NSND Lê Hùng thành thật chuyện"cơm áo gạo tiền"

 Một số đoàn nghệ thuật không có chế độ ưu đãi cho các Nghệ sĩ Nhân dân, hoặc có thì rất ít thôi, 10.000 hoặc 20.000 đồng/đêm diễn. Có khi diễn viên lặn lội hàng trăm km để biểu diễn mà chỉ được 50.000 đồng. 50.000 đồng đó có người ăn một bát phở để lại 20.000 đồng, có người chỉ dám ăn cái bánh mì, để dành số tiền đó về đóng tiền học cho con...

Những ngày cuối năm 2010, Nghệ sĩ nhân dân Lê Hùng - đương kim Giám đốc hai Nhà hát hàng đầu Việt Nam: Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam đã có cuộc trao đổi cởi mở thẳng thắn với PLVN, trong đó, anh “hé lộ” những chuyện rất thật về thu nhập của giới kịch nghệ.

Sáng tạo bị hạn chế vì phải “liệu cơm gắp mắm”

Sắp đến Tết dương lịch, các sân khấu phía Nam đang rộn rịp chuẩn bị cho một mùa kịch tết tưng bừng, nhưng dường như sân khấu phía Bắc vẫn đang trong tình trạng “lặng như tờ”. Anh có thể lý giải hiện trạng này không?

- Sân khấu miền Nam hầu hết là của tư nhân, họ dựng vở diễn để bán vé và thu tiền. Sân khấu miền Bắc lại là sân khấu của Nhà nước cho nên không thể nào chạy theo khán giả được, mà anh phải đi trước khản giả.

NSND Lê Hùng
NSND Lê Hùng

Muốn sân khấu hút khách thì ngoài sự sáng tạo của đạo diễn, của diễn viên, cũng phải tính chuyện tiền nong đầu tư nữa. Một năm đoàn nghệ thuật trung ương chỉ được đầu tư 200-230 triệu đồng/vở, các đoàn địa phương chỉ khoảng 100-160 triệu đồng/vở thì người ta phải “liệu cơm gắp mắm”, nên việc sáng tạo bị hạn chế. Nếu đầu tư tốt thì lên ngay còn đầu tư mà hạn chế thì tác phẩm cũng hạn chế thôi. Sân khấu tư nhân thì lại khác, vở này họ đầu tư thì họ sẽ lãi từng ấy thì họ sẵn sàng đầu tư nhiều hay ít là quyền của họ mà không phụ thuộc vào ngân sách.

“Đồng lương diễn viên như thế thì sao họ muốn làm!”

Dẫu biết nghệ thuật chân chính không có chỗ cho những toan tính đời thường, nhưng vì mưu cầu cuộc sống mà đôi khi người nghệ sĩ vẫn cần đến nó. Vậy khó khăn về kinh tế ảnh hưởng thế nào tới sức sáng tạo của nghệ sĩ?

- Mức lương hiện nay của diễn viên kịch được chia làm ba loại: Diễn viên loại một, diễn viên loại hai, diễn viên loại ba. Mỗi loại lại có nhiều thứ bậc.

Giả sử người ta khởi nghiệp năm 20 tuổi, 60 tuổi về hưu, thì người ta chỉ cống hiến được 40 năm trong nghề. Ấy thế mà muốn phấn đấu cho đến hết các bậc của diễn viên loại một phải mất 70 năm! Vô lý vô cùng! Như vậy, chính sách về lương với nghệ thuật biểu diễn là rất bất cập, mà chế độ đặc cách lại không rõ ràng, chế độ cho diễn viên chuyển ngành là không có, chưa kể những Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú cũng chẳng có chính sách nào cả.

Năm 1978, tôi tuyển sinh lớp diễn viên của Nhà hát tuổi trẻ (Lê Khanh, Chí Trung, Ngọc Huyền, Lan Hương, Anh Tú...), chỉ có 45 chỉ tiêu mà cả nghìn thí sinh dự tuyển. Còn bây giờ, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh tuyển 20 chỉ tiêu thì chỉ có 40 người đi dự tuyển, có khi chỉ có 19 người. Bởi sao? Bởi vì họ nhìn đồng lương diễn viên như thế thì sao họ muốn làm.

Có rất nhiều em có năng khiếu hoạt động nghiệp dư nhưng mời họ về đào tạo thành diễn viên chuyên nghiệp thì họ không về bởi lương như thế họ không sống được.

Chỉ được cái bề ngoài?

Công chúng vẫn hay nghĩ nghệ sĩ giàu có, anh nói thế, vậy ra công chúng sai?

- Bao giờ họ cũng nghĩ vậy. Nghệ sĩ ra đường thường phải chăm chút cho hình dáng, phong cách ăn mặc của mình, nên công chúng dễ cho rằng họ dồi dào tiền của. Hiện nay, sung túc nhất có lẽ là ca sĩ nhạc trẻ. Còn đại bộ phận các nghệ sĩ rất là khó khăn, nhất là các diễn viên tỉnh lẻ.

“Dĩ nhiên khi mình toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật, không quá lo lắng cho cơm áo gạo tiền thì làm việc sẽ tốt hơn là khi vừa diễn vừa phải nghĩ mai lấy tiền đâu đóng học cho con. Nhiều người chúng tôi phải có nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập đảm bảo cuộc sống gia đình. Việc làm thêm đó ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của họ, ví dụ như suốt ngày đóng phim nhựa, truyền hình, quảng cáo... sẽ làm hỏng sân khấu, cho nên cần phải xem lại chế độ lương cho nghệ sĩ. Cái gốc không được chăm bón thì sao cái rễ phát triển được, mà cái rễ không sống thì cái cây chết theo thôi”.

NSND.Lê Hùng

Riêng Nhà hát Tuổi trẻ có quy chế nội bộ (phụ thuộc vào quyền chi tiêu và ngân sách Nhà hát), nên một vai chính được 160.000 đồng/tiếng, nếu là Nghệ sĩ Ưu tú thì được cộng thêm 100.000 đồng, nếu là Nghệ sĩ Nhân dân thì được cộng thêm 200.000 đồng. Có thể cho đó là mức bồi dưỡng cao nhất trong các đoàn nghệ thuật.

Một số đoàn nghệ thuật không có chế độ ưu đãi cho các Nghệ sĩ Nhân dân, hoặc có thì rất ít thôi, 10.000 hoặc 20.000 đồng/đêm diễn. Có khi diễn viên họ lặn lội hàng trăm km để biểu diễn mà chỉ được 50.000 đồng. 50.000 đồng đó có người ăn một bát phở để lại 20.000 đồng, có người chỉ dám ăn cái bánh mì, để dành số tiền đó về đóng tiền học cho con.

Nói chung, đời sống của nghệ sĩ vô cùng khó khăn, đoàn nghệ thuật trung ương đã khó khăn rồi, địa phương còn khó khăn hơn. Thế nên mọi người cứ nhìn vào những ca sĩ hát một show được 20 triệu đồng mà đánh giá là không công bằng.

“Bật đèn xanh” cho cấp dưới đi kiếm thêm

Chính vì thế, đòi hỏi diễn viên trẻ toàn tâm toàn ý với nghề nghiệp là rất khó, khi cuộc sống xã hội hiện nay khác xa thời trẻ của các anh. Dưới góc độ nhà quản lý và bậc đàn anh trong nghề, anh nghĩ sao?

- Nhiều khi đòi hỏi khắt khe quá thì tự mình xấu hổ, tự mình thấy mình ác cho nên tôi luôn tạo điều kiện hết sức cho anh em tham gia làm phim hoặc làm công việc khác danh chính ngôn thuận để cải thiện đời sống. Không chỉ với diễn viên trẻ mà với những lớp diễn viên cũ - dù tham gia vai chính của nhà hát, nhưng chúng tôi vẫn tạo điều kiện cho đóng hàng chục tập phim trong năm qua. Đấy cũng là một cách quảng cáo cho nhà hát. Song tôi cũng dặn họ rằng, đừng để cách làm việc vội vàng, gấp gáp ở những nơi khác ảnh hưởng đến chuyên môn của mình ở nhà hát, vì sân khấu không thể ào ào, làm ẩu được.

Đòi hỏi họ toàn tâm toàn ý với nghề là không tưởng, chỉ có thể kích thích tình yêu của họ đối với nghề mà thôi. Nghệ sĩ vốn vì lòng yêu nghề nên họ vẫn làm, lãnh đạo khéo một chút là họ quên hết khó khăn và sẽ dốc sức cho công việc.

Tôi cho rằng nếu đầu tư tốt hơn thì họ sẽ toàn tâm toàn ý hơn và sân khấu có thể phát triển tốt hơn nữa.

“Đó là đầu tư để giết chết chứ không phải để phát triển!”

Lứa nghệ sĩ như Hoàng Dũng, Minh Trang, Hoàng Cúc, Tiến Đạt... được xuất hiện trên sân khấu với vai chính trong các vở lớn khi vừa qua tuổi 20. Nhưng với diễn viên trẻ hiện nay, cơ hội ấy có vẻ hiếm quá khi các đàn anh đàn chị vẫn giữ chỗ trong nhiều vở lớn. Anh thấy sao?

- Trước kia còn chế độ bao cấp, một nhà hát muốn dựng bao nhiêu tác phẩm là quyền của họ và trên cứ cấp tiền. Như thế, các diễn viên trẻ có điều kiện tham gia nhiều vai diễn, nhiều “đất” để thể hiện mình.

Hiện nay, trên Bộ Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - PV) hay Sở văn hóa tỉnh, địa phương quy định một năm chỉ được dựng một, hai vở mới, người ta chỉ cho chừng đó tiền thôi. Chỉ có hai vở mà có gần 100 diễn viên thì làm sao mà đến lượt người khác được? Ngày xưa dựng 10 vở thì có 10 vai chính còn bây giờ chỉ có hai vở thì chỉ có hai vai chính thôi, tám người kia làm sao được thể hiện mình?

Một năm Nhà hát dựng hai vở thì đạo diễn chỉ chọn diễn viên có kinh nghiệm, có tài năng mới giao vai chứ ai dám giao vai cho bọn trẻ nên bọn trẻ thiệt thòi. Mấu chốt là ở kế hoạch năm mà Bộ và tỉnh giao, có tỉnh người ta chỉ cho dựng một vở rưỡi(!). Đó là đầu tư để giết chết chứ không phải đầu tư để phát triển.

Mặt khác, có khóa học diễn xuất 20 người, chỉ còn một, hai người làm nghề, nhưng sau khi ra trường lại không chịu trau dồi kiến thức khiến nghề diễn không phát triển. Chúng tôi vẫn tạo điều kiện cho diễn viên trẻ, nhưng không phải ai cũng nắm bắt được. Cơ hội lần tiếp theo cũng không đạt, chúng tôi phải trao cho người khác. Không phải đợi lúc phân vai mới cố gắng rèn luyện mà cần làm điều đó cả trong lúc chờ đợi.

Sợ Tết khi công danh sự nghiệp đã có thừa

Xin cảm ơn nghệ sĩ vì những chia sẻ rất chân tình. Năm nay anh dự tính đón Tết như thế nào?

- Tết này, Nhà hát kịch Việt Nam ra mắt vở “Đêm của bóng tối”. Với quan niệm ngày Tết khán giả chuộng tiếng cười, nếu đầu năm vui vẻ thì cả năm được viên mãn nên Nhà hát Tuổi trẻ tiếp tục series “Đời cười” và “Người ngựa - ngựa người III”. “Người ngựa - ngựa người” I và II thì ra đĩa phục vụ khán giả thủ đô và cả nước. Tất cả các vở đều do tôi đạo diễn, chạy mệt lử.

Bạn biết không, hồi còn ấu thơ, tôi thường ao ước cái Tết đến, để được bố mẹ may cho quần áo mới, để được ăn thịt. Cứ mỗi lần thấy mẹ xách bao hàng Tết với vài cân thịt về, là trong lòng khấp khởi năm nay có Tết. Đến giờ, khi sự nghiệp công danh đã có thừa, không còn phải vất vả lo toan về vật chất, tôi lại đâm ra sợ Tết. Nhất là mấy năm gần đây, Tết vẫn đi làm liên miên, có đêm về vợ con đã ngủ hết...

Vâng, khó khăn đó âu cũng vì hai chữ “trách nhiệm”. Nhưng dẫu sao cũng xin chúc anh và gia đình xuân này ngập ngời hạnh phúc và tiếng cười!

Thu Hồng (thực hiện)

Đọc thêm