NS Nguyễn Ánh 9 mong được ra đi bên cây đàn trên sân khấu

(PLO) - Khi bước lên sân khấu với “linh hồn” của mình, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 quên hết, đặt bàn tay lên phím đàn là không biết xung quanh tồn tại những điều gì. Kể cả khi đau ốm, được lên sân khấu, ông như chưa hề có bệnh. Và ông cũng có một nguyện ước kỳ lạ, nếu được chết bên cây đàn trên sân khấu, ông sẽ thấy hạnh phúc, viên mãn nhất.
NS Nguyễn Ánh 9 mong được ra đi bên cây đàn trên sân khấu
May mắn khi có người bạn đời tuyệt vời
Tới Hà Nội trong một ngày mùa hạ, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã khiến nhiều nghệ sĩ cảm thấy xót xa vì ông đã gầy hơn rất nhiều. Ông sút hơn 6kg vì sức khoẻ không được tốt, hiện tại đang phải điều trị chứng nghẹt mũi và ho. Vị nhạc sĩ có ngón đàn điêu luyện, cùng với bao tình khúc để đời đã nằm lòng với nhiều trái tim yêu nhạc thật  khiêm tốn, giản dị. Ông nhỏ nhẹ chia sẻ về âm nhạc và cuộc đời của mình một cách xúc động, đôi lúc mắt ông rưng rưng ngấn lệ và bờ vai gầy guộc khẽ rung lên.
Khi nhắc tới người bạn đời của mình, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 thốt lên với vẻ tự hào:"Tôi là một người đàn ông rất may mắn, tôi may mắn được gặp một người vợ hội đủ tất cả các vai trò của người phụ nữ: Một người mẹ, một người chị, một người bạn, một người yêu. Khi tôi lấy vợ tôi thì khi đó tình cảm chỉ cao hơn tình bạn một chút thôi! 
Rồi qua năm tháng, với tất cả những tình cảm vợ tôi dành cho tôi thì chúng tôi không chỉ gắn bó thêm, sâu đậm hơn, thấu hiểu hơn. Tình yêu của vợ chồng tôi không phải bất chợt tới, vì những gì bất chợt tới nó sẽ bất chợt đi. Còn  tình cảm vợ chồng tôi cứ từ từ thấm dần và không thể nào cách xa được".
Ông cũng kể rằng vợ ông đóng vai trò như một đồng nghiệp. Tất cả các ca khúc ông viết ra vợ ông đều góp ý, nhận xét rất kỹ lưỡng. Đơn cử như ca khúc Lặng lẽ tiếng dương cầm. Ban đầu nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 viết: "Lặng lẽ một tiếng đàn trong đêm, một nỗi buồn không tên, một tình yêu tôi đã quên" và khá tâm đắc với ca từ này. Tuy nhiên, sau khi hát cho vợ nghe xong, bà đã góp ý sửa lại như sau: "Lặng lẽ một tiếng đàn trong đêm, một nỗi buồn không tên, một tình yêu đâu dễ quên". Đổi từ "tôi đã quên" thành "đâu dễ quên" khiến cho bài hát này sâu sắc hơn rất nhiều.
Người vợ của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cũng là một nghệ sĩ múa, do đó bà có nhạc cảm rất tốt, cùng với sự tinh tế và trái tim bao dung, bà thường góp ý cho chồng những ý kiến quý giá.
Trân trọng và hết mực yêu thương người vợ của mình, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và vợ đều lên chức "cố" ở ngoài Bắc gọi là "cụ" rồi, nhưng họ vẫn xưng hô rất tình cảm là anh - em.
Sẽ trút mọi tâm tư vào liveshow “Kỷ niệm”
Liveshow “Kỷ niệm” của Nguyễn Ánh 9 diễn ra vào hai đêm 16 -17/5/ 2015 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Điều vị nhạc sĩ này tâm đắc nhất trong “Kỷ niệm” đó là được diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội-một địa chỉ mà ông cho rằng đặc biệt phù hợp với tiếng dương cầm và những bài hát của ông. Ông coi liveshow này như một phần thưởng của đời mình. Tại sao ông chọn thời điểm này làm liveshow, ông chia sẻ, tác phẩm của ông thường hợp với mùa lạnh giá, nhưng mùa nào thì cũng có sự cô đơn riêng của nó, và đều có những góc lặng cho các tác phẩm của ông.
Sự khác biệt lớn nhất của “Kỷ niệm” là không quy tụ nhiều “sao” đình đám mà hội tụ những ca sĩ Hà Nội hát nhạc Nguyễn Ánh 9 bằng cả trái tim. Những ca sĩ đó xứng đáng ở cạnh Nguyễn Ánh 9 và  đưa những bài hát của ông tới khán giả Hà Nội. Và đặc biệt, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 mong muốn phần lớn ca sĩ hát đêm nhạc của ông lần này là ca sĩ Hà Nội như NSƯT Đức Long, NSƯT Kim Tiến, Lê Hiếu, Minh Thu, Ngọc Châm, nhóm Con gái… cùng nhiều nghệ sĩ Hà Nội yêu tác phẩm của ông. Ông nói, ông có cảm giác khá lạ khi nghe ca sĩ Hà Nội hát nhạc phẩm của mình, dường như có gì đó vui hơn, khác lạ hơn.
Cũng trong liveshow “Kỷ niệm”, ngoài việc nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 sẽ trút bầu tâm sự, sẻ chia về mọi câu chuyện đời, chuyện tình gắn với âm nhạc của ông thì khán giả sẽ được chứng kiến tiết mục song tấu của hai cha con Nguyễn Ánh 9 và Nguyễn Quang. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 luôn ánh lên niềm tự hào trên khóe mắt. 
Ông bảo: "Nếu mà nói trên sân khấu của Việt Nam mà hai cha con là nhạc công biểu diễn chung trên sân khấu sẽ không phải bản hòa tấu bình thường, mà sẽ là sự thăng hoa của cảm xúc, sự ăn khớp hòa nhịp của tình phụ tử đưa lên tới tột đỉnh. Chỉ có âm nhạc mới nói lên được tất cả, gắn kết tất cả và là phép màu diệu kỳ để cộng hưởng niềm hạnh phúc cũng như xúc cảm của nghệ sĩ, của cha và con.
Thông qua liveshow này, tôi muốn nhắn nhủ rằng, tình yêu âm nhạc của gia đình chúng tôi là  vô bờ. Chính âm nhạc mới có thể giúp chúng ta làm những việc mà bình thường không thể làm được. Âm nhạc nói lên tiếng lòng, nói lên tình cảm sâu xa mà chỉ âm nhạc mới hóa giải và truyền tải được".
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, tác giả của những tình khúc lãng mạn như: Ai đưa em về, Biệt khúc, Cô đơn, Không, Buồn ơi! Ta xin chào mi, Bơ vơ, Tình khúc chiều mưa... đã ở tuổi 75. Ông mắc căn bệnh ngạt thở mãn tính và luôn phải nhờ tới sự trợ giúp của thuốc. Sức khỏe của ông không được tốt, bởi  vậy nhạc sĩ Nguyễn Quang - con trai cả của ông và ca sĩ Ngọc Châm phối hợp thực hiện đêm nhạc để làm “Kỷ niệm” dành tặng người cha đáng kính của mình. Kỷ niệm cũng là tên một ca khúc của Nguyễn Ánh 9. 
Một cuộc đời âm nhạc của ông cũng sẽ được khắc hoạ sâu sắc, từ những khi cơ hàn, khó khăn, đến khi thăng hoa rồi những gập ghềnh, trắc trở của cuộc sống, đủ mọi điều hỉ nộ ái ố…. Liveshow “Kỷ niệm” là dịp ông tri ân khán giả đã yêu mến âm nhạc của ông suốt bao năm qua. “Kỷ niệm” là cơ hội để ông được sẻ chia, thổ lộ mọi tâm tư, tình cảm của ông với người hâm mộ. 
Suốt buổi trò chuyện, có đôi lần nhạc sĩ húng hắng ho, phải ngừng lại nghỉ ngơi một chút. Vì thế, khi thoáng lo ngại với sức khỏe của ông thì ông lắc đầu xua đi. Bởi khi bước lên sân khấu với “linh hồn” của mình là ông quên hết, đặt bàn tay lên phím đàn là không biết xung quanh tồn tại những điều gì, giống như lên đồng vậy. Kể cả khi ốm nhất, được lên sân khấu, ông như chưa hề ốm, chưa hề bệnh.
Cũng có nhiều người thấy nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tuy lớn tuổi nhưng vẫn còn “lọ mọ” đi làm, đi đàn cho ca sĩ, hiếm có người chịu khó như ông, người ta thường nói, lớn tuổi rồi ở nhà cho khỏe, cần gì phải kiếm tiền. Với ông, đi làm, đi đàn không phải để kiếm tiền mà đi làm để tận hưởng niềm đam mê âm nhạc của chính mình.