NSƯT Thành Lộc: Trái tim tôi đã nhiều lần bể nát

 

 “Có một người đàn ông, suốt đời mình chỉ làm một công việc là ẩn mình vào những con người khác. Và anh ẩn giỏi đến mức, khán giả luôn tin rằng, những con người đó chính là những góc khác trong con người anh” - Đó là nhận xét chung của nhiều người khi nhắc đến Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc.

 “Có một người đàn ông, suốt đời mình chỉ làm một công việc là ẩn mình vào những con người khác. Và anh ẩn giỏi đến mức, khán giả luôn tin rằng, những con người đó chính là những góc khác trong con người anh” - Đó là nhận xét chung của nhiều người khi nhắc đến Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc.

Sân khấu là thánh đường

tl

 Chào Thành Lộc, danh hài Robins William của Mỹ có câu nói: “Người ta có thể giả bộ tính hài hước nhưng tính nghiêm túc thì không ai giả vờ được”. Là một diễn viên hài kịch gạo cội, anh nghĩ sao về điều này?


Robins William là một bậc tiền bối, tôi nghĩ điều ông ấy nói là sự đúc kết cả cuộc đời nghệ thuật của ông. Tôi cho rằng, người ta bỏ tiền ra mua vé không phải để xem mình đùa cợt. Tiếng cười trong hài kịch phải là tiếng cười chắt lọc, sâu sắc và tinh tế nhất. Nó được trả giá bằng sự tôi luyện không mệt mỏi trên sàn tập, sự dày công sáng tạo và lao động bền bỉ nghiêm túc của người diễn viên. Dù khán giả có cười nghiêng ngả thì đó cũng là tiếng cười của sự thưởng ngoạn, sự sẻ chia, cảm thông và thấm thía. Bởi sân khấu vốn là thánh đường mà ở đó, người ta phải bỏ những đôi hài bẩn thỉu và dọn mình sạch sẽ trước khi bước vào.

Nhân cách hình thành qua vai diễn


Kể từ lúc 8 tuổi đến giờ, Thành Lộc đã có khoảng 500 vai diễn từ bi đến hài, từ chính diện đến phản diện, người già đến trẻ nhỏ, đàn ông đến phụ nữ... có khi nào anh lo sợ tính cách nhân vật sẽ vận vào mình không?


Mỗi người chỉ sống một cuộc đời. Riêng tôi làm nghệ thuật thì có thể sống thậm chí cả ngàn cuộc đời khác nhau và những vai diễn chính là những cuộc phiêu lưu của tâm hồn. Quá trình diễn trên sân khấu mấy chục năm qua giúp tôi sống tốt hơn nhờ giác ngộ được những ý nghĩa giáo dục trong các tác phẩm.


Có thể nói, hành trang vai diễn của tôi, nhân cách con người của những nhân vật tôi kinh qua đã hình thành nhân cách Thành Lộc. Có những tác phẩm, với những tầng sâu triết lý của nó, đã mở cái đầu tôi ra.

Anh nói rằng nhiều lúc lên sân khấu, anh cảm thấy như bước vào một cái nhà tù khổ hạnh mà anh đã tự nhốt mình trong suốt gần 40 năm. Những lúc chán nản và mệt mỏi như thế, làm thế nào mà anh vẫn cười tưng bừng được trên sân khấu?


Tôi sẽ lấy những tràng pháo tay, sự tung hứng của người xem làm điểm tựa tinh thần. Tôi sẽ tìm dưới hàng ghế khán giả một gương mặt nào đó đang nhìn tôi bằng cái nhìn say mê như muốn nói lên tiếng lòng đồng vọng, như trao cho mình cái động cơ làm việc, như sợi dây vô hình buộc chặt mối giao cảm.


Nhìn vào đó, tự khắc tôi sẽ ý thức được sức nặng của trách nhiệm mà mình đang mang trên vai.

“Trái tim tôi đã nhiều lần bể nát”

tl

 Luôn mang đến nụ cười cho khán giả, vậy trong cuộc sống có khi nào anh khóc và làm ai đó khóc chưa?


Đã có những thị phi ác ý xung quanh những vai diễn của tôi và trái tim tôi đã nhiều lần bể nát. Ngoài đời, nếu có chăng thì tôi chỉ khóc ở nhà thôi. Có một lần duy nhất, cách đây 3 năm, tôi có khóc ở ngoài đường vì sự ra đi đột ngột của một đồng nghiệp.

Tính tôi ít tâm sự với ai, những gì riêng tư thì tự mình giải quyết thôi. Mọi vui buồn đều tự tiêu hao. Khi vào đời, mọi xung đột, va chạm với đồng nghiệp, lãnh đạo, tôi nhẫn chịu và nén chặt vào mình chứ không một lời than thở. Tôi được bạn bè xả vào nhiều thứ chứ bản thân không có xả ra.

Tôi chưa bao giờ chứng kiến ai khóc vì tôi, khóc thầm lặng thì tôi sao biết được. Tôi thường tự hài hước hóa những nỗi đau của mình, chứ không dám hài hước hóa nỗi đau của người khác, sợ họ bị tổn thương.

“Giới làm nghệ thuật đã trở nên đáng sợ lắm”


Từng tâm sự về những biến cố trong đời sống nghệ thuật, vậy bài học nào đắt giá nhất cho cuộc đời anh tính đến thời điểm này?

Đã hơn một lần tôi đối diện với cái chết mà nguyên nhân đều do nghề nghiệp. Những lúc nằm trên giường bệnh, những lúc đứng trước nguy cơ vĩnh viễn không thể tiếp tục đến với nghề được, tôi mới thấm thía bao bài học quí giá.


Tất cả những tham sân si thường nhật lắng xuống, tiền tài, danh vọng chỉ còn là ảo giác, phù phiếm, vô nghĩa. Tôi vẫn thích cuối đời mình được ở trong một thứ ánh sáng thật, không ở trong thứ ánh sáng huyền ảo, giả tạo của sân khấu. Môi trường nào cũng khắc nghiệt, thế nhưng với nghệ thuật nói riêng, người ta đứng trong ánh sáng nhiều quá nên đôi khi không thấy được kẻ xấu trong bóng tối.


Ngày nay, giới làm nghệ thuật đã trở nên đáng sợ lắm, quen sống trong hào quang danh vọng và cả sự tỵ hiềm, nanh nọc và giả dối. Có những kẻ tài cán chẳng là bao mà lúc nào cũng giở giọng ngôi sao, coi khinh người khác, cậy mình đi trước mà ăn hiếp người đi sau.


Choáng váng nhất là có những cú đâm sau lưng mình từ những người bạn, người đồng nghiệp mà mình yêu quý, kính trọng như cha, anh. Sự giáng trả của tôi là vô hình, tàn nhẫn nhất đó là sự khinh thường trong trái tim tôi dành cho họ. Với những bậc đàn anh mà để cho đàn em như tôi khinh thường cũng là sự giáng trả nặng nề rồi. Mỗi câu chuyện về Phật giáo lại vận vào tâm thế sống của tôi, tôi luôn cầu nguyện cho tâm mình đừng động vọng, được bình an.


May mắn vì tôi là người có đức tin, nên khi tuyệt vọng, tôi nương vào đó để vượt qua. Mười năm nay rồi, tôi đang tập sống bao dung. Tôi loại hết tất cả mọi suy nghĩ tiêu cực ra khỏi đầu óc, tôi quên cả những việc xấu xa mà người ta đã làm với tôi. Tôi không trả miếng vì đó là việc của trời chứ không phải việc của t
ôi.

Thành Lộc vẫn mơ mộng

tl

Anh từng nói rằng, 20 năm trước mình giống Chu Xung trong Lôi Vũ, mơ mộng nhiều nên vỡ mộng. Nay anh đã ở tuổi 40 - liệu điều đó có còn ứng nghiệm?

Tôi không vỡ mộng mà tỉnh ra. Nhưng mơ mộng vẫn tạo ra trạng thái tốt cho người làm nghệ thuật, nếu không tác phẩm không bay bổng được. Nhìn bàn tay Thành Lộc thì biết, bàn tay ngắn là bàn tay của người hay mơ mộng và tôi vẫn mơ mộng, nhưng tỉnh táo và thực tế. Tôi mơ cái mà tôi có khả năng thực hiện được chứ không mơ mộng viển vông. Ví như tôi là người mê nhạc kịch và tôi đã dàn dựng khá thành công vở “Tin ở hoa hồng”, “Ngàn năm tình sử” đó thôi.

Dù với tư cách gì, là người quản lý sân khấu IDECAF, đạo diễn hay là diễn viên, bao giờ tôi cũng mơ mộng một vở kịch được hoàn thành bằng kết quả của việc tôi đã vắt hết sức để làm và được xã hội vắt hết sức để nhìn nhận, bằng sự hiểu biết thấu đáo và lòng chân thành nhằm tạo nên sự tương hỗ.

Cảm ơn nghệ sĩ đã dành thời gian chia sẻ với độc giả Báo Pháp luật Việt Nam. Chúc anh thành công và hạnh phúc trong cuộc sống!

Thu Hồng (thực hiện)

Đọc thêm