Nông nghiệp công nghệ 5.0: Thể chế và chính sách phải mở đường...

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không phải công nghệ 4.0, theo các chuyên gia và doanh nghiệp (DN), nền Nông nghiệp của Việt Nam cần đột phá từ công nghệ 5.0, trong đó DN phải là hạt nhân. Để làm được điều đó, vấn đề không nằm ở công nghệ mà thể chế và chính sách phải mở đường...
Quang cảnh Diễn đàn
Quang cảnh Diễn đàn

Công nghệ 5.0...

Tại "Diễn đàn Nông nghiệp 2024: Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0" do Tạp chí Diễn đàn DN phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức chiều 23/7/2024, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng đã dẫn các số liệu của ngành Nông nghiệp Việt Nam 6 tháng đầu năm, đồng thời khẳng định với kết quả này, ngành nông nghiệp tự tin nâng mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm lên 57-58 tỷ USD, cao hơn 2-3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao từ đầu năm…

Tuy nhiên trong bối cảnh nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức do sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN), Phó Chủ tịch VCCI nhận định nông nghiệp Việt Nam sẽ không thể tiếp tục cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp, thâm dụng lao động và dựa vào tài nguyên. “Cần phải thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp, đó là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp…” - ông Phòng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cuộc CMCN 4.0 đã lan tỏa rộng rãi với sự nỗ lực của nhiều quốc gia trong chuyển đổi số dẫn tới sự phát triển nhanh chóng, đồng thời chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu, như xung đột địa chính trị, tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, thu hẹp diện tích canh tác, trái đất nóng lên, xâm nhập mặn,… thì việc thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các ngành kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng là rất cấp thiết.

Nông nghiệp công nghệ 5.0: Thể chế và chính sách phải mở đường... ảnh 1Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng

Đặc biệt, với ngành Nông nghiệp Việt Nam có chủ thể là hàng chục triệu nông dân với quy mô sản xuất còn nhiều hạn chế, trình độ công nghệ chưa cao, năng suất lao động thấp dễ tổn thương và chịu nhiều tác động của sự phát triển như vũ bão của các ngành công nghiệp.

Bởi vậy, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, cần tiếp cận theo hướng phát triển nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên ứng dụng công nghệ cao (CNC), chứ không đơn thuần chỉ là phát triển nông nghiệp CNC.

Trong khi CMCN 4.0 là sự kết hợp giữa robot, trí thông minh nhân tạo, thiết bị kết nối mạng nhanh và dữ liệu lớn trong một môi trường sản xuất, hoạt động hiệu quả, nhanh chóng của các nhà máy công xưởng phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ thì CMCN 5.0 lại tập trung vào sự hợp tác giữa con người và máy móc, qua đó nâng cao kỹ năng của người công nhân, cung cấp giá trị gia tăng trong sản xuất dẫn đến tùy biến và cá nhân hóa các sản phẩm hàng hóa.

“Cũng chính vì vậy, phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp CNC, ứng dụng công nghệ 5.0 vào nông nghiệp sản xuất hàng hoá đang là một trong những xu hướng được nhiều DN, nông dân, hợp tác xã áp dụng và đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp…” - Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Doanh nghiệp là hạt nhân…

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các DN Nông nghiệp ứng dụng CNC (ATEA), ông Đặng Kim Sơn quả quyết: “Câu trả lời cho vấn đề ứng dụng CNC trong nông nghiệp nằm ở chỗ: làm thế nào để những tập đoàn, DN lớn đang ứng dụng CNC, có thể mở rộng quy mô sản xuất, trở thành hạt nhân lan tỏa và hỗ trợ áp dụng khoa học công nghệ (KHCN) cho các DN vừa và nhỏ cùng với các hợp tác xã và toàn thể nông dân?

Đồng thời cũng tạo điều kiện để các DN áp dụng các mô hình công nghệ tin học vào quản lý, ra quyết định, điều khiển máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất tiến sang sản xuất nông nghiệp tự động hóa, thông minh…”.

Phó Chủ tịch thường trực ATEA Đặng Kim Sơn

Phó Chủ tịch thường trực ATEA Đặng Kim Sơn

Từ thực tế hoạt động của DN, ông Ngô Minh Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH cho biết, 15 năm trước, TH đã bắt đầu thực hành nông nghiệp thông minh, đưa các tiến bộ KHCN vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp bằng cách ứng dụng CNC, KHCN và khoa học quản trị đan xen vào nhau, kết hợp với trí tuệ Việt, tài nguyên thiên nhiên Việt để khởi dựng Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trên nền tảng phát triển bền vững, tạo ra những sản phẩm hàng hóa trong nông nghiệp với sản lượng và chất lượng quốc tế, có lợi cho sức khỏe.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng có lẽ không thể dừng lại ở đó. Tương lai của nông nghiệp sẽ là nông nghiệp thông minh 5.0, và chúng ta cần suy nghĩ, chuẩn bị hướng tới tương lai đó, ở 2 yếu tố: Công nghệ và Con người. ..” - ông Hải khẳng định.

Theo đại diện DN này, một trong những yếu tố quan trọng của nông nghiệp thông minh 5.0 là chú trọng hơn đến sự tương tác giữa con người và máy móc, đồng thời hướng đến mục tiêu sản xuất theo yêu cầu của người tiêu dùng.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH Ngô Minh Hải

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH Ngô Minh Hải

Và Tập đoàn TH đã hướng tới Nông nghiệp 5.0 với những hành động cụ thể: Xây dựng đội ngũ nhân lực có trình độ cao về KHCN, có khả năng làm chủ và vận hành các hệ thống công nghệ tiên tiến; Hợp tác nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ với các đối tác trong nước và quốc tế để nắm bắt, ứng dụng các giải pháp công nghệ mới cho nông nghiệp; Đầu tư vào các hệ thống tự động hóa tiên tiến. Phát triển các mô hình sản xuất theo yêu cầu của người tiêu dùng.

“Vấn đề chính cần đặt ra không phải là giải pháp công nghệ mà trước hết là thể chế và chính sách mở đường. “Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt”, trong quá trình tuần tự trên, vẫn có thể tạo ra những bước đột phá tiên phong. Để làm được việc đó, cần tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích tối đa những DN đầu đàn áp dụng CNC trở thành hạt nhân phát triển tạo tác động lan tỏa cho toàn hệ sinh thái sản xuất kinh doanh…” - Phó Chủ tịch ATEA Đặng Kim Sơn quả quyết…

Đọc thêm