Thiếu hụt nhân sự
Theo lãnh đạo Phòng CSBV từ năm tháng 7/2014 Phòng triển khai lực lượng bảo vệ ANTT tại 15 bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố. Vào thời điểm đó Phòng CSBV có hơn 500 cán bộ chiến sĩ (CBCS) đáp ứng được yêu cầu bố trí mỗi bệnh viện 9 CBCS chia làm 3 tổ công tác.
Tuy nhiên, 2 năm gần đây thì quân số của Phòng CSBV đã giảm đi nhiều. So với quy định về biên chế cho các vọng gác thì để đảm bảo quân số bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu được giao, Phòng CSBV đang thiếu khoảng 200 CBCS.
Vì vậy, hiện Phòng CSBV chỉ bố trí được mỗi bệnh viện 2 đến 3 CBCS làm việc 3 ca/ngày. Quân số ít như vậy nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác đảm bảo ANTT tại 15 bệnh viện được giao.
Bên cạnh đó, các bệnh viện lớn là nơi thường xuyên có đông người, gồm nhiều thành phần xã hội khác nhau từ nhiều tỉnh, thành tập trung đến khám, chữa bệnh, kinh doanh mua bán, cung cấp dịch vụ... các đối tượng xấu lợi dụng để hoạt động vi phạm phát luật.
Tâm lý của một số người nhà và bệnh nhân muốn khám, chữa bệnh nhanh, dịch vụ của bệnh viện chưa đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh với số lượng bệnh nhân quá tải (nhất là sau các ngày nghỉ, lễ, tết) nên có hiện tượng bức xúc, đe dọa, hành hung bác sỹ, nhân viên y tế của bệnh viện; đối tượng “cò mồi” khám chữa bệnh lợi dụng tâm lý người bệnh muốn khám, chữa bệnh nhanh để hoạt động; các đối tượng xấu lợi dụng sơ hở của bệnh nhân và người nhà để trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; các dịch vụ vận chuyển cấp cứu, taxi, xe ôm, dịch vụ kinh doanh ăn uống lấn chiếm vỉa hè hoạt động gây mất trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị khu vực cổng bệnh viện khi không có lực lượng chức năng.
Những bất cập cần được khắc phục
Mới đây, để nâng cao hiệu quả thực hiện đảm bảo ANTT tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố, đồng thời để lực lượng CSBV tập trung ưu tiên lực lượng bảo vệ tuyệt đối an toàn 24 mục tiêu quan trọng của trung ương và Hà Nội, Phòng CSBV đã đề xuất Công an thành phố tăng cường quan tâm, bổ sung quân số cho Phòng, tiến tới đáp ứng mỗi vọng gác biên chế 8 CBCS theo quy định của Bộ Công an.
Ngoài ra, Phòng CSBV cũng đề xuất được xử lý một số vi phạm hành chính theo quy định, nhất là các vi phạm về trật tự giao thông đô thị, trật tự công cộng.. để răn đe, phòng ngừa vi phạm diễn ra tại cổng các bệnh viện cũng như khu vực xung quanh các mục tiêu bảo vệ.
Theo Khoản 2, Điều 2 Quyết định 2421/QĐ-BCA ngày 09/04/2019 của Bộ Công an (quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Phòng CSBV thuộc Công an TP Hà Nội và Công an TP. HCM) thì Phòng CSBV có nhiệm vụ, quyền hạn xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên đến nay nhiệm vụ, quyền hạn chưa được triển khai thực hiện. Việc giải quyết các vụ việc vi phạm liên quan an ninh, trật tự vẫn phải cần sự phối hợp của lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát trật tự, công an phường...
Phòng cũng đề xuất CATP giao Công an quận, huyện có trụ sở bệnh viện trên địa bàn chủ trì, tham mưu Ban Giám đốc Công an TP thành lập các tổ công tác liên quân (gồm lực lượng cảnh sát trật tự, cảnh sát khu vực, cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự của công an quận, huyện, phường và các phòng chức năng Công an TP), thường trực đảm bảo ANTT tại các bệnh viện theo đúng chức năng, nhiệm vụ, để kịp thời xử lý các vụ việc phạm pháp hình sự, cũng như giải quyết tình trạng “cò” khám chữa bệnh, xe ô tô dừng đỗ, đón trả khách sai quy định…
Người dân đã thấy an toàn khi đến bệnh viện
Theo một số người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân thì những năm gần đây tình trạng ANTT tại khu vực các bệnh viện ngày càng tốt hơn. Người bệnh cảm giác an toàn về tài sản cũng như thoải mái hơn khi đến khám chữa bệnh.
“Đầu những năm 2000, khi đưa con ra khám bệnh tại bệnh viện Bạch Mai, tôi thấy mọi thứ còn lộn xộn lắm, an ninh trật tự chưa tốt và mất cắp như cơm bữa. Lặn lội, chắt bóp từng đồng để đi viện nhưng cứ nơm nớp lo móc túi. Nhưng lần này tôi đi khám bệnh, thấy đông nhưng an ninh có vẻ đảm bảo hơn rất nhiều. Ngay đầu cổng đã thấy công an họ điều tiết giao thông. Vào trong thì có camera giám sát, có người hướng dẫn thủ tục nhiệt tình. Mà đặc biệt không thấy đội “cò mồi” xuất hiện nhiều như xưa. Quả thật có nhiều chuyển biến tích cực”- ông Nguyễn Đình Trình (quê Thanh Hóa) chia sẻ.
Còn chị Nguyễn Thị Vân (Mĩ Đình Từ Liêm, Hà Nội) nói “Ngay từ khi bước vào cổng viện, tôi thấy xuất hiện nhiều biển cảnh báo về “cò mồi” và thông tin về đường dây nóng của các đơn vị an ninh, thông báo về công tác đảm bảo ANTT của bệnh viện, của công an. Như vậy thôi cũng cảm giác an tâm rất nhiều rồi”.
Về phía bệnh viện, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh viện thiết lập và duy trì mối quan hệ hiệu quả với chính quyền địa phương, đặc biệt là các cơ quan công an nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại đơn vị.
Thông tin liên quan đến hoạt động đảm bảo an ninh, trật tự đều được bệnh viện trao đổi, báo cáo với Công an các phường và Công an thành phố Hà Nội để có hỗ trợ, xử lý kịp thời. Định kỳ, bệnh viện đều làm việc với Phòng PA03 để đánh giá công tác bảo vệ, đảm bảo chính trị nội bộ tại đơn vị, từ đó, có kế hoạch, giải pháp khắc phục những tồn tại.
Ngoài ra, bệnh viện còn thường xuyên phối hợp với các lực lượng công an trong khu vực tăng cường tuần tra ở các khoa đông người bệnh cấp cứu, các vị trí xung yếu để ngăn ngừa những đối tượng nghiện hút tiêm chích và trộm cắp tài sản của người bệnh, cơ quan.