Nói đến “siêu” trộm cắp Ngô Thị Tuyết Lan (42 tuổi, nguyên là giáo viên, ngụ thôn Minh Xuân, xã Long Mai, huyện Minh Long), công an các huyện hầu hết các huyện của Quảng Ngãi đều ngán ngẩm.
Điều đáng nói, Lan hành nghề “đạo chích” từ những lúc còn đứng trên bục giảng dạy chữ cho các em học sinh để… “nướng” vào trò đỏ đen. Lan lại mới vào tù cùng về hành vi trộm tài sản.
|
Chân dung “siêu trộm” Ngô Thị Tuyết Lan |
Đi tù nhiều “như đi chợ”
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2012, nhiều chị em hân hoan với những lời chúc mừng của bạn bè, người thân… thì Ngô Thị Tuyết Lan lại điên đầu nghĩ chuyện cần nhột nhập nhà ai đó để… trộm tiền. Nghĩ là làm, sáng cùng ngày Lan dậy rất sớm đón xe buýt vào xã Phổ Thạnh (huyện Minh Long) “hành nghề”.
Quan sát thấy gia đình một phụ nữ không có người ở nhà nên Lan quyết định đột nhập vào, cạy tủ lấy trộm 2 triệu đồng rồi bỏ đi. Khoảng vài phút sau, chủ nhà về nhà phát hiện mất tiền nên đã huy động mọi người trong xóm đuổi theo bắt được Lan khi đang ngồi uống nước chờ xe buýt để “đánh bài chuồn”. Ngay sau đó công an xã Phổ Thanh lấy lời khai ban đầu rồi chuyển hồ sơ cùng đối tượng trộm cắp lên công an huyện Minh Long điều tra xử lý theo thẩm quyền.
Khi thấy “sự trở lại” của Ngô Thị Tuyết Lan thì các điều tra viên ở đây đều ngán ngẩm lắc đầu vì người phụ nữ nguyên là cô giáo này đã năm lần bảy lượt bị bắt, bị xét xử trước đó, nhưng khi ra tù lại “chứng nào tật nấy”, lại tiếp tục với… nghề cũ. “Nói có sách, mách có chứng”, một điều tra viên đưa ra xấp hồ sơ “đen” lưu giữ những “chiến tích” mà Lan đã lập nên.
Vào ngày 12/3/2008, Lan đến quán nước của chị Huỳnh Thị Mai Hương (ở thôn Trường Thọ Tây, thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh) uống nước. Tại đây “nữ quái” này phát hiện trong tủ kính quán nước có một ví đựng tiền. Khi chủ quán nước xuống phía sau nhà thì Lan nhanh như cắt thò tay vào tủ kính móc ví lấy 2 triệu đồng rồi nhanh chân lên xe máy bỏ đi. “Đạo chích” bị Công an huyện Sơn Tịnh bắt giữ ngay sau đó, bị TAND huyện Sơn Tịnh tuyên phạt 12 tháng tù giam và cho hưởng án treo.
Thế nhưng, trong thời gian đang thụ án treo, Lan lại được một trường tiểu học ở huyện Minh Long bố trí cho đi dạy. Rồi từ đây, cô giáo Lan càng “tự tin” hơn cái “nghề” trộm cắp. Vì vậy, mỗi khi nhận lương được vài triệu, cô giáo này lại đốt vào chiếu bạc rồi tiếp tục trắng tay. Để “giải khát” cơn nghiệm bài bạc, Lan lại tiếp tục đi trộm cắp.
Giữa năm 2008, Lan đi xe máy đến nhiều cửa hàng thuốc Tây ở thôn Mỹ Thạnh Nam (xã Nghĩa Thuận), giả vờ mua hỏi mua thuốc rồi lợi dụng sơ hở của chủ cửa hàng, nữ giáo viên này nhanh tay trộm một điện thoại di động và trên 2 triệu đồng để trong ngăn kéo tiệm thuốc tẩu thoát. Thấy tiền “dễ kiếm”, ngay trong ngày, Lan chạy vào một cửa hàng bán tạp hóa ở xã Nghĩa Thuận tiếp tục móc tiền trong ngăn tủ kính thì bị chủ tiệm bắt quả tang giao cho Công an huyện Tư Nghĩa xử lý.
Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Lan. Tuy nhiên gia đình tới bảo lãnh nên đối tượng được tại ngoại. Mặc dù là giáo viên nhưng không hiểu vì sao nhận thức pháp luật của Lan chỉ dừng lại “chắc trộm tài sản và bị bắt cũng không bị đi tù” nên trong thời gian tại ngoại Lan vẫn quyết… theo nghề trộm.
Bốn ngày sao khi được tha, Tuyết Lan lại đột nhập vào nhà người dân ở xã Phổ Văn (huyện Đức Phổ) để trộm tài sản nhưng chủ nhà phát hiện bắt giữ và giao cho công an xử lý. Bị giam giữ tại Công an huyện Tư Nghĩa, đối tượng Lan đã giả “đóng kịch” bằng cách lên cơn động kinh co giật và được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi để khám và điều trị. Dù bị còng tay vào giường bệnh, nhưng cô giáo kiêm “siêu” trộm này vẫn lợi dụng lúc không có người trông coi đã tháo được còng số 8, phá chốt cửa phòng bệnh trốn thoát trong đêm. Sau đó cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Tư Nghĩa đã ra lệnh truy nã toàn quốc đối với Ngô Thị Tuyết Lan.
Đến đầu tháng 4/2010, sau 2 năm lẩn trốn, công an bắt được đối tượng Lan khi đang lẻn về thăm gia đình. Toàn án nhân dân địa phương này cũng đưa Lan ra xét xử và tuyên phạt với mức án 12 tháng tù giam về tội “Trốn khỏi nơi giam giữ” và 12 tháng tù giam vì tội “trộm cắp tài sản”. Tổng cộng nữ giáo viên này phải nhận mức án là 24 tháng tù giam.
Tuy nhiên, trong thời gian thi hành án phạt tù tại Trại giam Kim Sơn (thuộc Tổng Cục VIII, Bộ Công an, đóng tại xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) tưởng rằng Ngô Thị Tuyết Lan được cải tạo, giáo dục thì sẽ bỏ máu mê cờ bạc, nghề trộm cắp. Thế nhưng cuối năm 2011, sau khi chấp hành hình phạt tù giam về nhà, Lan lại “ngựa quen đường cũ” vẫn đi trộm cắp tài sản đánh bạc….
Chân dung cô giáo “đạo chích”
“Thành tích” và cái giá phải trả của Lan thì đã quá rõ, nhưng còn nỗi đau, sự xấu hổ… thì đang đè nặng lên vai người thân, nhất là người chồng của Lan. Lan trước kia từng là niềm tự hào của mọi người, được bạn bè ngưỡng mộ nhưng suốt thời gian dài từ năm 2007 đến nay “vào tù ra tội”, khổ thân ông chồng vừa đi dạy vừa chăm con và còn phải đi thăm nuôi vợ. Lúc thì ở nhà tạm giữ của công an các huyện trong tỉnh lúc thì vào tận tỉnh Bình Định. Nhưng lòng vị tha và sự hiền hậu hiếm thấy của người chồng vẫn không lay chuyển được thói trộm cắp của một phụ nữ nguyên vốn là giáo viên như Lan.
Lan sinh ra và lớn trong gia đình làm nông nghèo, tuy nhiên, Lan khá thông minh, lại cám cảnh được cái cơ cực của ba mẹ nên ra sức học tập, ao ước sau này sẽ trở thành giáo viên để dạy chữ cho các em nhỏ. Sau khi tốt nghiệp khoa Ngoại ngữ Trường Cao đẳng Sư Phạm Quảng Ngãi, Lan mang kiến thức mình học về quê dạy học.
Ở thời điểm đó những người có kiến thức như Lan rất hiếm nên cô nhanh chóng được nhận công tác dạy môn tiếng Anh của một người tiểu học trong huyện, rồi kết hôn luôn cùng một đồng nghiệp. Hết giờ dạy học ở trường, vợ chồng Lan lại ra đồi trồng rau, sắn, nuôi gà, kinh tế tuy vất vả nhưng rộn tiếng cười vui khi Lan sinh hạ cậu con trai kháu khỉnh.
Những tưởng hạnh phúc của một gia đình giáo viên là mãi mãi thì trời xui đất khiến thế nào mà bỗng dưng cô giáo Lan lại lao vào con đường bài bạc. Sức hút mãnh liệt của những cuộc chơi đỏ đen khiến Lan không thể cưỡng lại được. Thay vì hết giờ dạy học về nhà cơm canh, thu vén gia đình thì cô giáo lại lao mình vào những chiếu bạc.
Càng chơi càng thua Lan lại càng cay cú. Khi hết tiền mặt, Lan về nhà lẻn móc túi chồng. Lúc này người chồng biết đã nhiều lần ngăn cản và Lan cũng hứa sẽ từ bỏ. Nhưng “lời hứa gió bay”, cô lại trốn chồng đi “ngồi đồng” ở những chiếu bạc. Tất cả tài sản gia đình cũng được Lan mang đi “nướng” vào những ván bài.
Không có tiền chơi, cô giáo tiểu học này đi vay mượn bạn bè, người thân, hàng xóm láng giềng… nhưng không có ngày trả nên mọi người không tin tưởng nữa. Quẫn trí, Lan bắt đầu nảy sinh ý định trộm cắp. Cứ ngoài giờ lên lớp giảng dạy học sinh, cô giáo này lại chơi đỏ đen.
Khi thua bài hết tiền, Lan nghĩ kế tìm cách trộm cắp tài sản người khác. Và đến nay, đã hàng chục lần bị bắt về tội “đạo chích” nhưng nữ giáo viên này không hối cải mà tiếp tục “ngựa quen đường cũ”. Dần dần, dạy học chỉ còn là nghề “phụ trợ” tạo vỏ bọc để cô giáo Lan “phát triển” nghề chính là… trộm cắp của mình để rồi “thành tích “vào tù ra tội đeo đẳng gia đình, người thân của Lan.
Vân Anh