NSND Hoàng Dũng trải lòng về ’người tình trăm năm’

 Anh hiếm khi cười, và nếu có, cũng không cười thoải mái. Có cảm giác mọi cung bậc tình cảm, khi buộc phải phơi bày ra bên ngoài, luôn được chủ nhân tiết chế tới mức tối đa.

Ai cũng nhận ra anh trên đường phố, không ai gọi anh là ngôi sao, và cũng không ai gọi anh là “ông nghệ sỹ”, nhưng cũng ít ai biết tường tận về Hoàng Dũng.

Sinh trưởng trong một gia đình Hà Nội gốc, nhưng Hoàng Dũng đùa rằng anh là người “không có quê”, nên mỗi lúc buồn sầu ngoài phố phường Hà Nội, chẳng có chỗ nào để đi về “trú ẩn”.

Nỗi ham vui thời trẻ

Hoàng Dũng ngoài đời dễ khiến người đối diện liên tưởng tới hình ảnh một công chức mẫn cán, mẫu mực. Ở anh không có những nét cá tính, vẻ bề ngoài và biểu hiện lập dị - những điều vốn thường hay gán cho giới nghệ sĩ. Khác với giọng nói mang âm lượng khoẻ, vang và có chiều sâu biểu cảm trên sân khấu, ngoài đời anh nói năng rất nhỏ nhẹ.

NSND Hoàng Dũng
NSND Hoàng Dũng

Anh hiếm khi cười, và nếu có, cũng không cười thoải mái. Có cảm giác mọi cung bậc tình cảm, khi buộc phải phơi bày ra bên ngoài, luôn được chủ nhân tiết chế tới mức tối đa. Chỉ có “Sân nhà” và “Sân khấu” mới thực sự là “người tình trăm năm” của anh, mới khiến anh trở nên hoạt bát. Và cũng chỉ trong nhưng giây phút trải lòng như thế, tôi mới cảm giác mình “bắt được” con người thật của anh.

Hoàng Dũng đến với nghệ thuật hoàn toàn tình cờ, do sự ham vui của tuổi trẻ. Trong thời gian chờ kết quả thi đại học, mấy đứa bạn cùng khu phố rủ thi tuyển vào Trường Sân khấu Điện ảnh. Đang lúc rỗi rãi, Hoàng Dũng theo chúng bạn cho biết thôi, không ngờ đỗ thật.

Anh kể lại, nếu không có sự bảo lãnh của thầy giáo, NSND Huỳnh Nga, Hoàng Dũng đã không được trở lại Trường Sân khấu Điện ảnh. Lý lẽ để NSND Huỳnh Nga thuyết phục ban giám hiệu là: “Đào tạo 100 kỹ sư, còn hy vọng được khoảng 60 người thành nghề. Còn nghề này, cả khóa may ra trông chờ được một, hai em. Hoàng Dũng là một, hai em mà tôi đặt hy vọng”.

Hết mình với nghề

Ân nghĩa của người thầy khiến Hoàng Dũng tự nhủ mình phải gắng hết mình với nghề. Anh đi xem nhiều vở kịch để học hỏi đồng nghiệp kinh nghiệm diễn, đọc nhiều sách để làm giàu vốn sống và cảm xúc. Anh được ví như một “con dao pha”, có nghĩa là anh có thể đảm đương mọi vai diễn thuộc các thể loại khác nhau, từ vai hài, vai bi, vai chính, vai phụ... mà mỗi nhân vật đều được diễn cho ra hình hài, tính cách của chính nó, không lẫn vào đâu được.

Hoàng Dũng chinh phục được khán giả bằng tài năng của mình qua những vai diễn “nặng ký”: Phó Giám đốc Chính trong vở kịch vang bóng một thời Tôi và chúng ta, Lãm trong Hà Nội đêm trở gió, Hai Hùng trong Ăn mày dĩ vãng, Cả Khoa trong Cát bụi... Có lẽ vì vậy mà anh luôn là gương mặt được các đạo diễn điện ảnh, truyền hình ưu ái. “Hoàng Dũng là một người biết trân trọng nghề nghiệp, làm việc rất nghiêm túc và sáng tạo, NSND Khắc Lợi đã nhận xét về anh như thế.

Bóng dáng người bạn đời

Không chỉ thành công trên sân khấu lẫn điện ảnh - truyền hình, anh còn là một người thầy tận tụy, một nhà quản lý sân khấu đầy tâm huyết. Anh nhắc lại cảm giác hồi hộp, hạnh phúc khi ở cạnh vợ trong lúc chị vượt cạn sinh con đầu lòng và sự vụng về của đôi bàn tay khi tắm cho con, trong vai diễn quan trọng nhất của đời người.

Nhắc lại chỉ để nói một điều rằng, đó là những phút giây trọng đại nhất trong đời anh. Nó giá trị hơn cả hàng trăm vai diễn mà anh đã hoá thân vào. Nó vang vọng hơn cả những tràng pháo tay của khán giả.

NSND Hoàng Dũng trải lòng về ’người tình trăm năm’ ảnh 2
 

Đối với Hoàng Dũng, những gì mà anh có được hôm nay đều có bóng dáng của người bạn đời mình. Ngày mới cưới, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ khó khăn, chật vật vô cùng, Hoàng Dũng đã phải làm thêm quần quật để kiếm tiền mua gạo, mua sữa cho con. Lồng tiếng, đóng phim, diễn kịch... bất cứ nơi đâu mời là anh lóc cóc chiếc xe đạp cà tàng đến làm.

Trước hoàn cảnh khó khăn, vợ anh xin nghỉ việc, mở cửa hàng bán quần áo trẻ con, lo lắng kinh tế cho gia đình. Có “hậu phương” như vậy, Hoàng Dũng mới có thể dồn hết thời gian, tâm trí để trau nghề. Người vợ của anh, vốn là con gái Hà Nội gốc, dù việc làm ăn buôn bán có bận rộn đến mấy, cũng không bao giờ vắng mặt trong những vở mới có chồng mình diễn hoặc dàn dựng.

Cách đây ngót chục năm, mục Thư giãn trong chương trình Văn nghệ chủ nhật của Đài Truyền hình Việt Nam có một gương mặt nhí được không những trẻ nhỏ mà cả người lớn yêu thích, đó là bé Hoàng Duy - con trai Hoàng Dũng.

Năm nay, Hoàng Duy đang là sinh viên Đại học Ngoại ngữ chứ không phải Sân khấu Điện ảnh. “Tôi không can thiệp vào sự lựa chọn của cháu. Diễn viên là một nghề cần có nhiều “duyên nghiệp”. Không thể ép con theo con đường của mình một khi nó không muốn” - Hoàng Dũng nói.

Vô tư để yêu thương

Ở một góc độ khác, anh bảo, hạnh phúc của một con người nằm ở đâu, nó như thế nào, thật khó mà nói cho rành rẽ. Hạnh phúc có khi là những điều nho nhỏ trong cuộc sống, là giây phút được yêu thương và thương yêu kẻ khác, được cảm nhận sự ấm áp của tình người trong lúc lòng giá lạnh...Dù thân phận của một người nghệ sĩ đã từng mang tới cho Hoàng Dũng nhiều phiền toái, cả những mất mát không thể lý giải đi nữa, tôi hiểu rằng, niềm tin hạnh phúc là có thật đã hiện hữu trong anh. Anh đã đối xử vô tư với nghệ thuật và nhận lại từ nghệ thuật lòng yêu quý, ngưỡng mộ của khán giả.

Riêng điều này, không phải bất cứ nghệ sĩ nào cũng đạt tới. Hoàng Dũng đã yêu thương các nhân vật của mình như yêu thương cuộc sống. Người ta nói rằng, ai yêu mọi người thì hiểu được đôi chút về mình. Hiểu biết chính mình để tôn trọng và yêu thương người khác, đó là bài học quý giá mà NSND Hoàng Dũng có được, chính bởi sự lao động nghệ thuật không mệt mỏi, không toan tính của mình.

Đời đã lựa chọn anh để trở thành một nghệ sĩ và điều đó là rất đáng kể. Anh đã sống vô tư cho sự được lựa chọn ấy của mình và những gì anh tạo dựng nên chính là giá trị không phải của riêng anh mà của cả nền nghệ thuật sân khấu nước nhà. Anh đã lao động và nhả tơ như đời một con tằm và đã nhận được rất nhiều tình cảm của nhân dân, của khán giả.

Thu Hồng

Đọc thêm