“Nóng” quá tải bệnh viện và chế độ cho cán bộ công chức!

Hôm qua 26/3, Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Nội vụ đã trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hôm qua 26/3, Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Nội vụ đã trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quá tải bệnh viện một phần do tâm lý người bệnh?
Được tổ chức trực tuyến, các câu hỏi mà Bộ trưởng Y tế nhận được từ các Đoàn đại biểu Quốc hội chủ yếu về tình trạng quá tải bệnh viện (BV), nguồn lực đáp ứng yêu cầu phòng chữa bệnh, vấn đề y đức, viện phí, giá thuốc…
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Cù Thị Hậu (Hưng Yên), Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)…đều chung mối lo về tình trạng quá tải BV, bệnh nhân phải nằm ghép, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp của ngành Y tế?
Bộ trưởng Tiến cho biết, giảm tải BV là một trong những vấn đề trọng tâm của ngành y tế cần giải quyết trong giai đoạn 2011 – 2016. Hiện theo tính toán là 20 giường/10.000 dân, nên tình trạng quá tải là điều dễ hiểu. “Giải pháp đầu tiên là phải tăng số giường bệnh”, Bộ trưởng Y tế khẳng định. Bộ Y tế đang xây dựng Đề án về vấn đề này (dự kiến sẽ trình Chính phủ vào tháng 6 tới đây), trong đó có nhiều giải pháp về kinh phí, nguồn lực, chuyên môn… 
l Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến:  “Nhiều vấn đề không thể giải quyết trong một sớm một chiều”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Nhiều vấn đề không thể giải quyết trong một sớm một chiều”.
Chưa thỏa mãn với trả lời của Bộ trưởng Y tế, nhiều ĐB tỏ ra sốt ruột khi lời hứa giảm tải tại BV được đưa ra từ nhiệm kỳ Quốc hội trước đến nay chưa giải quyết được bao nhiêu, bà Tiến nhiều lần nhấn mạnh lý do từ tâm lý người dân. “Đẻ thường không cần đến BV C (Hà Nội) hay Từ Dũ (Tp.HCM) nhưng nhiều người có điều kiện vẫn cứ dồn đến đây”, Bộ trưởng Tiến nói.
Liên quan đến vấn đề nguồn lực cho ngành Y tế, ĐB Nguyễn Thị Hương (Nghệ An) cho rằng, việc đào tạo bác sĩ cho y tế dự phòng chưa được quan tâm, hầu hết bác sĩ được đào tạo bài bản không muốn phục vụ trong lĩnh vực này, dẫn đến công tác y tế dự phòng tuyến cơ sở bị coi nhẹ trong khi bệnh dịch nhiều. Bộ trưởng Tiến cho biết, nguồn lực cho lĩnh vực y tế dự phòng hiện rất thiếu và yếu. Cạnh đó, tâm lý học sinh cũng không mặn mà với ngành học này. Có những tỉnh 5 – 6 năm không tuyển được một bác sĩ y tế dự phòng.
 “Chốt” phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Y tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng rốt ráo: “Bây giờ Bộ trưởng nói xem từ khi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng đã làm được gì, Năm nay, sang năm và đến 2015 những tồn tại trong ngành y tế có chuyển biến không? chuyển biến đến mức độ nào?”
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn: “Chúng tôi xác định có 7 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ. Đến nay đã làm được một số việc. Giảm tải sẽ cố gắng cho một số BV nóng bỏng nhất trong năm 2013; tiến tới xây dựng các BV vệ tinh nằm trong hệ thống BV”. Tuy nhiên, có những vấn đề theo Bộ trưởng không thể một sớm một chiều, cần sự chung tay của các ngành.
“Chúng tôi cũng áp lực”
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Nguyến Thái Bình cũng đã đăng đàn trả lời chất vấn. Mở  đầu, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) gay gắt: “Chất lượng cán bộ của ta còn nhiều vấn đề, nhiều người phải cầm tay chỉ việc. Có phải ta chỉ dựa bằng cấp mà chưa coi trọng chất lượng thực sự. Có phải áp lực bằng cấp dẫn đến chạy điểm, mua bằng?”. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình ghi nhận và hứa sẽ tiếp tục phối hợp với  Bộ GDĐT để hạn chế tình trạng “học giả bằng thật”. 
Trả lời câu của hỏi của ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) và Nguyễn Thị Bé (Kiên Giang) về vấn đề tổ chức bộ máy và chế độ chính sách cho cán bộ cấp xã. Bộ trưởng Bình cho biết, Bộ Chính trị đã giao Bộ Nội vụ xây dựng Đề án chế độ chính sách cán bộ cấp xã và Đề án cán bộ về công tác tại những vùng khó khăn. Trên cơ sở đó, cùng với việc tổng kết các Nghị quyết của Đảng về vấn đề này, Bộ sẽ tham mưu cơ chế chính sách đối với cán bộ cấp xã cho phù hợp tình hình. 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình: “Thứ trưởng nhiều, chúng tôi cũng cảm thấy áp lực…”.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình: “Thứ trưởng nhiều, chúng tôi cũng cảm thấy áp lực…”.
Nhiều ĐB nhận định tiền lương tối thiểu hiện cho cán bộ công chức không đủ sống, Bộ trưởng Nội vụ ghi nhận: Bộ đang xây dựng chương trình tổng thể  giải quyết tiền lương. Hướng chung của đề án là đảm bảo nhu cầu tối thiểu của cán bộ công chức, thống nhất bảo đảm rồi mới tính ngạch bậc…
Trước câu hỏi của ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) về tình trạng hiện nay rất nhiều Bộ có đến 7, 8 thứ trưởng, nhiều tổng cục vẫn “phình” ra. Vậy tinh giảm bộ máy ở đây là như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận: Theo Nghị định 178/CP, một Bộ có 4 thứ trưởng nhưng thực tế con số đó là nhiều hơn, “Chúng tôi cũng cảm thấy đây là áp lực. Tuy nhiên, vì Nghị định nói trên có quy định cơ chế mở: trường hợp đặc biệt số thứ trưởng do cấp có thẩm quyền quyết định. Quá trình sửa đổi Nghị định này, Bộ Nội vụ sẽ  xin ý kiến xem nên quy định “mở” ở mức nào”.
Cùng với các vấn đề về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng chế độ chính sách với đội ngũ cán bộ, công chức viên chức, cán bộ cấp xã phường, nhiều ĐB chất vấn Bộ trưởng về các giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình bị Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhắc nhở “còn khái quát, cần cụ thể hơn”.
Thu Hằng

Đọc thêm