Hy vọng cho ngành đường
Tồn kho lớn, giá thu mua thấp, nông dân chặt mía bỏ ruộng, tình trạng tranh mua, tranh bán giữa các nhà máy, đường lậu hoành hành thị trường… là những “điệp khúc” quen thuộc của ngành mía đường từ nhiều năm nay.
Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Cục chế biến), chủ trương của Bộ NN&PTNT là xây dựng Nghị định này để làm sao ngành mía đường trong nước được củng cố sức cạnh tranh, từ đó các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này cảm thấy đủ tự tin trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
Trao đổi với Báo PLVN, ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, lưu ý: Ngoài lượng đường bị nhập lậu ước khoảng 400.000-500.000 tấn/năm, Hiệp định thương mại biên giới Việt - Lào đã được ký với sự ưu đãi hết mức khi thuế nhập khẩu 0%, thuế VAT 0%, không rào cản kỹ thuật, không hạn chế số lượng… đã gây áp lực rất lớn cho ngành đường trong nước.
Theo ông Bảnh, không chỉ với Lào, Việt Nam đang tham gia khá sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu khi cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập. Nhiều Hiệp định thương mại tự do quan trọng được đàm phán, ký kết thành công, ngành mía đường cũng đang đối mặt với áp lực lớn từ hội nhập.
“Khi các cam kết quốc tế có hiệu lực, thị trường là thị trường chung, lúc đó sẽ không có đường lậu nữa mà đường ngoại được đưa vào thị trường trong nước một cách công khai, vì thuế nhập khẩu của mặt hàng này chỉ còn 0%. Trước viễn cảnh đó, ngành đường trong nước muốn tồn tại được phải cải thiện năng lực cạnh tranh. Để hạ được giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm thì phải quy hoạch lại vùng nguyên liệu cho phù hợp, phải cơ giới hóa, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, phải tạo ra giống năng suất cao… Việc xây dựng Nghị định của Bộ là để thúc đẩy quá trình này” - Cục trưởng Bảnh cho biết.
Lợi cho nông dân
Dự thảo Nghị định có 33 điều và nhìn vào tổng thể, cho thấy các vấn đề còn tồn tại, căn nguyên của những khó khăn mà ngành mía đường đang gặp phải sẽ được tháo gỡ khi Nghị định được ban hành.
Về giá mua mía nguyên liệu, lâu nay, giá mua mía nguyên liệu cho từng vụ thường được các nhà máy đưa ra. Thực tế cho thấy, do điều kiện địa lý mà giá thành sản xuất các loại cây trồng ở các tỉnh khác nhau, việc để cho các tỉnh tự tính giá thành sản xuất mía nguyên liệu sẽ giúp nông dân không bị thua thiệt. Vì thế theo dự thảo, việc quyết định giá mua mía nguyên liệu tới đây sẽ do Sở Tài chính các tỉnh có trồng mía, có nhà máy đường đang hoạt động quyết định, thông qua hiệp thương với các nhà máy đường và nông dân trồng mía.
Lâu nay, mỗi khi vào vụ mía mới, tình trạng tranh mua, tranh bán diễn ra, xảy ra tình trạng tranh chấp vùng nguyên liệu giữa các nhà máy. Theo ông Bảnh, để tạo ra một cơ chế thị trường “thuận mua vừa bán”, đồng thời xóa bỏ tình trạng tranh mua, tranh bán tồn tại lâu nay, Dự thảo Nghị định một mặt quy định nghiêm ngặt vùng nguyên liệu của mỗi nhà máy, nhưng mặt khác cũng tạo những cơ chế mở khi đưa ra điều khoản nông dân trồng mía được lựa chọn, đàm phán ký kết hợp đồng với nhà máy. Nhưng khi nhà máy không có khả năng thu mua cho nông dân, họ có quyền bán cho nhà máy khác.
Trước đây, khi các nhà máy tự xác định chữ đường đã dẫn đến việc nông dân không có cách nào khác là phải đồng ý. Căn cứ kết quả chất lượng tự đánh giá, các nhà máy sẽ đưa ra giá mua mía nguyên liệu. Và điều này dẫn đến nhiều trường hợp người nông dân trồng mía phản ứng vì cho rằng nhà máy xác định chữ đường thấp hơn thực tế nhằm hạ giá mua mía nguyên liệu.
Về vấn đề này, theo Cục trưởng Cục chế biến, theo dự thảo, mía nguyên liệu cung cấp cho nhà máy phải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-98:2012/BNNPTNT về chất lượng. Đáng chú ý, dự thảo lần đầu tiên đưa ra điều khoản quy định phải có tổ chức đánh giá chất lượng mía độc lập với các nhà máy đường và người sản xuất mía nguyên liệu.
“Quy định phải có bên kiểm định độc lập sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng, ở đó, người nông dân và các doanh nghiệp phải tuân theo những quy định đã ký để đưa ra giá mua bán hợp lý, tránh trường hợp “gian lận” để trục lợi” - ông Bảnh cho hay.
Theo Cục trưởng Bảnh, dự thảo vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến, nhưng Hiệp hội mía đường, đa số doanh nghiệp trong ngành, đại diện người dân trồng mía đều tỏ thái độ đồng thuận với nội dung có trong dự thảo. Tuy nhiên, để tránh vi phạm các cam kết về bảo hộ trong các cam kết quốc tế, hiện nay Bộ NN&PTNT vẫn đang phải rà soát lại. Vì thế nhanh nhất cũng phải tới tháng 9/2016 dự thảo mới có thể hoàn thiện để trình Chính phủ.
“Nông dân hiện không sống được bằng cây mía”
Thực tế trong nhiều vụ mía vừa qua cho thấy, giá mua mía nguyên liệu của các nhà máy vụ sau luôn thấp hơn vụ trước. Nhiều nông dân trồng mía không thể sống được với cây mía và đã có nhiều trường hợp nông dân bỏ hẳn cây mía. Ví như, trong vụ mía đường 2014-2015, sản lượng đường sản xuất ra chỉ vào khoảng 1,4 triệu tấn, giảm 13% so với niên vụ 2013-2014 mà nguyên nhân là do nguồn mía nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy giảm.