Nghề đặc trưng ở thành phố sương mù
Hằng năm, những làng hoa ở Đà Lạt sản xuất ra hàng tỷ cành hoa, cung cấp cho cả trong và ngoài nước. Trong số những làng hoa nổi tiếng ở Đà Lạt, không thể không nhắc đến những làng hoa lâu năm như làng hoa Vạn Thành, làng hoa Thái Phiên, làng hoa Hà Đông,...
Đô thị đặc biệt này như một thiếu nữ được chàng trai lực lưỡng là những dãy núi rừng Tây Nguyên ôm ấp vào lòng. Đến nơi này, du khách ngỡ như lạc vào thế giới ngàn hoa. Ngoài những luống hoa do con người vun trồng Đà Lạt nổi tiếng với nhiều loại hoa dại đặc trưng, có thể kể đến như dã quỳ, hoa tam giác mạch,...
Có người kể lại, nghề hoa Đà Lạt xuất phát từ thú thích trồng và chơi hoa của người dân nơi đây. Lâu dần diện tích ngày càng lớn với nhiều chủng loại, cũng một phần vì thua lỗ trong canh tác cây nông nghiệp ngắn ngày, nhiều người dân đã chuyển hẳn sang nghề trồng hoa. Từ đây nghề trồng hoa đã trở thành một nét đặc trưng của “Thành phố Festival hoa”.
Hoa ở xứ sở sương mù có những ưu điểm mà không nơi nào có được. Thiên nhiên đã ưu đãi cho mảnh đất này những yếu tố về tự nhiên, khí hậu hiếm có. Hoa trồng ở mảnh đất này có màu đậm, rất bắt mắt, không những vậy người ta còn nhận thấy hoa được trồng ở khu vực Đà Lạt có “độ bền”, tươi được lâu hơn so với hoa ở những nơi khác.
Do điều kiện khí hậu ưu đãi nên hoa ở Đà Lạt được canh tác quanh năm, lúc nào cũng có những luống hoa khoe sắc thắm, khi thì xanh mơn mởn, khi thì e ấp nụ, lúc lại bung màu sặc sỡ. Vào ban đêm, đứng ở cuối đường Hùng Vương dễ dàng chiêm ngưỡng một làng hoa Thái Phiên rực rỡ ánh đèn như một thiên đường ánh sáng về đêm. Đây cũng là một điểm tham quan hấp dẫn mà rất nhiều du khách yêu thích mỗi khi đêm về, bởi các sản phẩm du lịch về đêm ở Đà Lạt không được nhiều và đa dạng để phục vụ nhu cầu trải nghiệm của du khách.
Làng hoa đìu hiu vì đại dịch
Đại dịch COVID-19 lướt qua Đà Lạt khiến những nông dân ở Đà Lạt trở nên nhàn rỗi bởi hoa trồng ra khó tiêu thụ, giá lại thấp. Anh Nguyễn Đình Dân, 45 tuổi, là người trồng hoa nhiều năm ở làng hoa Thái Phiên cho hay: “Với hơn 2 sào đất, mỗi năm nhà tôi trồng hơn 30 ngàn cây hoa ly tết, nhưng năm nay sợ dịch nên chỉ trồng 20 ngàn cây thôi. Năm trước do dịch bùng phát, việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn làm giá hoa ly giảm, nhà ai suôn sẻ thì cũng lấy lại vốn, chứ khó có lãi lắm”.
Người ta ví trồng hoa ly như đánh một canh bạc vậy, được ăn cả ngã về không. Trung bình với 1.000m2 trồng hoa ly sẽ phải bỏ ra từ 300 - 400 triệu đồng tiền vốn. Để thu được lãi, người trồng phải canh đúng thời gian hoa nở, đồng thời phải có kỹ thuật và kinh nghiệm vì hoa dễ gặp những “rủi ro” về sâu bệnh rất khó chữa.
Nếu hoa ly nở đúng dịp Tết giá bán giao động từ từ 140.000-150.000 đồng/bó 5 cành. Nhưng nếu hoa nở trật Tết thì giá chỉ còn 30.000-40.000 đồng/bó, coi như lỗ một nửa. Tỷ lệ may rủi đối với người trồng ly có thể lên đến 80%.
Bà Trần Thị Thu Thảo (58 tuổi, trú tại phường 5, TP Đà Lạt) chia sẻ: “Tôi trồng hoa cũng gần 20 năm, với diện tích gần 4 sào nhưng từ năm 2020 khi dịch bùng phát tôi đành bỏ đất trống”.
Giá hoa mùa dịch lên xuống thất thường, đặc biệt nếu gặp thời gian giãn cách nữa thì xác định lỗ nặng. Chỉ có những gia đình có vốn lớn, cộng thêm có “mối” lấy hàng ổn định mới có khả năng duy trì sản xuất. Kể từ khi bắt đầu đại dịch nhiều gia đình đã phải để trống đất hoặc giảm diện tích trồng hoa, tổng sản lượng hoa ước tính giảm hơn 50% so với trước.
Năm nay, do nhiều chủ vườn tạm dừng việc sản xuất, nguồn hoa cung cấp ra thị trường bị hao hụt nặng. Trong đợt lễ 20/10 và 20/11 vừa qua, dù cho khá nhiều nguồn cầu đặt hoa, nhưng vì số lượng hoa có hạn nên không đủ đáp ứng. Điều này đẩy giá hoa lên giúp nông dân có cơ hội sản xuất tiếp, nhưng nhiều người vẫn trồng một cách dè dặt, bởi họ lo ngại dịch bùng phát lần nữa thì nguy cơ “trắng tay” rất cao.
Cũng gặp cảnh thua lỗ, có đợt phải cắt bỏ cả vườn hoa, nhưng đến giờ ông Nguyễn Văn Hiệp (57 tuổi, làng Thái Phiên) cảm thấy may mắn vì còn có thể tiếp tục duy trì vườn. Ông Hiệp kể: “Vườn nhà tôi chuyên trồng cúc, kì trước mỗi bó 5 cây có giá từ 18 ngàn/bó nhưng trong mua dịch giá giảm xuống còn 4 ngàn/bó, thậm chí thương lái còn không mua”.
Không giống như hoa hồng, đồng tiền có thể cắt cành sau đó thu nhiều vụ. Người trồng cúc chỉ có thể thu hoạch một lần, nếu đến thời gian thu hoạch mà hoa không xuất đi được thì chỉ có thể cắt bỏ.
Đầu ra của hoa tùy thuộc nhiều vào thương lái từ TP Hồ Chí Minh, giá cả cũng phụ thuộc nhu cầu thị trường. Nếu như mọi năm giá hoa bình ổn, người trồng có thể tự căn chỉnh số lượng cho phù hợp mà không sợ lỗ, thậm chí thu lãi to nhờ các dịp lễ, Tết.
“Từ lúc nới lỏng giãn cách đến nay còn thu lại chút vốn chứ mấy đợt giãn cách xã hội, trồng hoa lỗ nặng nề. Sắp Tết rồi mà thị trường hoa năm nay vẫn im ắng quá. Nhiều người dân còn lo sợ trường hợp dịch bệnh phức tạp, đi lại khó khăn cộng với nhu cầu thấp sẽ khiến hoa rớt giá thê thảm như các vụ trước đó. Nông dân chúng tôi chỉ biết trông chờ vào vụ Tết, với tình hình này chưa biết đường nào mà lần”, ông Hiệp lo lắng.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, các sản phẩm hoa Đà Lạt gần đây có giá ổn định hơn so với trước. Đây là tín hiệu vui để người nông dân tiếp tục đầu tư canh tác. Được biết, tổng diện tích trồng hoa các loại phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán năm 2022 của TP Đà Lạt là 745ha. Trong đó, diện tích hoa cúc là 260ha, hoa hồng 95ha, lay ơn 5ha, hoa lily 30ha, cẩm chướng - salem 200ha và một số loại hoa khác chiếm 85ha. Diện tích này chỉ bằng 70% cho với những năm trước.