Bên hồ Đại Lải, cạnh khu Nhà nghỉ TƯ dành cho cán bộ lão thành cách mạng, du khách không thể không biết đến một khu nghỉ dưỡng cao cấp như một niềm tự hào của vùng đất Mê Linh này. Đó là quần thể Khu dịch vụ du lịch Trưng Vương - Khách sạn Hưng Hải. Chủ của khu nghỉ dưỡng này là chị Đinh Thị Liên - một phụ nữ đã trải qua bao thăng trầm, dâu bể của cuộc đời.
Quá khứ gian nan
Quê gốc chị Liên ở Từ Sơn (Bắc Ninh). Nhìn những thành công hiện tại, không ai nghĩ rằng chị đã bắt đầu cuộc đời lại lắm truân chuyên đến thế. Lớn lên trên “Quê hương Quan họ” nên tâm hồn chị thấm đượm trong những làn điệu dân ca quê hương. Chị đã phải trải qua những năm tháng tuổi thơ đầy cơ cực.
Vượt lên tất cả, năm 1965, chị vào Trường Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn, học lớp vận động viên khóa I. Tưởng rằng bước vào giảng đường đại học để có cơ may đổi đời, song chỉ được 6 tháng chị đã phải rời trường vì một sự nhầm lẫn không đáng có của nhà trường.
Tất tưởi chạy lo tìm việc bước vào đời, chị Liên có được một chân công nhân ở Nông trường Tam Thiên Mẫu (Thuận Thành, Bắc Ninh). Thế rồi ở đây, chị đã bươn bả, lăn lộn với việc chăn nuôi, trồng lúa kiếm kế sinh nhai. Một thời gian sau, chị lấy chồng và đến năm 1977, về Phúc Yên định cư lập nghiệp cho đến tận ngày hôm nay.
Hai vợ chồng chị cùng là “dân địa chất”. Thời bao cấp không nói ai cũng hiểu cái sự nhọc nhằn. Nhật ký chị ghi rõ: “Làm ca 1 từ 6 giờ sáng đến 1 giờ 30 chiều. Tan ca, chị đạp xe từ Phúc Yên đi Hà Nội, đến các chợ Bắc Qua - Đồng Xuân mua quần áo về bán kiếm lời.
Vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cơ quan, sử dụng thời gian rảnh rỗi để kiếm thêm tiền nhưng vẫn bị chì chiết, soi mói cho rằng việc “chạy chợ” như vậy là việc xấu (!?)”. Ngày chị làm đơn xin nghỉ mất sức lao động, Giám đốc Nhà máy Cơ khí 2 địa chất Phúc Yên nói: “Anh đồng ý để em nghỉ và anh tin em sẽ kinh doanh thành công”.
Từ đó, chị Liên vẫn lên Hà Nội mua quần áo về bán. Mùa hè đi nhận kem rồi đạp xe đạp bán kem rong; mùa đông mổ lợn 3 giờ sáng mang ra chợ Phúc Yên bán. Buôn bán quần áo, kem, thịt lợn... đến vắt kiệt sức của người phụ nữ ấy, chị chỉ còn 48kg và phải vào viện cả tháng trời. Gặp một nữ y sĩ tốt bụng để khi ra viện, họ cùng đi buôn lạc (đậu phụng) với số vốn ít ỏi ban đầu là 70kg. Đấy là năm 1983. Chị mang lạc xuống Hải Phòng đổi lấy dược liệu tinh dầu gồm: quế, thảo quả, sa nhân.
Từ 70 kg ban đầu, chỉ vài tháng chị đã có hàng tấn, hàng chục tấn, lãi ngày càng lời. Chị mạnh dạn bàn với Cửa hàng ngoại thương huyện Mê Linh “tính chuyện làm ăn lớn”. “Quả” đầu tiên thắng đậm là áp Tết 1984, chị mua 1,5 tấn thảo quả, cùng với Ngoại thương huyện bán hàng thu lãi 6 cây vàng. Từ đó, việc làm ăn ngày càng mở rộng về quy mô và thị trường.
Nhịp bước cùng thời đại
Đất nước đổi mới, chị Liên như được tiếp thêm sức mạnh. Đầu năm 1993, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho phép thành lập Công ty Nông lâm sản xuất nhập khẩu Phúc Thắng. Dược liệu vẫn là hàng chủ lực. Thế là chị rong ruổi vào Nam ra Bắc, bạn hàng ngày càng nhiều, lợi nhuận cũng tăng lên. Đặc biệt, chị Liên được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cử đi học lớp Quản lý doanh nghiệp 1993-1994 rồi cho đi khảo sát thị trường ở Hoa Kỳ.
Đi nhiều biết rộng, càng mở mang tầm nhìn về công việc kinh doanh. Không thỏa mãn với những gì đã có, chị hướng vào du lịch. Chị Liên tâm sự: Vùng đất Mê Linh có đền thờ Hai Bà Trưng, có hồ Đại Lải sơn thủy, hữu tình, có nhà nghỉ TƯ dành cho bậc lão thành cách mạng. Nơi đây chỉ cách Hà Nội 30km, cách sân bay Nội Bài hơn 10 km, rất thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái.
Chị là người đầu tiên có ý tưởng và xin tỉnh cho mở dịch vụ khách sạn - du lịch bên hồ Đại Lải. Tỉnh Vĩnh Phúc đồng ý ngay và cấp 5.000m2 đất theo dự án. Tháng 10/1994, chị bắt đầu khởi công xây dựng khách sạn 3 sao với vốn đầu tư trên 20 tỷ đồng. Một quần thể du lịch - giải trí mọc lên bên triền đồi cạnh hồ Đại Lải thơ mộng.
|
Chị Đinh Thị Liên |
Có thể nói rằng, chị Đinh Thị Liên là người đầu tiên khám phá để khai thông ra con đường du lịch vào hồ Đại Lải và đến hôm nay nó đã trở thành khu du lịch sinh thái sầm uất, sôi động với lượng khách du lịch ngày càng đông; nhiều doanh nghiệp cũng đã và đang đầu tư xây dựng nhà nghỉ, khách sạn ở đây.
Những ngày cuối thu chớm đông vừa qua, tôi ghé về Đại Lải, đến khách sạn Hưng Hải mà phòng đã kín. Tôi gặp những người từ Hà Nội, Hà Tây, Nam Định, Nghệ An... và rất nhiều khách nước ngoài đến đây nghỉ dưỡng.
Là khách sạn đầu tiên của tỉnh được Tổng cục Du lịch công nhận đạt tiêu chuẩn khách sạn 3 sao, Hưng Hải với 60 phòng nghỉ khang trang, hiện đại vào bậc nhất tại khu vực hồ Đại Lải hiện nay. Với chất lượng phục vụ tốt, giá cả phải chăng, Trung tâm thương mại du lịch Trưng Vương luôn được nhiều người tin tưởng, lựa chọn làm nơi tổ chức hội nghị, sinh nhật, đám cưới và nghỉ dưỡng.
Đặc biệt, để đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng, du lịch ngày càng cao của người dân, cùng với tập trung nâng cao chất lượng phục vụ khách ở Khách sạn Trưng Vương, năm 2006, chị Liên đã đầu tư 1.400 tỷ USD mua 2 ha đất, xây dựng khu Ressort Sen Vàng, với 40 phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn 2 sao ở bãi biển Diễn Châu (Nghệ An).
Ngoài bộ phận quản lý là người của gia đình, chị Liên đã đào tạo việc làm cho trên 100 lao động và có hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ, có tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ chăm lo đời sống cho người lao động. Hàng năm, doanh nghiệp nộp ngân sách đầy đủ cho Nhà nước và được nhiều bằng khen của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Tổng cục Du lịch và UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Chị Đinh Thị Liên còn được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân Vĩnh Phúc, Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, Ủy viên BCH Hội nữ doanh nhân Việt Nam. Đặc biệt, chị Liên còn vinh dự được chọn là một trong những phụ nữ tiêu biểu, xuất sắc của Việt Nam tháp tùng Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đi thăm chính thức Cộng hòa Nam Phi và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu lần thứ 21 từ ngày 5 đến ngày 7/5/2011 tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tấm lòng nhân ái
Thấm sâu nỗi cơ cực trong quá khứ gian nan của mình, từ năm 1999 đến nay, chị Đinh Thị Liên luôn tham gia công việc từ thiện, đóng góp các quỹ tình thương hơn 500 triệu đồng. Trong đó chị góp vào Quỹ trẻ em tàn tật, tặng cho trẻ bị chất độc da cam ở các xã Phúc Thắng, Kim Hoa, Phú Yên, Ngọc Thanh, Xuân Hòa, Hai Bà Trưng và Trung tâm Bảo trợ xã hội Vĩnh Phúc. Ủng hộ Quỹ người cao tuổi, Quỹ từ thiện, sách vở cho học sinh nghèo, xây nhà đại đoàn kết, tặng sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách...
Hiện chị đang nuôi dưỡng một số cháu mồ côi với mong muốn nâng đỡ các em cho đến tuổi trưởng thành. Luôn khiêm tốn nói về thành công của mình trên con đường kinh doanh nhưng chị Đinh Thị Liên lại rất sôi nổi, hào hứng nói về các chuyến đi làm công tác xã hội, từ thiện vì theo chị, một doanh nhân thành đạt không có nghĩa là chỉ đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương mà còn phải là người có tấm lòng, luôn sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn cả trong và ngoài tỉnh.
Không chỉ là một nữ doanh nhân thành công, với cương vị Chủ tịch Hội Doanh nhân nữ tỉnh, chị Liên đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm tập hợp và giúp các doanh nhân có vốn sản xuất, tìm được đầu ra cho sản phẩm như: Tổ chức các buổi tập huấn nâng cao kiến thức quản trị doanh nghiệp cho hội viên, thành lập nhóm hạt nhân, giao lưu xúc tiến thương mại với các Hội doanh nhân nữ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Phòng, Yên Bái, Bắc Ninh… tổ chức các chương trình liên hoan văn nghệ từ thiện và kêu gọi hội viên, các doanh nghiệp, doanh nhân ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho các quỹ từ thiện, nhân đạo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt.
Nói về những việc làm đầy ý nghĩa này, chị Liên cho biết: Thực lòng tôi luôn nghĩ khi cho đi cũng không mong được nhận lại, bởi nó chỉ đơn giản là cho đi vật chất, tinh thần, giúp đỡ những người nghèo khó, tạo công việc, giúp họ ổn định cuộc sống sẽ khiến tâm hồn tôi trở nên bình yên, thư thái hơn. Với công việc thì phải luôn giữ chữ tín, còn với con người thì điều quan trọng nhất chính là ở cái tâm, xuất phát từ sự chân thành.
Gần 70 tuổi nhưng chị Đinh Thị Liên vẫn không ngừng phấn đấu, thể hiện bản lĩnh của người phụ nữ Việt Nam hiện đại, với nhiều ý tưởng kinh doanh sáng tạo mới, bứt phá đi lên bằng lối đi riêng trong lĩnh vực du lịch. Bởi chị luôn quan niệm dù ở độ tuổi nào, là đàn ông hay phụ nữ, chỉ cần có sự say mê công việc, có bản lĩnh và có cái tâm thì sẽ vượt qua được mọi rào cản để đi tới thành công.