Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết như trên khi tham dự Tọa đàm với chủ đề: “Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động” diễn ra chiều 28/10 do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.
Tại Tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhớ lại thời gian còn làm lãnh đạo địa phương, ông cũng rất chú trọng công tác truyền thông khi đưa quả xoài Đồng Tháp sang Mỹ, bán được giá cao hay sau đó quả vải, thanh long… của Việt Nam lần lượt “xuất ngoại”. Theo ông, vui thật, cảm xúc thật nhưng buồn lắm lâu lâu mới được vài thương vụ vì nông sản của nước ta đang đi “rụt rè”, ở phân khúc nhiều rủi ro (trong các cửa hàng của người gốc Á), chứ chưa đi vào hệ thống chính quy của họ để định hình thương hiệu nông sản của một quốc gia.
Ông chia sẻ, Đại sứ Việt Nam tại EU cho biết, nông sản Việt Nam mới chiếm 1% nhu cầu trong tỷ trọng nhập khẩu nông sản của châu Âu. Bởi vậy, chúng ta còn quá nhiều việc phải làm để có thể tự hào về nông sản Việt Nam, đòi hỏi chiến lược dài hơi trong nhiều năm nữa, chứ không vì một vài chuyến hàng mà cho rằng nông nghiệp của chúng ta chiếm lĩnh được thị trường khó tính.
Cùng dự Tọa đàm, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam Vũ Tiến Lộc bày tỏ sự đồng tình khi cho rằng, nông nghiệp Việt Nam có nhiều bước chuyển mình quan trọng nhưng đến nay vẫn là nền nông nghiệp ở trình độ thấp so với thế giới. Sản phẩm chủ yếu thô, thậm chí gia công, giống, phân bón, thuốc trừ sâu… toàn phải nhập khẩu từ nước ngoài nên giá trị gia tăng không cao, chất lượng tương quan so với thế giới thấp, không có thương hiệu khiến sản phẩm không vào phân khúc cao của thị trường.
Trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp trọng yếu, ông Lộc đặt vấn đề, phải chăng nông nghiệp Việt, doanh nghiệp Việt phải giữ vị trí tương tự doanh nghiệp FDI, thậm chí là chủ đạo (như thị trường sữa thì doanh nghiệp Việt Nam giữ vị trí chủ đạo) thì mới có nền kinh tế tự chủ, mang lại giá trị gia tăng cao. Đây là vấn đề quan trọng, chứ đừng vài thương vụ nhỏ lẻ mà đã ảo tưởng nông nghiệp Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thế giới.
Ông Lộc gợi ý, với lợi thế của nước ta, nếu phát triển hướng hữu cơ, đặc sản, thuận thiên thì chất lượng, giá trị sản phẩm sẽ cao hơn. Ông Lộc cho rằng, đại dịch COVID đặt ra bài toán đòi hỏi chúng ta phải ứng phó, phải tái cấu trúc lại nền nông nghiệp, đưa công nghiệp, đưa phố về nông thôn, tức là gắn kết đô thị với nông thôn.
Tái cấu trúc nền nông nghiệp cũng liên quan đến việc tạo ra những nền tảng để nông dân, các doanh nghiệp, người tiêu dùng có thể tương tác với nhau như Nghị quyết của Đảng đã nói “doanh nghiệp là trung tâm, hộ nông dân là chủ thể, Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt”. Bằng cách đó, nông nghiệp sẽ phát triển theo mô típ mới của kinh tế chia sẻ, kinh tế số…
Trong bối cảnh thích ứng an toàn, phục hồi kinh tế hiện nay, theo Bộ trưởng Hoan, chúng ta cần đưa kinh tế nông thôn trở thành một chương trình có sự tham gia của Nhà nước. Đơn cử dựa trên nông sản của địa phương, nếu chúng ta chú trọng vào chế biến, phân loại, bảo quản thì vừa tăng giá trị vừa tạo thêm rất nhiều việc làm cho nông dân ngay tại địa phương.
Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là xây dựng tinh thần làm chủ của người nông dân, xây dựng con người nông dân mới nhằm thay đổi chất lượng sống của người nông dân, trong đó huấn luyện đội ngũ khuyến nông – khai tâm, khai trí người nông dân để bằng sáng kiến, năng lực của mình, người nông dân sẽ tự làm, tự phát triển.
Ông Lộc còn cho rằng, cần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong đội ngũ nông dân bởi nền nông nghiệp là kinh tế nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp, doanh nghiệp hoá nông dân là một bước đi, bản chất là đầu tư tìm ra lợi nhuận, làm giàu cho mình.