Nông nghiệp tiếp tục khẳng định trụ đỡ nền kinh tế

(PLVN) - Trong bối cảnh nhiều ngành kinh tế đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp vẫn có sự bứt phá mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vị trí trụ đỡ của nền kinh tế…
Ngành nông nghiệp vẫn khẳng định vai trò trụ cột trong nền kinh tế.
Ngành nông nghiệp vẫn khẳng định vai trò trụ cột trong nền kinh tế.

Chăn nuôi tăng trưởng 6,7%

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, tình đến hết tháng 7, tất cả các nhóm thực phẩm đều tăng: Thịt gia cầm tăng 12%, thịt bò tăng 6,5%, thủy sản tăng 1,6%,… Bộ NN&PTNN nhận định, kế hoạch cả năm gần 5,8 triệu tấn thịt (lợn, bò, gà,…), cùng với chỉ tiêu 8,4 triệu tấn thủy sản, 14 tỷ quả trứng và 1,1 triệu tấn sữa về cơ bản sẽ được đảm bảo.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, bước vào năm 2020, khó khăn nhất vẫn là suy giảm nguồn cung thịt lợn do dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Thú y, đến tháng 8/2020 tình hình tái đàn và tăng đàn lợn ở các địa phương, DN chăn nuôi lợn đã cơ bản thực hiện. Đến cuối tháng 7/2020 tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 25,18 triệu con, tương đương 81,9% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh DTLCP (trên 31 triệu con vào 31/12/2018). 

Phát biểu tại Hội nghị phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản đầu tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường ghi nhận kết quả ngành chăn nuôi trong 8 tháng đầu năm 2020 với mức tăng trưởng 6,7%. Theo Bộ trưởng đánh giá, đây là tốc độ tăng trưởng khá cao của ngành chăn nuôi, nhưng lại rất đồng bộ, toàn diện khi cả gia súc, gia cầm và thủy sản đều tăng trưởng tốt.

Đặc biệt, đến nay 98% số xã bị DTLCP đã được khống chế qua 30 ngày. Mặc dù vẫn xuất hiện một số ổ dịch cúm gia cầm lẻ tẻ, song chưa khi nào đàn gia cầm Việt Nam đạt xấp xỉ 500 triệu con như hiện nay. Người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định, chăn nuôi đang là lĩnh vực đóng góp chính cho ngành nông nghiệp…

 

Xuất siêu nông nghiệp chiếm hơn 50% giá trị chung

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở trong nước và trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam.  Báo cáo Tổng cục Thống kê cho biết, tổng kim ngạch XNK hàng hóa 8 tháng năm 2020 ước tính đạt 336,32 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu (XK) đạt 174,11 tỷ USD, tăng 1,6%; nhập khẩu đạt 162,21 tỷ USD, giảm 2,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng ước tính xuất siêu 11,9 tỷ USD.

Theo Báo cáo của Bộ NN&PTNT, 8 tháng năm 2020, tổng kim ngạch XNK hàng nông lâm thủy sản ước đạt gần 46 tỷ USD, trong đó XK ước đạt 26,1 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu ước khoảng 19,9 tỷ USD, giảm 2,5%; xuất siêu khoảng 6,2 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019. 

Như vậy, mặc dù trong 8 tháng năm 2020, kim ngạch XK của hầu hết các mặt hàng nông sản đều giảm so với cùng kỳ năm trước song xuất siêu trong lĩnh vực này đã có mức tăng kỷ lục, đạt 6,2 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, 8 tháng năm 2020, xuất siêu trong lĩnh vực nông lâm thủy sản chiếm hơn 52%  giá trị xuất siêu chung của cả nền kinh tế. 

“Điểm sáng” trong XK nông lâm thủy sản 8 tháng đầu năm là lâm sản và gạo khi XK lâm sản đạt trên 7,8 tỷ USD, tăng 10,3%, XK sản phẩm gạo đạt 2,2 tỷ USD, tuy giảm 1,7% về lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị ...

Được biết, trong công văn gửi Bộ KH&ĐT về  kịch bản tăng trưởng, các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bộ NN&PTNT dự kiến tăng trưởng toàn ngành phấn đấu đạt 2,6 - 3%, trong đó, nông nghiệp tăng 2,85%; thủy sản tăng 3,0%; lâm nghiệp tăng 2,57%. Phấn đấu tổng kim ngạch XK nông lâm thủy sản năm 2020 khoảng 41 tỷ USD…

* TS Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia:

“Không chỉ là trụ đỡ, nông nghiệp còn là hy vọng lớn để nền kinh tế bật dậy sau đại dịch…”

Dịch Covid-19 đã lan ra toàn cầu rất nhanh, trở thành một yếu tố kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.. Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, Việt Nam là một trong 3 nước chịu tác động mạnh nhất…

Tuy nhiên, chính qua đợt dịch này mới thể hiện rõ, đâu là thế mạnh của Việt Nam. Trong khi công nghiệp bị đình đốn ngay ở khâu sản xuất, du lịch đình đốn đi lại thì nông nghiệp vẫn mùa vụ như thế, hoa trái đến mua vẫn nở. Bằng chứng là chúng ta vẫn đang XK tốt trong bối cảnh dịch dã. 

Theo tôi, thế mạnh lớn nhất, dài hạn nhất của Việt Nam chính là nông nghiệp. Nông nghiệp không chỉ là trụ đỡ trong bối cảnh này mà còn là hy vọng lớn để kinh tế Việt Nam bật dậy sau khi hết dịch…

Nhưng nói chung chung nông nghiệp là thế mạnh thì không ổn, phải vào cuộc, phải có tầm nhìn dài hạn và một chiến lược cụ thể, phải xuống ruộng thực sự cùng với nông dân. Bộ NN&PTNT nên có chương trình quy hoạch lại thời vụ, tránh những vấn đề thiên tai, hạn hán, hạn mặn…, điều chỉnh thời vụ giống như chúng ta đã điều chỉnh thời vụ lúa để tạo ra một năm vô cùng năng suất như năm nay…

* Bất chấp khó khăn, xuất khẩu gỗ “cầm chắc” mốc 12 tỷ USD năm nay

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, ước giá trị XK gỗ và lâm sản 8 tháng năm 2020 đạt 7,83 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 29,9% giá trị XK của ngành nông nghiệp. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,32 tỷ USD, tăng 9,6%, lâm sản ngoài gỗ 511 triệu USD, tăng 21,6%.

8 tháng đầu năm 2020, thị trường XK gỗ và lâm sản chủ yếu của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc với tổng giá trị XK 7 tỷ USD, chiếm 89,5% giá trị XK lâm sản của Việt Nam. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, bên cạnh, các thị trường truyền thống thì một số thị trường tiềm năng có cơ hội mở rộng phát triển mới trong XK gỗ như Canada, Nga, Ấn Độ… 

Mặt khác, thị trường thương mại đồ nội thất và đồ gỗ của thế giới rất lớn (khoảng 430 tỷ USD giá trị thương mại đồ nội thất, trong đó khoảng 150 tỷ USD giá trị thương mại của đồ gỗ), trong khi kim ngạch XK đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu nên các DN có cơ hội mở rộng, phát triển thị phần. Việt Nam lại có nhiều mặt hàng XK có thế mạnh như: gỗ ghép thanh, đồ mộc xây dựng, ghế ngồi, các đồ nội thất và bộ phận đồ nội thất, ngoại thất, viên nén năng lượng… Đặc biệt, nhóm đồ nội thất có giá trị XK lớn nhất trong các nhóm hàng, XK gỗ và lâm sản được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong thời gian tới .. 

Đó là lý do Thứ trưởng Hà Công Tuấn đưa ra mục tiêu XK lâm sản năm nay phải đạt từ 12, 5 tỷ USD và đạt 18-20 tỷ USD vào năm 2025.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam hiện đang đứng đầu ASEAN, đứng thứ 2 châu Á, thứ 5 thế giới về XK gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản. Bộ trưởng cũng khẳng định, XK lâm sản năm nay sẽ vượt 12 tỷ USD và mục tiêu 20 tỷ USD vào năm 2025 là trong tầm tay, thậm chí còn có thể cao hơn...

Trao đổi với PLVN, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho rằng, ngành chế biến gỗ XK của Việt Nam hiện đã trở thành một ngành phát triển năng động nhất hiện nay. Sự năng động thể hiện qua các chỉ số như kim ngạch XK không ngừng tăng hàng năm, thường ở mức 2 con số. Chủ tịch VIFOREST cũng cho rằng nếu không có dịch Covid-19, tăng tưởng của ngành gỗ có khả năng đạt 30% và con số trên 12 tỷ USD kim ngạch XK trong năm nay vẫn là con số “khiêm tốn”…

* Xuất khẩu gạo:

Giảm về lượng nhưng tăng mạnh về giá trị

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, 8 tháng năm 2020, tổng khối lượng và trị giá XK gạo của Việt Nam đạt 4,5 triệu tấn và 2,2 tỷ USD, giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Việt Nam hiện là nước có sản lượng và giá trị XK gạo cao thứ 2 thế giới trong bối cảnh chống đại dịch Covid-19 toàn cầu. 

Điều đáng mừng là giá gạo XK Việt Nam tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2011 do tác động từ yếu tố mùa vụ, hiện vụ thu hoạch Hè Thu đã gần kết thúc nên nguồn cung bị thu hẹp hơn.

Trong tháng 8/2020, một trong những điểm nhấn đáng lưu ý nhất là mức giá XK gạo Việt sang thị trường EU đã chạm tới con số kỷ lục hơn 1.000 USD/tấn sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8.

Cụ thể, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP. Cần Thơ) đã ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo cho 3 khách hàng của Đức với 2 giống gạo thơm là ST20 và Jasmine. Giá gạo ST20 mà DN này XK sang EU đạt trên 1.000 USD/tấn, gạo Jasmine đạt khoảng 600 USD/tấn trong khi trước đó, khi EVFTA chưa có hiệu lực, giá gạo ST20 XK sang EU khoảng chỉ khoảng 800 USD/tấn, gạo Jasmine là 520 USD/tấn. Việc được giảm thuế cộng với thị trường gạo đang sôi động đã đẩy giá gạo tăng cao.

* Xuất khẩu lô tôm đầu tiên sang thị trường EU theo Hiệp định EVFTA

Hôm qua, 11/9, tại Khu công nghiệp Thành Hải, TP Phan Rang-Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận và đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam tổ chức Lễ XK lô sản phẩm tôm đông lạnh của Việt Nam, trực tiếp là của Công ty TNHH Thông Thuận đi một số nước châu Âu theo Hiệp định EVFTA.

Theo EVFTA, ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế XK một số mặt hàng tôm Việt Nam sang EU có mức thuế hiện nay là 12% đến 20% sẽ về 0% ngay như tôm sú đông lạnh. Sau 5 đến 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, một số mặt hàng tôm khác sẽ được điều chỉnh về 0%. Tận dụng cơ hội này, từ đầu tháng 8 đến nay, XK thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020. Trong đó mặt hàng tăng tập trung nhiều vào tôm và mực… 

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, EVFTA được thực thi DN thủy sản đã có thêm lợi thế về thuế suất cũng như thuận lợi hơn các thủ tục pháp lý liên quan sang EU.

Riêng trong tháng 7/2020, XK tôm của Việt Nam sang EU đạt hơn 54 triệu USD, tăng 2% so với tháng 7/2019. Bộ NN&PTNT dự kiến,  XK tôm sang EU tháng 8 năm nay có thể tăng khoảng 20% so với tháng 8/2019. Từ nay đến hết năm, XK tôm Việt Nam sang EU dự kiến sẽ tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19.

Đọc thêm