NSƯT Trung Anh rũ bỏ 'đau khổ tủi hờn' sau vai diễn Lương Bổng

(PLO) -Vào vai gã giang hồ Lương Bổng trong “Người phán xử” đang gây “bão” trên VTV3, NSƯT Trung Anh rất hứng thú. Dường như, anh đã thoát khỏi sự “định vị” vai chính diện có hoàn cảnh khổ đau, tủi hờn. Vai gã giang hồ mưu mô ấy giúp NSƯT khám phá chính mình cũng như mang tới hình ảnh mới lạ tới khán giả.
NSUT Trung Anh luôn đóng những vai đầy nội tâm
NSUT Trung Anh luôn đóng những vai đầy nội tâm

Những vai đau khổ…gọi tên mình

NSƯT Trung Anh sinh năm 1961 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Anh cùng lúc mất mẹ, mất chị gái và dì ruột khi lên 7 tuổi trong một lần máy bay B52 của giặc Mỹ càn quét ngôi làng nghèo. Hoàn cảnh chiến tranh, không thể báo tin cho bố lúc đó đang ở mãi ngoài Hà Nội, họ hàng lặng lẽ làm đám tang. Sau biến cố tang thương, người hàng xóm đã đưa Trung Anh cuốc bộ hơn 400km ra Bắc tìm bố. 

Cơ duyên Trung Anh đến với nghiệp diễn thật đơn giản. Khi đó, bố anh đang làm hành chính tại Nhà hát kịch Hà Nội. Vì vậy, Trung Anh có điều kiện được xem những vở diễn và gặp gỡ diễn viên. Nhân có khóa đào tạo diễn viên, các cô chú trong đoàn kịch động viên Trung Anh đăng ký tham gia khi vừa bước vào tuổi 17. Cùng khóa với anh có các nghệ sĩ: Trọng Trinh, Quốc Khánh, Lan Hương, Hương "Bông", Đỗ Kỷ…

Thời gian đầu, so với các đồng nghiệp, Trung Anh có vẻ “lép vế” hơn. Nếu như các bạn đồng khóa được giao vai chính, vai phụ thì anh chỉ được giao vai quần chúng với sự xuất hiện loáng thoáng trong vở kịch. Đều này làm anh khá buồn. Thời đó, đang là “mùa” xuất khẩu lao động, anh đã định bỏ nghiệp diễn để đi làm kinh tế. Nhưng đúng giờ chót, anh thay đổi, quyết định gắn bó lâu dài với “tổ ấm” Nhà hát kịch Việt Nam.

Đã ở lại, Trung Anh hạ quyết tâm diễn cho ra diễn. Anh không ngừng nỗ lực học hỏi lối diễn từ các nghệ sĩ đàn anh, đàn chị và nghiên cứu kịch bản sâu hơn. Dần dần, những vai diễn có số phận bắt đầu…gọi tên anh. Trung Anh có nhiều vai diễn hay như Kép Đinh trong vở “Kiếp đoạn trường”, Trần Cảnh trong “Mỹ nhân và anh hùng”.

Càng diễn, Trung Anh càng mê, càng đắm đuối. Sự đam mê ấy đối với anh còn quan trọng hơn cả năng khiếu. Trung Anh luôn coi năng khiếu chỉ là đầu vào, nếu không có tình yêu để học hỏi, đầu tư tìm tòi thì người diễn viên không thể diễn sâu sắc được. Sự đam mê học học hỏi giúp anh vượt qua bão giông “cơm, áo, gạo, tiền” vốn dĩ luôn “đồng hành” với những nghệ sĩ kịch. Dường như, càng khó khăn, Trung Anh càng nặng lòng với nghiệp diễn. 

Khuôn mặt hiền lành, khắc khổ của anh như đã vận vào các vai diễn. Với hàng chục vở kịch trên sân khấu, hàng trăm vai diễn lớn, nhỏ trên truyền hình, khán giả nhớ tới Trung Anh với số phận…buồn tủi, hẩm hiu, cô quạnh. Có lẽ, việc phải chứng kiến nỗi đau mất mẹ, chị và dì ruột đã ám ảnh anh suốt cả cuộc đời. Để rồi “giông bão” tuổi thơ ấy hằn lên khuôn mặt người đàn ông gốc Hà Tĩnh.  

Tuy bị “định dạng” vào nhận vật chính diện có hoàn cảnh khổ sở nhưng vai diễn của Trung Anh không hề “một màu”. Mỗi nhân vật, anh lại tìm ra chiều sâu nội tâm, những nét độc đáo, linh hồn của nhân vật ấy để chuyển tải. Bởi thế, những vai diễn của Trung Anh luôn là “chứng chỉ vàng” để đạo diễn an tâm. Anh luôn cầu toàn trong từng vai diễn.

Khi anh vào nhân vật phản diện- Trữ- một người điên trong phim “Mê lộ”.” Để hóa thân vào một nhân vật bị sang chấn tâm thần sau khi ở chiến trường trở về, anh đã phải bỏ rất nhiều công sức, thậm chí, anh phải xin giấy giới thiệu của Đài Truyền hình Việt Nam, sang Trâu Quỳ tìm hiểu cuộc sống của những người tâm thần, để hóa thân thành một bệnh nhân điên “giống thật” nhất. 

“Lúc đó, nhiều người cản vì sợ, nhưng tôi vẫn quyết đi và cuối cùng đã gặt hái được thành công”- NSUT Trung Anh cười nhớ lại.

Khi nhận đóng vai Thập trong phim “Những đứa con của làng”, Trung Anh đã bỏ ra 3 tháng trời để tập hút thuốc rê, cách đi lại khập khiễng của nhân vật… Chẳng phải ngẫu nhiên, vai diễn Thập trong phim “Những đứa con của làng” đưa Trung Anh tới giải thưởng nam diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim 19.

NSUT Trung Anh vào vai gã giang hồ
NSUT Trung Anh vào vai gã giang hồ

Sung sướng khi vào vai…gã giang hồ

Dù thành công trong những vai diễn “khổ sở” nhưng Trung Anh luôn khát khao được làm mới mình qua những vai diễn cũng như mang món quà mới lạ tới khán giả.

Và ước mong ấy đã thành hiện thực. Anh được vào vai diễn tưng tửng như vai vị thủy thủ già trong vở kịch “Hàng xóm chung cư”, ông Minh trong “Hôn nhân trong ngõ hẹp”, vai nhà thơ Xuân Ngô trong “Những công dân tập thể”. Vai diễn của Trung Anh diễn hài không lên gân, lên cốt. Với nét mặt diễn xuất và lời thoại “tưng tửng”, anh đã làm nên sự duyên dáng vai diễn của mình. 

Vào vai gã giang hồ Lương Bổng trong “Người phán xử” đang gây “bão” trên VTV3, NSƯT Trung Anh rất hứng thú. Đây là nhân vật thứ chính quan trọng nhất trong “Người phán xử”, xuất hiện từ đầu đến cuối phim. Gã giang hồ cộm cán này trung thành tuyệt đối với Phan Quân (NSND Hoàng Dũng), đồng thời cũng là người được ông trùm tin tưởng nhất. 

Vào vai Lương Bổng, NSƯT Trung Anh phải diễn 3 bộ mặt khác nhau. Khi tiếp xúc với “ông trùm”, Lương Bổng là một con người tâm tình, cởi mở, trung thành, với những người còn lại là bộ mặt lạnh lùng, đăm chiêu, mưu đồ nhưng khi ở một mình lại đầy suy tư, tư lự, đúng kiểu của một người sống ẩn dật. 

“Không chỉ vì tôi muốn thử nghiệm trong việc thay đổi về lối diễn xuất, mà thực sự đây là một kẻ giang hồ có nội tâm, tính cách chứ không chỉ biết chém giết”, NSƯT Trung Anh chia sẻ.

Để chuẩn bị cho vai diễn, ngoài mái tóc húi cua, NSƯT Trung Anh còn phải tập cách bắn súng. Vai diễn không có nhiều pha võ thuật đẹp mắt trên màn ảnh những điều làm nên thành công của nhân vật là chiều sâu đời sống nội tâm, thể hiện qua ánh mắt, nét mặt...

Với khuôn mặt khắc khổ ấy, đa phần khán giả nghĩ ngoài đời, NSƯT Trung Anh có cuộc sống không mấy hạnh phúc. Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Anh có một gia đình ấm áp, sum vầy. Vợ anh là một người phụ nữ xinh xắn, đảm đang, kém chồng 10 tuổi và hết lòng yêu chồng. Trước và sau khi cưới, vợ anh luôn là fan của chồng. 

Những bài viết về NSƯT Trung Anh và những bộ phim, vở kịch anh đóng, chị đều sưu tầm và xem không sót một tập phim, vở kịch nào. Tuy chị làm kế toán không hề liên quan tới nghệ thuật nhưng lại rất am hiểu về sân khấu và truyền hình. Chị hiểu sự vất vả, khó khăn của một người nghệ sĩ. Dù nhiều lúc gia đình gặp khó khăn về kinh tế, nhưng chị chưa một lần càn nhằn hay oán trách chồng. 

Ngoài việc đi làm, chị nhận hết phần trách nhiệm chăm sóc con, lo cho gia đình, tạo điều kiện cho chồng yên tâm “sống chết” với nghiệp diễn. Chính điều này khiến NSƯT Trung Anh luôn biết ơn sự hy sinh của vợ và yêu quý tổ ấm của mình. 

“Tôi hơn 30 năm ăn cơm sân khấu, cũng bằng ấy năm lăn lộn phim trường và những chuyến công tác liên miên. Nếu không có một hậu phương ở nhà, chắc tôi không thể hết lòng vì nghệ thuật được”- Trung Anh bày tỏ.

Gắn bó với sân khấu đã hơn 30 năm và được phong NSƯT cách đây hơn chục năm, với  “Lương Bổng”, sân khấu luôn là tình yêu lớn nhất trong cuộc đời, sau đó mới đến điện ảnh. Sân khấu đã ăn vào máu, luôn thôi thúc trong người Trung Anh dù đời sống sân khấu đầy những thăng trầm, thử thách người nghệ sĩ.

Đọc thêm