Các phụ huynh lo ngại về chất lượng và an toàn thực phẩm trong nhà trường khi con mình bị ngộ độc.

Học sinh bị ngộ độc thực phẩm ở trường

Trưa ngày 9/9/2020, Trường Tiểu học Tiên Dương (huyện Đông Anh, Hà Nội) có tổ chức bữa ăn cho các em học sinh bán trú. Đến 15 giờ cùng ngày, nhà trường có thêm bữa phụ là sữa học đường. Đến 21h ngày 9/9, một học sinh có biểu hiện đau bụng, sốt, đi ngoài và được người nhà đưa đến BV Đa khoa Đông Anh cấp cứu.

Sau khi được thăm khám và điều trị, học sinh này đã được cho về theo dõi tại nhà. Đến sáng ngày 10/9, có 58 học sinh vắng mặt không đến lớp. Trong đó, 48 học sinh vẫn còn một số biểu hiện triệu chứng như buồn nôn, sốt và đi ngoài.

Sau khi nắm bắt thông tin, Trung tâm Y tế huyện Đông Anh đã phối hợp với Phòng y tế Đông Anh yêu cầu nhà trường dừng toàn bộ bữa ăn trưa ngày 10/9; tiến hành kiểm tra cơ sở cung cấp bữa ăn sẵn cho học sinh, lấy các mẫu thức ăn và sữa gửi Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia xét nghiệm; Đồng thời, lấy mẫu phân của 5 học sinh và mẫu bàn tay của 13 nhân viên chế biến thức ăn của cơ sở cung cấp dịch vụ để xét nghiệm. Cơ quan chức năng nhận định bước đầu, nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm do yếu tố vi sinh.

Chỉ thời gian ngắn, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể diễn ra tại một số trường học. Sáng 29/5/2020, tại Trường Tiểu học xã N’Thôl Hạ (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đã xảy ra một vụ ngộ độc tập thể do ăn bánh mì của một nhóm từ thiện cung cấp.

Trước đó, vào 7h45 cùng ngày, một nhóm từ thiện trú tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, chở tới Trường Tiểu học xã  N’Thôl Hạ 250 phần bánh mì cho 12 lớp thuộc các khối  lớp 1, 4 và 5 ăn sáng. Sau khi ăn 135 em có biểu hiện đau bụng, nôn mửa được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng. Sau bữa cơm tối khoảng 17h cùng ngày, nhiều em có biểu hiện đau bụng, đi cầu, nôn ói nghi do ngộ độc thực phẩm nên phải nhập viện điều trị. 

Vào ngày 24/10, 18 học sinh  Trường tiểu học Võ Thị Sáu có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, đau bụng. Ngay sau khi xảy ra sự việc, các giáo viên của trường đã đưa 18 học sinh đến Trạm Y tế phường Yết Kiêu, sau đó 6 học sinh được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh để cấp cứu.

Vào ngày 23/12/2019, Trường Mầm non Vườn Mặt Trời (Thanh Hóa) cho học sinh ăn cháo thịt bò bí đỏ và bánh cuốn. Đến hơn 10h cùng ngày, nhiều trẻ em có các biểu hiện nôn, ói, mệt mỏi, được đưa đến Bệnh viện nhi Thanh Hóa cấp cứu.

Ngày 12/9/2019, Trường tiểu học, mầm non Victory (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) xảy ra việc có nhiều học sinh với biểu hiện đau bụng, buồn nôn nghi ngộ độc thực phẩm, đoàn công tác của Chi Cục An toàn thực phẩm Hà Nội đã đến lấy mẫu xét nghiệm cũng như kiểm tra bếp ăn tại đây.

Trong tháng 7/2018, ở Hà Nội, xảy ra  vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại Trường Đào tạo nhân lực ở Vân Canh (huyện Hoài Đức). Qua kiểm tra, khu vực bếp của trường đã bị cơ quan chức năng yêu cầu dừng hoạt động do không tuân thủ điều kiện vệ sinh, nhà bếp không bảo đảm, chưa xuất trình được hồ sơ chứng minh nguồn gốc thực phẩm.

Dư âm của các vụ ngộ độc thực phẩm chưa kịp lắng thì ngày 15/11/2018, lại có gần 200 trẻ Trường mầm non Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm sau khi ăn liên hoan tại bếp ăn của nhà trường.

Ngày 2/3/2018, tại Đồng Nai, sau khi uống sữa buổi sáng, 73 học sinh Trường mầm non Phú Lộc và Trường tiểu học Phạm Văn Đồng (xã Phú Lộc, huyện Tân Phú) có biểu hiện đau bụng, nôn ói, phải nhập viện cấp cứu. Sữa gây ngộ độc là loại nằm trong chương trình Sữa học đường tại Đồng Nai. 

Ngày 27/10/2018, tại Hậu Giang, cũng do uống sữa, gần 500 học sinh Trường tiểu học Lái Hiếu và Trường tiểu học Nguyễn Hiền (thị xã Ngã Bảy) có Biểu hiện ngộ độc nhẹ. Có 39 em có biểu hiện đau bụng, nôn ói, đau đầu. Nguyên nhân được xác định là do đơn vị pha chế thức uống không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đầu tháng 10/2018, ở Hà Giang, 150 học sinh Trường Tiểu học xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, có biểu hiện buồn nôn, đau bụng, đi ngoài đồng loạt sau khi ăn sáng tại trường. 

Cũng trong tháng 10, tại Ninh Bình, đã xảy ra vụ ngộ độc làm hơn 350 học sinh tại Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng phải vào viện. Nguyên nhân được xác định do vi khuẩn tụ cầu vàng trong món ruốc gà trong bữa ăn trưa của học sinh.

 Học sinh nhập viện do ngộ độc thực phẩm trong trường học.

Ngày 23/12/2018, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa bắt đầu tiếp nhận các cháu vào điều trị, các cháu nhập viện có triệu chứng đau bụng, buồn nôn. Ngay sau đó, các cháu được chuyển vào khoa để cấp cứu.

Một vụ ngộ độc tập thể nghi do uống trà sữa xảy ra tại Trường Tiểu học Trần Phú, TP Quảng Ngãi khiến 50 em học sinh cùng một lớp phải nhập viện cấp cứu.

Ngày 21/9/2017, xảy ra một vụ ngộ độc tập thể tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hầu Thào (Lào Cai) khiến 73 học sinh bán phải nhập viện.

Ảnh hưởng tới sức khỏe của học sinh

Hiện nay, hầu hết trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tại các tỉnh, thành phố đều tổ chức bữa ăn bán trú. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, do không rửa tay trước khi phân chia suất ăn nên các cô đã truyền vi khuẩn từ tay qua cơm, thịt… gây ngộ độc cho học sinh. Ngoài ra, việc bảo quản, vận chuyển thức ăn giữa các điểm trường rất sơ sài; chưa quản lý nguồn gốc nguyên liệu đầu vào cũng là nguyên do xảy ra các vụ ngộ độc.

Tại một số trường tiểu học, phụ huynh và người dân đã từng phát hiện và ngăn chặn nhiều thực phẩm bẩn, thối được đưa vào trường học để nấu cho học sinh ăn. Chỉ cần lơi lỏng công tác kiểm soát là học sinh có thể bị ăn phải thức ăn bẩn, ôi thiu, kém chất lượng.  

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2 phân tích bữa ăn của học sinh trong nhà trường rất quan trọng cả về dinh dưỡng và đặc biệt phải đảm bảo an toàn. Về dinh dưỡng, bữa ăn tại trường là một trong 2 bữa ăn chính trong ngày của trẻ và ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm sinh lý lẫn sự phát triển về sau của trẻ. Nếu bữa ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trẻ sẽ có nguy cơ ngộ độc cấp tính.

Cụ thể, trẻ bị sốt, nôn ói, tiêu chảy, trẻ sẽ phải nghỉ học và hụt kiến thức ngày hôm đó. Nặng hơn, trẻ có thể bị mất nước, bị những biến chứng, nhiễm khuẩn từ đường tiêu hóa hoặc biến chứng nặng nề từ những độc chất. Về lâu dài, nếu bữa ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chứa những độc chất không được phép vào cơ thể sẽ làm trẻ bị ngộ độc mãn, ảnh hưởng đến toàn bộ chức năng của cơ thể hoặc trẻ cũng có thể không tăng trưởng bình thường.

Cục ATVSTP đưa ra khuyến cáo, ngành giáo dục cần tích cực phối hợp với ngành y tế để vận hành hệ thống tự kiểm tra ATVSTP đối với bếp ăn tập thể trong các cơ sở giáo dục. Đồng thời, khuyến cáo các trường học nên tự tổ chức bếp ăn tập thể để kịp thời giám sát ATVSTP. Đối với các trường sử dụng suất ăn chế biến thì phải đảm bảo từ khi chế biến xong đến khi ăn không quá 4 giờ (nếu có thiết bị bảo quản nóng, lạnh) và trường hợp không có thiết bị bảo quản thì thời gian không quá 2 giờ.

Ngộ độc thực phẩm nặng thì có thể dẫn tới tử vong, nhẹ cũng gây mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần cho người bệnh. Vì vậy, theo các chuyên gia y tế, việc trang bị một số kiến thức về các bước sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm là việc làm cần thiết. Khi thấy chính mình hoặc người thân có các dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm cần nhanh chóng sơ cứu.

Để hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể, biện pháp sơ cứu đầu tiên nên làm là kích thích để người bị ngộ độc nôn những thức ăn trong dạ dày ra ngoài. Có thể dùng tay đã rửa sạch đặt vào lưỡi người bệnh để kích thích gây nôn. Nôn được càng nhiều thức ăn trong dạ dày ra càng tốt. Cho người bệnh uống nhiều nước và nghỉ ngơi.

Dù đã tiến hành sơ cứu ban đầu nhưng bệnh nhân vẫn có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Vậy nên bệnh nhân cần được sự trợ giúp của nhân viên y tế bằng cách gọi cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. 

Đọc thêm