Nữ nghệ sĩ “nhà nòi”
Cơ duyên nào đã đưa chị đến với nghệ thuật và đến với Bài Chòi?
Trong cuộc đời, mọi chuyện đến với chúng ta đều có một cái duyên và dân ca bài chòi đến với tôi cũng là cái hữu duyên. Sinh ra trong gia đình nghệ thuật, ba tôi là trưởng đoàn ca kịch bài chòi Bình Định, từ nhỏ tôi đã được ba đưa đi theo xem ba diễn suốt những năm tháng đi công tác.
Ba dạy tôi bập bẹ vài câu hát rồi từng câu bài chòi thấm vào người và từ khi nào trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Từ đó trong tôi đã xác định là không thể theo bất cứ con đường nào khác ngoài trở thành một người nghệ sĩ, được trình diễn được hát bài chòi như ba mình.
Chị đã đi theo môn nghệ thuật này được bao nhiêu năm?
Năm 15 tuổi (năm 1978) tôi thi tuyển vào lớp trung cấp diễn viên trường Văn hoá Nghệ thuật Nghĩa Bình. Năm 1981, tôi tốt nghiệp ra trường và về công tác tại đoàn ca kịch bài chòi Bình Định. Cũng đã 38 năm tham gia vào con đường biểu diễn nghệ thuật.
Những năm tháng gắn bó với nghề, đâu là quãng thời gian khó khăn nhất của chị?
Đối với mỗi chặng đường để đạt được những thành công nhất định không thể thiếu những khó khăn. Trong quá trình công tác nghệ thuật, tôi trải qúa rất nhiều thăng trầm, trong đó khó khăn nhất là giai đoạn tôi sinh em bé.
Mới sinh ba tháng đã bế con đi công tác, mỗi đợt công tác từ ba tháng trở lên, đi về các vùng quê thiếu thốn đủ điều. Chưa kể 2 vợ chồng đóng vai chính khi con đau ốm, diễn trên sân khấu phải nhờ người trông hộ. Con khóc thì thay phiên nhau chạy lên chạy xuống sân khấu để dỗ.
Khoảng thời gian đó thật sự rất vất vả nhưng tình yêu nghề đã là động lực để bản thân tiếp tục duy trì và cố gắng. Bởi vậy, cứ bôn ba say mê với nghề nên giờ hai vợ chồng có mỗi một cậu con trai, nhiều khi chột dạ cũng buồn nhưng nhìn lại chặng đường nghệ thuật của mình cũng ngậm ngùi chấp nhận (cười).
Khó khăn nhiều vậy, tại sao chị vẫn gắn bó với nghề?
Như tôi đã nói như trên, từ bé từng điệu bài chòi từng câu hát dân ca đã thấm vào máu của tôi. Cái thời tôi vào nghề, người diễn viên chịu nhiều thiệt thòi, vài đồng bồi dưỡng không đủ lo cho con chưa kể không có thời gian cho gia đình, để rồi vượt qua tất cả là do tình yêu nghề tình yêu dân ca bài chòi không bờ bến.
Tình yêu ấy không có ngôn từ nào có thể diễn đạt được, nó là ngọn lửa cháy không ngừng trong tôi là động lực thôi thúc tôi sống hết mình cho đam mê của mình.
Trên con đường nghệ thuật, chị có chịu ảnh hưởng sâu sắc từ người nào không?
Ông nội tôi là một bầu hát xưa, tới ba tôi là một nghệ sĩ, diễn viên và đạo diễn. Hơn cả với tôi, ba là không chỉ là người cha mà còn là người thầy, người truyền đạt tinh thần, tiếp lửa cho niềm đam mê nghệ thuật trong tôi.
Hồi mới còn là một cô bé theo ba xem hát, từng nét diễn từng câu hát đã ăn sâu vào tiềm thức tôi, lớn lên một chút người hướng dẫn tôi hát bài chòi đầu tiên cũng là ba. Đến khi tôi trở thành một người nghệ sĩ thực thụ, ba cũng là người luôn theo dõi, ủng hộ và góp ý cho từng vai diễn của tôi.
Có thể nói, trên chặng đường trưởng thành và hoạt động nghệ thuật của tôi, ba là kim chỉ nam, là người có tầm ảnh hưởng không hề nhỏ, luôn bên cạnh bao dung với tình yêu thương, tiếp cho tôi sức mạnh để có những thành công nhất định như ngày hôm nay.
Chị có thể kể qua một vài vai diễn đọng lại trong chị nhiều kỉ niệm ?
Những vai diễn của tôi từ lúc tham gia nghệ thuật đến giờ thì thực sự không thể nào tôi nhớ được hết, nhưng một số vai diễn tiêu biểu được ghi dấu ấn lại bằng những huy chương vàng tại các hội diễn sân khấu nghệ thuật toàn quốc các năm như:
1990, vai nàng Mai trong vở “Đồng tiền vạn lịch”,1995, vai Huyền Trân trong vở “Huyền Trân công chúa”, 2003, vai đứa bé trong “Đứa con tôi”, 2005, vai Tâm trong “Biển và tôi”, 2010, vai Hạnh trong “Thời con gái đã xa”, 2013, vai công chúa Ngọc Du trong vở “Khúc ca bi tráng”...
Tuy nhiên vai diễn để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi nhất vẫn là vai diễn đứa bé trong vở “Đứa con tôi”. Sở trường vốn có của tôi trước đó là các vai diễn đào bi đào thương, nhưng với vai diễn đứa bé đã đánh dấu bước đột phá trong diễn xuất của bản thân. Lúc đọc kịch bản, đạo diễn NSND Hoài Huệ cũng là chồng tôi có nói:
“Không thể có ai thể hiện vai này tốt hơn em”! Ở tuổi 41, tôi hóa thân vào một cậu bé trai bụi đời từng trải, không có cha mẹ, vô tình tìm lại được người mẹ của mình đã lấy trọn tình cảm và nước mắt của khán giả ở hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2003 tại Đà Nẵng, nhận được huy chương vàng thủ khoa cùng sự đánh giá cao của báo chí và bạn bè đồng nghiệp.
Hồ Thu trong vở “Khúc ca bi tráng” tại cuộc thi nghệ thuật sân khâu Tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Sức sống của một loại hình nghệ thuật dân gian
Chị đánh giá như thế nào về lượng nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật dân gian hiện nay và số lượng khán giả còn “đọng” lại với nghệ thuật dân gian Bài Chòi nói riêng?
Hiện nay nền văn hóa nghệ thuật cũng có những bước phát triển tiếp thu nhiều nền văn hóa bên ngoài, nghệ thuật dân tộc nói chung và dân ca Bài Chòi cũng chịu ít nhiều ảnh hưởng.
Có thể nói so với thời đại của chúng tôi, thì giới trẻ hiện nay thường bị hút vào đa dạng các hình thức nghệ thuật mới nên sự đam mê yêu thích theo đuổi với Bài Chòi ngày càng ít đi, song vẫn còn tồn tại bộ phận theo đuổi với Bài Chòi với tình yêu nghề, những người đang trở thành thế hệ tiếp bước giữ gìn và phát huy dân ca bài chòi như một di sản tinh thần của ông cha ta truyền lại.
Điều chị muốn “truyền lửa” nhất cho thế hệ học sinh của mình là gì?
Đó là sự đam mê và cảm hứng đối với sân khấu nghệ thuật truyền thống dân ca Bài Chòi. Tồn tại sự đam mê yêu nghề thì mới phát huy được sự cố gắng rèn luyện của bản thân mới có thể trở thành một nghệ sĩ thực thụ
Bài Chòi được biết đến nhiều ở miền Trung và miền Nam, theo chị việc đưa Bài Chòi đến nhiều hơn với miền Bắc có gặp khó khăn gì không?
Cũng như cải lương ở miền Nam hay chèo ở miền Bắc thì dân ca Bài Chòi là một “đặc sản” riêng của miền Trung. Năm 1954 đoàn Bài Chòi liên khu 5 cũng được thành lập tại Hà Nội trình diễn vở diễn đầu tiên “Tiếng sấm Tây Nguyên” và “Thoại Khanh Châu Tuấn” vào 1957 được sự thu hút của khán giả Thủ đô.
Tuy nhiên, việc mỗi vùng miền có những đặc trưng bản sắc riêng trong văn hóa nên việc đưa Bài Chòi “Bắc tiến” và duy trì điều đó thì thật sự không phải là việc đơn giản của một cá nhân hay tổ chức nào cụ thể mà là sự kết hợp chung tay ủng hộ của tất cả các cấp lãnh đạo, các địa phương thì mới có thể đạt được hiệu quả cao.
Nền văn hóa chúng ta đang ở giai đoạn phát triển theo chiều hướng hiện đại hóa với sự du nhập tràn lan và đa dạng các loại hình văn hóa mới, là một người nghệ sĩ của nền nghệ thuật truyền thống việc e ngại trước sự mai một là điều tất yếu, nhưng với niềm tin vào sự lãnh đạo của Nhà nước bảo tồn và phát huy nền văn hóa truyền thống dân tộc, tôi tin rằng dân ca Bài Chòi sẽ không bao giờ mất đi. Đó cũng là niềm tin mạnh mẽ của tôi và tôi đặt trọn niềm tin ở thế hệ trẻ tiếp bước chúng tôi sau này…
Hát bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân gian xuất hiện cách đây khoảng 300 – 400 năm ở các tỉnh vùng Nam Trung Bộ. Người dân miền Trung bắt đầu từ Quảng Bình đi vào tận đến Phan Thiết đều ưa chuộng loại hình này. Theo các nhà nghiên cứu, chính từ trò chơi bài chòi mà nghệ thuật hát bài chòi ra đời.
Để chơi bài chòi, người ta dựng 9 hoặc 11 cái chòi hình chữ V, chia thành 2 bên, mỗi bên 5 chòi, mỗi chòi cao độ 2-3m, rộng đủ vài ba người ngồi và một chòi trung tâm (chòi mẹ) ở giữa dành riêng cho các vị có chức tước hay có uy tín trong làng muốn tham gia cuộc chơi, cũng có thể dành cho cặp vợ chồng mới cưới.