Nông dân gặp họa, hàng trăm tỉ ủng hộ vẫn “ùn ứ”

(PLO) - “Nguyên nhân của những hạn chế này là gì? Địa phương có tham gia, huy động nhưng không triển khai thực hiện, vì sao? Đây là tiền huy động của toàn xã hội cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng; “một miếng khi đói hơn một gói khi no”, tính kịp thời là rất quan trọng nhưng tiền vẫn để nguyên trong kho là vì sao?”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đặt vấn đề.
Ở một số địa phương, thuyền nằm bờ, ngư dân thất nghiệp nhưng tiền ủng hộ vẫn chưa đến tay người gặp họa. Ảnh minh họa
Ở một số địa phương, thuyền nằm bờ, ngư dân thất nghiệp nhưng tiền ủng hộ vẫn chưa đến tay người gặp họa. Ảnh minh họa

Đến nay đã có hàng trăm tỷ đồng từ nhiều nguồn hỗ trợ hướng về nhân dân các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thủy hải sản chết hàng loạt, nhưng sau nhiều tháng nhận được tiền hỗ trợ, có những địa phương mới giải ngân được 20%, có địa phương… chưa giải ngân được đồng nào.

Đây là một trong những bất cập lớn được nêu ra tại Hội nghị sơ kết Chương trình phối hợp hành động hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt (Chương trình) do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (TWMTTQ) Việt Nam tổ chức hôm qua (26/8).

Trong hội nghị, các đại biểu cũng kiến nghị cần quan tâm đến công tác hỗ trợ lâu dài cho bà con. “Bên cạnh chính sách hỗ trợ tức thời, Chính phủ cần có giải pháp căn cơ hơn. Bởi biến đổi khí hậu không chỉ diễn ra trong nay mai mà nó còn tiếp tục diễn ra mà chúng ta phải đối diện”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh  niên Cộng sản Hồ Chí Minh  đề xuất. Theo các đại biểu, trước mắt cần quan tâm hỗ trợ con em các hộ gia đình chịu tác động của sự cố môi trường và hạn mặn đến trường.

Với tinh thần “thương người như thể thương thân”, ngay sau cuộc phát động của Ủy ban TWMTTQ Việt Nam, tại các địa phương trong cả nước, công tác hỗ trợ nhân dân vùng ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt được MTTQ và các tổ chức thành viên tích cực hưởng ứng và có những biện pháp vận động phù hợp, hiệu quả. 

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban TWMTTQ Nguyễn Thiện Nhân, “hội nghị sơ kết không chỉ nói mặt được mà còn làm rõ những mặt chưa được”, bởi vậy không ít tồn tại, bất cập đã được chính Ban Thường trực Ủy ban TWMTTQ và các đại biểu dự hội nghị thẳng thắn đề cập. 

Đó là việc hỗ trợ còn chậm. Một số tỉnh, thành chưa tích cực vận động nguồn lực để ủng hộ nhân dân các tỉnh bị thiệt hại, một số tỉnh chưa kịp thời phân bổ hết số tiền tiếp nhận được cho nhân dân.

“Tỉnh Ninh Thuận vận động được 4,4 tỷ và họ đã chi cho nhân dân gần hết, chỉ còn dư 400 triệu; nhưng Sóc Trăng thì có đến 80% chưa chi. Tỉnh Đắk Lắk vận động được 2,5 tỷ nhưng đến nay chưa chi đồng nào mặc dù hạn hán tại địa phương này rất khốc liệt…Vậy chúng ta phải bàn cách tổ chức phân phối số tiền ủng hộ ở địa phương như thế nào để xuống được với người dân bị ảnh hưởng?”, ông Nhân trăn trở.

Bày tỏ sự vui mừng khi các đối tượng được nhận hỗ trợ nhiều hơn dự kiến  (vượt 4 lần kế hoạch), và số tiền vận động được cũng cao gấp 2,5 lần kế hoạch nhưng Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng vẫn băn khoăn về những hạn chế của Chương trình.

“Nguyên nhân của những hạn chế này là gì? Địa phương có tham gia, huy động nhưng không triển khai khai thực hiện, vì sao? Hạn chế này cần rút kinh nghiệm và cũng cần chỉ ra nguyên nhân. Đây là tiền huy động của toàn xã hội cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng; “một miếng khi đói hơn một gói khi no”, tính kịp thời là rất quan trọng nhưng tiền vẫn để nguyên trong kho là vì sao?”, ông Tụng đặt vấn đề.

Cùng quan điểm, bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đặt câu hỏi: Tại sao có nhiều tỉnh, thành triển khai việc trao tiền hỗ trợ cho nhân dân rất kịp thời nhưng lại có những địa phương còn dư khá nhiều tiền hỗ trợ mà chưa thể giải ngân. “Tôi đề nghị công tác giám sát phải làm sao đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là chính quyền cơ sở để kịp thời phát hiện và nhanh chóng khắc phục tồn tại này”, bà Hòa đề xuất.

Hội nghị kết thúc nhưng vẫn chưa trả lời được những trăn trở nêu trên. Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Các địa phương chưa giải ngân hoặc tỷ lệ giải ngân quá ít cần phải có báo cáo cụ thể. Đặc biệt là tại các tỉnh mà tỷ lệ tiền hỗ trợ chưa phân bổ chiếm từ 80-100%, chúng ta phải thông báo cụ thể cho Bí thư, Chủ tịch tỉnh đó kèm báo cáo yêu cầu giải quyết ngay vấn đề này”.

Sau hơn 3 tháng triển khai, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam đã vận động được số tiền và hiện vật quy ra tiền được trên 204 tỷ đồng. Trong đó tiền mặt trên 150 tỷ đồng. Từ nguồn vận động đã hỗ trợ được trên 193.726 lượt hộ gia đình bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt với số tiền trên 150 tỷ đồng, vận động hỗ trợ được trên 1.861 tấn gạo.

Tính đến ngày 24/8/2016, riêng TWMTTQ Việt Nam đã tiếp nhận tổng số tiền ủng hộ trên 11,049 tỷ đồng, trong đó Chính phủ và nhân dân nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ủng hộ 5,742 tỷ đồng (tương đương 257 USD); Chính phủ và doanh nghiệp Vương quốc Thái Lan ủng hộ 2,24 tỷ đồng (tương đương 100 USD); cán bộ, công chức, viên chức người lao động cơ quan Ủy ban TWMTTQ Việt Nam ủng hộ trên 52 triệu đồng.

Đọc thêm