Từ cô gái 16 tuổi biểu diễn tại Tòa thị chính Sài Gòn
NSND Thái Thị Liên sinh năm 1918 tại Chợ Lớn Sài Gòn (nay là TP HCM) trong một gia đình đại trí thức. Cụ thân sinh ra NSND Thái Thị Liên là một trong những kỹ sư điện đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp tại Pháp. Cụ tiếp thu nền giáo dục phương Tây nên 7 người con của cụ đều biết đàn trước khi biết chữ.
Bà đã bước vào con đường chuyên nghiệp với bà giáo Armande Caron, người đã giành giải nhất piano nhạc viện Paris, học trò của Giáo sư Nhạc viện Paris Isidore Philipp, giải nhất ngành biểu diễn piano năm 1883. Là học trò xuất sắc của Armande Caron, năm 16 tuổi bà đã có buổi biểu diễn ra mắt công chúng tại Tòa thị chính Sài Gòn.
Năm 1946, bà sang Pháp học tại Học viện Âm nhạc Pari, bà đã xin gia nhập vào Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ thế giới. Tại đây bà gặp gỡ và kết hôn với ông Trần Ngọc Danh, lúc đó là Trưởng phái đoàn đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, em ruột của đồng chí Trần Phú -Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Bà trút hơi thở cuối cùng vào ngày 31/1/2023 tại nhà riêng ở Hà Nội. Trong tang lễ sáng 4/2/2023, NSND Đặng Thái Sơn đã chơi bản nhạc bất hủ “Hành khúc tang lễ” (Funeral March) của Chopin để tiễn đưa mẹ.
NSND Đặng Thái Sơn chia sẻ, lúc sinh thời, NSND, NGND Thái Thị Liên đã “đặt hàng” ông những bản nhạc bà muốn nghe trong lễ tang của mình. Tất cả đều là Chopin - tình yêu của đời bà, đồng thời làm nên sự nghiệp vẻ vang cho người con trai yêu dấu. Một trong số đó là bản “Hành khúc tang lễ”.
Nghệ sĩ, NGND Thái Thị Liên cũng từng diễn bản nhạc này tại buổi hòa nhạc mừng thọ 100 tuổi.
Cùng với những biến cố lịch sử, bà đã từ Paris sang Praha năm 1948 và theo học ngành biểu diễn piano tại Nhạc viện Praha, một trong những trường âm nhạc lâu đời nhất châu Âu. Bà tốt nghiệp xuất sắc năm 1951 với chương trình biểu diễn đồ sộ gồm các tác phẩm của D. Scarlatti, J. s. Bach, L. V. Bethoven và B. Smetana.
Cuối 1951, bà theo chồng về Việt Bắc tham gia kháng chiến và công tác tại Đoàn văn công Trung ương. Đầu năm 1954, bà tham gia đoàn hợp xướng Hoà Bình sang Thượng Hải (Trung Quốc), ghi âm chương trình để phát trên đài phát thanh khi tiếp quản Thủ đô mùa thu năm đó.
Cuộc đời của NSND Thái Thị Liên cũng chịu nhiều gian truân khi người chồng đầu tiên, ông Trần Ngọc Danh qua đời, để lại 2 người con còn thơ bé là Trần Thu Hà và Trần Thanh Bình. Sau này bà tái hôn cùng nhà thơ Đặng Đình Hưng và sinh thêm được người con tài năng - NSND Đặng Thái Sơn.
Tháng 11 năm 1956, bà là một trong 7 nhạc sỹ sáng lập Trường Âm nhạc Việt Nam và là Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Piano cho tới khi nghỉ hưu năm 1977. Trong suốt hơn 20 năm gắn bó kể cả trong những năm tháng chiến tranh, khó khăn thiếu thốn nơi sơ tán, bà đã biên soạn chương trình, giáo trình, bồi dưỡng, huấn luyện những giảng viên đầu tiên, trực tiếp đào tạo nhiều thế hệ giảng viên, nghệ sỹ piano. Nhiều người trong số đó đã trở thành những nghệ sỹ, nhạc sỹ, nhà giáo nổi tiếng như: Nguyễn Hữu Tuấn, Hoàng My, Phương Chi, Tuyết Minh, Trần Thu Hà và Đỗ Hồng Quân. Nổi bật nhất trong số đó là Đặng Thái Sơn, người Châu Á đầu tiên giành giải nhất Cuộc thi Piano quốc tế Chopin.
Người mẹ vĩ đại, cũng là người thầy đầu tiên của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn. |
Bên cạnh sự nghiệp đào tạo, bà đã có những hoạt động biểu diễn không ngừng nghỉ. Bà là người đầu tiên đã biểu diễn chương trình recital từ cuối những năm 50 ở Hà Nội, tham gia các chương trình hoà tấu với các chuyên gia từ Liên Xô cũ như Giáo sư Khodjaev (violon) và Fedoshenko (violoncelle) tại Nhà hát Lớn Hà Nội và Hải Phòng. Bà đã biểu diễn không chỉ trong các khán phòng lớn đầy ánh sáng, mà còn cả trong những đêm nhạc chỉ có ánh trăng trên sân kho hợp tác xã nơi sơ tán, như những đêm chuyên đề với các tác phẩm của Chopin hay đêm hoà tấu Trio Weber với các giáo sư Vũ Hướng (violoncelle) và Lê Bích (flute).
Trong suốt sự nghiệp của mình, bà nổi tiếng là người thẳng thắn, yêu cầu khắt khe và không khoan nhượng đối với những yếu tố phi nghệ thuật. Âm nhạc là lẽ sống, là cứu cánh của cuộc đời bà trong những lúc khó khăn nhất.
Mẹ - người thầy vĩ đại của NSND Đặng Thái Sơn
Với NSND Đặng Thái Sơn, bà vừa là mẹ, vừa là thầy. “Tôi thành danh từ cuộc thi Chopin. Người mang lại cho tôi tình yêu với nhạc Chopin cũng là má tôi”, NSND Đặng Thái Sơn chia sẻ trong chương trình “Quê hương mùa đoàn tụ Tết 2020”.
Năm 2020, NSND Đặng Thái Sơn về nước ra mắt sách Đặng Đình Hưng - Một bến lạ. Ông có nhiều chia sẻ xúc động về người cha quá cố - nhạc sĩ, nhà thơ Đặng Đình Hưng và mẹ là nghệ sĩ Thái Thị Liên. Ông Đặng Đình Hưng sớm đặt tên con trai từ khi Đặng Thái Sơn khi chưa ra đời. Ngoài nghĩa “Công cha như núi Thái Sơn”, chữ “Thái” này còn có ý nghĩa khác, lấy theo họ mẹ - nghệ sĩ Thái Thị Liên.
Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn kể: “Nhiều lúc tôi cũng chẳng hiểu sao hai ông bà lại lấy nhau vì quá khác nhau. Má cởi mở gần phương Tây hơn, bố lại rất truyền thống”, NSND Đặng Thái Sơn nói. Cuối cùng Đặng Thái Sơn nhận ra, chính là do ở họ luôn có sự chân thật.
NSND Thái Thị Liên sinh con gái đầu lòng khi bà đang sinh sống tại Praha. Nhưng rồi do những biến động của lịch sử, năm 1951, bà và con gái đã có cuộc hành trình đầy chông gai với quãng đường đi bộ dài hơn 110km, mất gần 3 tháng vào ban đêm để đến cơ sở cách mạng trong rừng sâu, bàn chân bỏng rộp. Đó cũng là thời gian duy nhất bà không chơi đàn.
Khi trở về Việt Nam, cô bé Thu Hà mới gần 2 tuổi được gửi vào trại nhi đồng, 6 năm sau mới được đoàn tụ cùng gia đình, mới được chạm vào cây đàn piano mà không ai khác, chính NSND Thái Thị Liên là người chỉ dạy cho con từng phím đàn đầu đời. Dù lúc đó bà bận trăm công ngàn việc với cuộc sống, công việc dạy học, con nhỏ.
Thời điểm ấy, ngoài Thu Hà, thì cậu con trai út là Đặng Thái Sơn cũng được mẹ tập trung cao độ để rèn giũa. Thời ấy, có được chiếc đàn piano để tập là cả sự khó khăn. Rất may, NSND Thái Thị Liên là trưởng khoa nên nhà trường ưu ái cho mang một cây đàn về nhà để vừa luyện đàn, vừa dạy. Vì Đặng Thái Sơn bé hơn nên Thu Hà thường phải nhường em, song có lúc Thu Hà phải kéo em ra khỏi chiếc đàn để mình có thời gian tập. Bởi vì một khi Đặng Thái Sơn đã ngồi vào đàn thì quên giờ giấc.
NSND Thái Thị Liên thời còn trẻ bên hai con. |
Từ cái nôi âm nhạc ấy, đã ra đời một NSND Đặng Thái Sơn - nghệ sĩ châu Á đầu tiên đoạt giải Nhất Concours Chopin, một Giáo sư - Nhà giáo nhân dân - NSND Trần Thu Hà - nguyên Hiệu trưởng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Còn con trai cả của bà là kiến trúc sư Trần Thanh Bình, được coi như “thư ký” trọn đời của nghệ sĩ piano Thái Thị Liên. TS Trần Thanh Bình từng chia sẻ, sống trong môi trường âm nhạc, được mẹ dạy nhạc cho từ bé, NSND Thái Thị Liên đã truyền cho các con tình yêu nghệ thuật, nhưng bà không áp đặt các con phải sống theo kế hoạch của mình mà hoàn toàn tôn trọng sở thích của các con. Nhưng học gì đi nữa thì cũng phải thật giỏi, phải đam mê đến cái đích cuối cùng.
NSND Thái Thị Liên là người Tây học hoàn toàn, bà nói được nhiều ngoại ngữ như Anh, Pháp, Nga... nhưng ngược lại, bà cũng rất am hiểu truyền thống của người Việt. TS Trần Thanh Bình từng chia sẻ, “Mẹ tôi là người yêu thích nghệ thuật phương Tây, khuyến khích các con tình yêu nghệ thuật, nhưng trong cuộc sống hằng ngày, bà dạy chúng tôi cách thức làm người sống ngay thẳng, khí khái, đàng hoàng, trung thực, biết thương người, tránh xa mọi bon chen, xa lạ với mọi sự phù phiếm”...
Concour Chopin năm 1970, NSND Thái Thị Liên được mời làm khách tham dự, nhờ chuyến đi ấy của bà mà NSND Đặng Thái Sơn mới có sách, có đĩa để học. Có nhiều năm NSND Thái Thị Liên đã ra nước ngoài sống cùng NSND Đặng Thái Sơn và ngoài việc chăm chút cho con về mặt âm nhạc, trong cuộc sống, bà còn lo cho con từ bữa ăn giấc ngủ.
Từ buổi biểu diễn đầu tiên trước công chúng năm 16 tuổi, cho tới đêm nhạc vinh danh ở tuổi 100, nghệ sĩ dương cầm Thái Thị Liên trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Bà từng chia sẻ, mình là một người mẹ, người thầy hạnh phúc…
Với những cống hiến bền bỉ cho nghệ thuật nước nhà, nghệ sĩ piano Thái Thị Liên được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSUT đợt đầu tiên năm 1984 và danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1990. Bà nhận Huân chương Lao động Hạng Ba năm 1980 và Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1998.