Nông nghiệp – điểm sáng kinh tế 2012

Năm 2012, khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nông nghiệp đã chứng tỏ là điểm sáng kinh tế.

Năm 2012, khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nông nghiệp đã chứng tỏ là điểm sáng kinh tế.

Theo Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, năm 2012 tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cả nước  là 27,5 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm 2011, chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước (khoảng 114,6 tỷ USD). Theo tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn-Ipsard), duy nhất ngành nông nghiệp có giá trị thặng dư thương mại 10,6 tỷ USD, tạo nguồn ngoại tệ quan trọng cho nền kinh tế đất nước, giúp giảm nhập siêu.

g
Ngay trên “sân nhà”, ngành nông nghiệp cũng phải đối mặt với nạn nhập lậu nông sản kém chất lượng

Như vậy, ngành nông nghiệp đã đem ròng về cho đất nước trên 200.000 tỉ đồng - số tiền mà người ta ước tính cần thiết cho cuộc “giải cứu” thị trường bất động sản sắp tới...

Nhưng, người nông dân làm nông nghiệp luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, từ chính sách về đất đai, dịch bệnh, thời tiết, thị trường… Người nông dân vẫn phải phụ thuộc vào thương lái để tiêu thụ hàng hóa, phụ thuộc vào một hai thị trường nhất định tiềm ẩn nhiều bất trắc.

Việc đầu tư cho ngành nông nghiệp cũng đang có vấn đề. Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chiếm tỷ trọng cao trong số 17 tỷ USD nhập khẩu của ngành nông nghiệp là thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư, máy móc nông nghiệp thiết yếu...

Nếu so sánh với các loại hàng hóa nhập khẩu tinh xảo như máy tính, vi mạch, hóa mỹ phẩm... thì các loại hàng hóa nhập khẩu của ngành nông nghiệp nêu trên là vô cùng đơn giản, dễ sản xuất, có thể sản xuất tại Việt Nam. Thế nhưng, suốt nhiều năm qua, những mặt hàng này vẫn phải nhập khẩu bởi sự đầu tư trong nước chưa đúng mức và sản phẩm sản xuất trong nước chất lượng còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Ngay trên “sân nhà”, ngành nông nghiệp cũng phải đối mặt với nạn nhập lậu nông sản kém chất lượng, lạm dụng hóa chất cấm trong nuôi trồng, nạn đầu cơ tăng giá các mặt hàng phục vụ nông nghiệp… Vất vả “một nắng hai sương” góp phần đem lại những con số đẹp cho ngành nông nghiệp, nhưng bà con nông dân vẫn phải chịu cuộc sống vất vả.

Đời sống nông dân và vùng nông thôn luôn có một khoảng cách chênh lệch về thu nhập ngày càng lớn cũng như những hạn chế về tiện nghi đời sống so với người dân đô thị và công nghiệp. Theo Tiến sĩ Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp miền Nam, nếu như thu nhập bình quân người dân cả nước (năm 2011) khoảng 1.200 USD/người/năm thì thu nhập bình quân của bà con nông dân chỉ khoảng 700 USD/người/năm, trong đó, người nông dân trồng lúa chỉ có thu nhập bình quân 380 USD/người/năm.

Mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có văn bản chỉ đạo thông báo số 9/TB-VPCP Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tập trung thực hiện công tác quy hoạch, tái cơ cấu ngành... để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ngành nông nghiệp.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong năm 2013, ngành nông nghiệp cần phải tập trung vào công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch phát triển sản xuất gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ. Quy hoạch phát triển hạ tầng phục vụ nông nghiệp. Cần tổ chức sản xuất theo hướng hàng hoá quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm, hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ trên thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Đối với một số ngành sản xuất hàng hóa lớn, xuất khẩu chủ lực, có tác động đến sinh kế thu nhập của nhiều hộ nông dân, phải kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề xuất cơ chế chính sách cụ thể, đảm bảo vốn cho sản xuất, thu mua, tạm trữ, chế biến phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Phải ưu tiên vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực của xã hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Trường Lưu

Đọc thêm