Nữ điệp viên nghiệp dư phá tan kế hoạch hủy diệt nước Anh

(PLO) -Jeannie Rousseau sinh ngày 1/4/1919 tại Saint-Brieuc, vùng Brittany miền Tây Bắc nước Pháp. Cha bà là một cựu chiến binh trong Thế chiến thứ nhất, cũng là một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Pháp trước khi nghỉ hưu. 
Với vẻ ngây thơ và quyến rũ, Jeannie Rousseau đã nhanh chóng tiếp cận các tài liệu mật về vũ khí của Đức quốc xã
Với vẻ ngây thơ và quyến rũ, Jeannie Rousseau đã nhanh chóng tiếp cận các tài liệu mật về vũ khí của Đức quốc xã

Can đảm, mưu trí và xinh đẹp, đó là những gì người ta nói về Jeannie Rousseau de Clarens, một trong những điệp viên cừ khôi của nước Pháp trong Thế chiến II. Rousseau chính là người đánh cắp bí mật quan trọng của Đức Quốc xã – kế hoạch xây dựng và thử nghiệm tên lửa V-1 và V-2 nhằm “san phẳng” London (Anh). 

Từ phiên dịch thành điệp viên

Có năng khiếu về ngoại ngữ, Rousseau là học sinh ưu tú của trường Khoa học hàng đầu Paris. Năm 1939, bà tốt nghiệp đại học loại ưu. Đó cũng là lúc cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, cả gia đình Rousseau chuyển tới Dinard, cũng ở Brittany, nơi mà họ tin rằng sẽ thoát khỏi sự kiểm soát của  người Đức. Nhưng rồi cuộc chiến ngày một khốc liệt, vùng Dinard yên bình cũng không tránh khỏi sự chiếm đóng của “ngoại bang”. 

Trong lúc thị trưởng Dinard đang bối rối vì chưa tìm được ai biết tiếng Đức làm phiên dịch thì cha Rousseau tình nguyện đề cử con gái mình.    Rousseau chấp nhận vì đó cũng là cách để bà nghe ngóng tính hình. Với vẻ ngoài xinh đẹp, duyên dáng như một ngôi sao điện ảnh Pháp và khả năng tiếng Đức lưu loát, Rousseau nhanh chóng chiếm được thiện cảm của những sĩ quan Đức. “Họ rất vui khi nói chuyện với ai đó có thể hiểu họ”, Rousseau kể lại.

Thế nhưng những gián điệp Đức Quốc xã ở London đã phát hiện thấy rất nhiều thông tin tình báo bị thu thập được từ khu vực Dinard và nghi ngờ có sự hiện diện của một nhân viên tình báo nằm vùng. Trong khi đó, Rousseau đang gây sự chú ý bởi là một phiên dịch tài ba, qua lại thường xuyên với người Đức.

Tháng 9 năm 1940, một người đàn ông lạ mặt đến và đề xuất với Rousseau việc chia sẻ các thông tin mà bà có khi tiếp xúc với người Đức. Cuộc gặp đã không qua mắt được các mật vụ Đức. Tháng 1 năm 1941, chúng đã bắt giữ và thẩm vấn Rousseau ở nhà tù ở Rennes, nhưng bà cũng nhanh chóng được thả vì thiếu bằng chứng.

Một số sĩ quan Đức không nghĩ rằng nữ phiên dịch quyến rũ của họ có thể là một gián điệp. Dù được thả nhưng Rousseau được lệnh phải rời khỏi Dinard. Bà trở lại Paris, tiếp tục công việc phiên dịch tiếng Đức cho Hội doanh nhân Pháp.

Một lần, trên chuyến tàu đêm từ Paris đến Vichy, bà gặp lại một người bạn học cũ. Đó là Georges Lamarque, người thành lập  “Druids” một mạng lưới thu thập thông tin cho lực lượng Kháng chiến Pháp. Chuyến tàu hôm ấy đông nghịt, không còn một ghế trống nào. Rousseau và Lamarque nói chuyện ngoài hành lang, bất chợt Lamarque hỏi Rousseau liệu có muốn hợp tác với anh không. Rousseau đồng ý ngay lập tức. Và từ chuyến tàu đêm đó, bà mang mật danh “Amniarix”. 

Jeannie Rousseau năm 23 tuổi
Jeannie Rousseau năm 23 tuổi

Kế hoạch hoàn hảo

Năm 1943, Rousseau lấy tên Madeleine Chauffour tiếp tục làm phiên dịch tại Paris cho một hiệp hội doanh nhân người Pháp, đại diện cho lợi ích của họ và giúp họ thương lượng hợp đồng với người Đức. Sự trẻ trung và quyến rũ của một nữ phiên dịch đã giúp bà tiếp cận dễ dàng với các quan chức Đức quốc xã. Không ai thắc mắc về sự có mặt của bà trong những buổi họp mặt thường lệ của các sĩ quan Đức trên Đại lộ Hoche.

Bà biết làm cách nào để che dấu thân phận và ngày càng hấp dẫn hơn dưới con mắt của những tên lính chiếm đóng. “Tôi trêu chọc họ, chế giễu họ, nhìn họ với đôi mắt mở to, khăng khăng rằng họ thật điên rồ khi nói về loại vũ khí mới có thể bay qua những khoảng cách lớn, nhanh hơn bất kỳ máy bay nào”, Rousseau kể.

Thế rồi một sĩ quan cố gắng thuyết phục bà và cuối cùng đã cho bà xem bản vẽ của tên lửa mới mà Đức quốc xã đã chế tạo. Đó là tên lửa V1 và V2 - những tên lửa tầm xa hoàn toàn mới mà quân phát xít muốn dùng nó để “san phẳng” London và hủy diệt quân Đồng minh. Với một bộ não siêu phàm, bà “chụp lại” bản vẽ đó bằng trí nhớ của mình và mô tả nó một cách chi tiết cho đồng nghiệp, Georges Lamarque, trong một lần gặp mặt bí mật. 

Thông tin về loại vũ khí bí mật nhanh chóng được thông báo cho tình báo Anh. Ở London, các nhà phân tích tình báo đã kinh ngạc về những thông tin họ nhận được từ Paris, đáng chú ý là một tài liệu gây shock mang tên “Báo cáo Wachtel”. Báo cáo cho biết, sĩ quan Đức phụ trách chương trình tên lửa là Đại tá Max Wachtel. Các chi tiết về tên lửa, nơi chế tạo là một nhà máy ở làng Peenemünde, trên bờ biển Baltic ở Pomerania (Đức), thậm chí kế hoạch phóng tên lửa đều có trong báo cáo. 

Dựa vào bản báo cáo này và thông tin tình báo khác, Thủ tướng Anh Winston Churchill đã quyết định tấn công nhà máy chế tạo vũ khí của Đức quốc xã ở Peenemünde. Gần 600 máy bay ném bom đã được triển khai. Cuộc tấn công gây ra thương vong nặng nề ở một trại lao động lân cận, nhưng cũng đã thành công trong việc trì hoãn việc sản xuất các loại siêu bom và tên lửa có thể hủy diệt châu Âu. 

Trong cuốn “1940-1944: Lịch sử bí mật của bức tường Đại Tây Dương” (2003), nhà sử học Rémy Desquesnes gọi “Báo cáo Wachtel” là “kiệt tác trong lịch sử thu thập thông tin tình báo”. Và người thu thập thông tin cho báo cáo được biết đến bằng mật danh Amniarix được miêu tả là “một trong những nữ anh hùng của thế kỷ 20”.

Bà Jeannie Rousseau và chồng Henri. Cả hai từng sống trong những trại tập trung
Bà Jeannie Rousseau và chồng Henri. Cả hai từng sống trong những trại tập trung

Ký ức thời chiến

Năm 1944, giới tình báo Anh có ý định mời Rousseau đến London để gặp mặt. Bà và hai điệp viên khác lái xe đến Tréguier, ở Brittany, nơi họ được dẫn tới một chiếc thuyền đợi sẵn. Thật không may, một ngày trước khi cuộc hẹn, người liên lạc của họ đã bị bắt. Sau khi ra khỏi xe và đi về phía nơi gặp mặt, Rousseau cũng bị bắt. Khi bị hai tên lính áp giải vào xe, bà nói lớn vài câu bằng tiếng Đức, một ám hiệu để đồng đội trốn thoát. 

Rousseau bị thẩm vấn tại Rennes, nhưng các quan chức nhà tù không biết đến tên thật của bà và họ chỉ biết bà là Chauffour. Bà đã được gửi tới Ravensbrück, trại nữ tập trung khét tiếng, rồi bị đưa đến Torgau vùng Saxony nơi có một nhà máy sản xuất vũ khí và thuốc nổ, cùng với 500 tù nhân khác. Quyết tâm đứng lên, Rousseau tiếp cận vị chỉ huy trại và tuyên bố bằng tiếng Đức rằng bà và những người bạn tù khác là tù nhân chiến tranh và theo Công ước Geneva, họ không thể sản xuất vũ khí.

Rousseau bị đưa về Ravensbrück, trại tập trung che giấu những bí mật kinh khủng mà nhiều thập kỷ sau khi Thế chiến II kết thúc người ta mới dần biết tới. Chế độ quản lý trại Ravensbruck rất tàn bạo với nhiều hệ thống trừng phạt khiến người ta phải rùng mình. Tù nhân phải lao động khổ sai hằng ngày. Có nhiều người mệt lả và ngã gục. Những người giúp họ đứng dậy sẽ bị đánh đập vì theo quy định của trại, giúp tù nhân khác là một tội.

Rousseau đến trại tập trung này trên một chiếc xe tải chở tù nhân bị thương hàn. Tới nơi, họ bị nhốt vào một nơi tăm tối và bẩn thỉu, đồng thời  được giao  những công việc nặng nhọc nhất. Khoảng 30.000 đến 50.000 phụ nữ phải chết ở trại tập trung này, phần vì bệnh tật, phần vì bị bóc lột,  bị lạm dụng hoặc bị xử tử.  

Rousseau cũng suýt mất mạng vì nhiễm bệnh lao mà không được chữa trị khi ở trong trại tập trung này. Năm 1945, may mắn bà được Hội Chữ Thập Đỏ Thụy Điển phát hiện và cứu chữa trong những tuần cuối cùng của cuộc chiến tranh. Cùng với nhiều tù nhân khác, cuối cùng Rousseau đã được tự do. Trong khi đang điều trị bệnh lao, bà gặp Henri de Clarens, một bệnh nhân bị giam ở Buchenwald và vài năm sau đó họ kết hôn. Ông de Clarens sau này trở thành một giám đốc ngân hàng. Ông qua đời vào năm 1995. 

Sau chiến tranh, Rousseau làm phiên dịch tự do cho một số tổ chức của Liên hợp quốc. Bà hiếm khi nói chuyện về thời chiến cũng như những việc đã làm. Rousseau từng nói “Những gì tôi làm được thật quá ít ỏi. Tôi chỉ là một hạt cát nhỏ trong đại dương mênh mông mà thôi”.

Năm 1993, giám đốc cơ quan tình báo Pháp, R. James Woolsey, đã tặng bà huy chương Seal Medallion (nay là Huân chương) vì những đóng góp to lớn cho nỗ lực của quân Đồng Minh trong Thế chiến II với tư cách là thành viên của lực lượng Kháng chiến Pháp. Những năm cuối đời, Jeannie Rousseau sống tại một thành phố miền Đông nam nước Pháp. Bà qua đời ngày 25/8/2017, ở tuổi 98./. 

Đọc thêm