Nông nghiệp, nông thôn, nông dân đều chuyển mình mạnh mẽ sau 10 năm

(PLO) - Sáng 7/9, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết TW7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hội nghị là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện nghị quyết về "tam nông". 
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: Tính đúng đắn của một Nghị quyết mang tầm chiến lược của Đảng đối với một khu vực chiếm gần 70% dân số và khoảng 40% lực lượng lao động của cả nước đã được khẳng định.

Trong 10 năm qua, nông nghiệp luôn duy trì được tăng trưởng và phát triển khá toàn diện, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn; tiếp tục khẳng định được vị thế quan trọng trong nền kinh tế. Sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng; giá trị và sản lượng nhiều nông sản đều tăng mạnh, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong 5 năm (2013-2017), chủ trương cơ cấu lại được ngành tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và xuyên suốt, đang tạo chuyển biến tích cực, rõ nét, đó là: Đã tạo được sự thống nhất cao của toàn xã hội về tính tất yếu khách quan và yêu cầu cấp bách phải thay đổi căn bản nền sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển mạnh mục tiêu số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng (63 tỉnh/TP đều đã phê duyệt và triển khai đề án hoặc kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp trên địa bàn.

Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu thể hiện rõ kết quả tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như thủy sản (nhất là tôm nước lợ), rau, hoa, quả, cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Nhờ đó, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng nhanh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tạo nguồn thu ngoại tệ quan trọng, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước.

Hiện, thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn tăng từ 75,8 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 130 triệu đồng năm 2017, đã góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn (bình quân 1,5%/năm), nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn.

Bên cạnh đó, Phong trào xây dựng nông thôn mới sau 8 năm (2010 – 2018) đã có sức lan tỏa cao, trở thành phong trào sâu rộng với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, văn minh, hiện đại hơn. 

Đọc thêm