Nông dân Thừa Thiên-Huế 'vật vã' xếp hàng chờ bán sắn

(PLVN) - Sau mưa lũ, nhiều diện tích sắn (củ mì) trên địa bàn tỉnh được người dân tập trung thu hoạch để tránh hư hại. Những ngày qua, Nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên - Huế đóng trên địa bàn huyện Phong Điền là nơi thu mua chính sắn cho người dân, tuy nhiên do số lượng sắn đưa về quá nhiều, gây quá tải, khiến việc tiêu thụ khó khăn.
Hàng loạt xe tải lớn, nhỏ nối đuôi nhau xếp hàng dài chờ được bán sắn cho nhà máy

Theo ghi nhận, tại Nhà máy Fococev sáng 10/9, trên tuyến quốc lộ 1A đi qua địa bàn xã Phong An, huyện Phong Điền, hai bên đường nhiều phương tiện vận chuyển sắn như xe tải, xe kéo nằm nối dài cả cây số chờ bán sắn.

Ông Trương Trọng Nghĩa (ngụ thị trấn Phong Điền) cho biết, gia đình ông trồng 5ha sắn, đã thu hoạch được 1ha với khoảng 14 tấn, chia làm hai xe tải chở đến nhà máy. Tuy nhiên đã hơn hai ngày mới nhập được 1 xe với giá 1.300 đồng/kg, thấp hơn năm 2018 khoảng 500-600 đồng/kg. 

Ông Nguyễn Trực (ngụ thôn Đồng Lâm, xã Phong An) trồng 0,5ha sắn, mới thu hoạch chạy lũ được 2 sào (khoảng 2 tấn). Vậy mà xe chở sắn đợi hơn một ngày vẫn chưa thể bán được vì lượng sắn bà con chở đến quá nhiều, trong khi công ty chỉ nhập đến 3h chiều là nghỉ. Nếu tiếp tục để sắn phơi mưa nắng kéo dài, bình quân 10 tấn sắn sẽ hao hụt khoảng 500kg, chất lượng bột giảm, kéo theo đó hư thối, bán mất giá. 

Ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Giám đốc Nhà máy Fococev cho biết, để tránh tình trạng ngập úng do ảnh hưởng mưa lớn, cùng với tâm lý lo sợ thua lỗ, nhiều hộ dân trên địa bàn đã ồ ạt nhổ sắn, thu hoạch đại trà để bán cho nhà máy dẫn đến tình trạng ùn ứ.

Để giải quyết tình trạng này, nhà máy đã tăng cường thu mua, tăng công suất sản xuất. Hiện nhà máy có kho nguyên liệu 4.000 m2 và đang trong tình trạng quá tải, nên sản xuất đến đâu thu mua đến đó, đồng thời ưu tiên thu mua sắn nông dân vùng ngập úng. “Dự kiến nếu không bị ảnh hưởng thời tiết xấu thì vài ngày tới sẽ giải quyết, thu mua hết số sắn của người dân chở đến bán”, ông Đăng nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cũng đã đi kiểm tra và đề nghị lãnh đạo nhà máy phối hợp với chính quyền địa phương có vùng thu mua nguyên liệu thông báo, khuyến cáo người dân bình tĩnh, không khai thác sắn khi chưa đến tuổi, tránh khai thác sắn còn non vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Ông Phương cũng yêu cầu nhà máy bám sát thực tế, giải quyết thấu đáo, bảo đảm những quyền lợi chính đáng cho nông dân.

Hiện diện tích sắn toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế khoảng 7.000 ha, trong đó huyện Phong Điền có hơn 1.000 ha, sản lượng bình quân trên 30 nghìn tấn/năm.

Đọc thêm