Nữ phóng viên hành động chống rác thải nhựa

(PLVN) -  Tại Hội thảo ra mắt mạng lưới “Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa” do Quỹ Vì tầm vóc Việt (VSF) mới tổ chức, nhiều chuyên gia đã chỉ ra thực trạng nhức nhối của ô nhiễm nhựa tại nước ta. Trong bối cảnh đó, vai trò của ngành truyền thông ngày càng quan trọng.
Rác thải nhựa ở các bờ biển.

Thực trạng nhức nhối

Ông Nguyễn Đức Vinh, Chủ tịch Mạng lưới Nhựa và Sức khỏe (PHA) dẫn chiếu một nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên năm 2020 cho thấy chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Trong đó, chỉ có 10% số rác thải nhựa được tái chế sử dụng. Chỉ riêng hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh, ước tính mỗi ngày tổng lượng chất thải túi nilon và đồ nhựa các loại lên tới 80 tấn. Mặt khác, Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Việt Nam của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xác định mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người ở Việt Nam đã tăng lên 81kg/người/năm và 70% trong số đó trở thành rác thải.

Đáng nói, chất thải nhựa và ô nhiễm nhựa đang gia tăng do xu hướng sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Tác hại của vấn nạn này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên mà chính con người cũng là nạn nhân. Cũng theo ông Vinh, hạt vi nhựa được tìm thấy ở khắp nơi như trong đại dương, muối biển, vi sinh vật biển, nước máy,… thậm chí trong cơ thể người. Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra 90% muối ăn trên thế giới nhiễm hạt vi nhựa, trung bình mỗi người nuốt phải 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm, tương đương khoảng 250 gam. “Như vậy có thể nói mỗi người Việt Nam nuốt gần một chiếc thẻ tín dụng mỗi năm”, ông Vinh so sánh.

Được đánh giá là đất nước đứng thứ 4 trên thế giới về số lượng rác thải nhựa ra đại dương, hiện trạng cấp bách về ô nhiễm nhựa ở nước ta cho thấy tầm quan trọng của rất nhiều sáng kiến, hành động mạnh mẽ nhằm thay đổi nhận thức và đẩy lùi vấn nạn này. Giảm thiểu chất thải từ nhựa, nilon, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và nilon khó phân hủy, đặc biệt các sản phẩm nhựa dùng một lần. Giải quyết vấn đề này không thể là trách nhiệm của riêng ai mà cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân. Trong đó, vai trò của công tác truyền thông rất quan trọng.

Thông điệp truyền thông

“Hiện nay, chỉ cần lên Google tìm kiếm sẽ thấy vô vàn bài viết trên các website, mạng xã hội, thậm chí trên báo đài, về rác thải nhựa nhưng nhiều bài viết chứa những thông tin không chính xác bởi không tiếp cận nguồn tin chính thống mà chỉ cóp nhặt từ nhiều nguồn khác nhau. Nếu là người dân, họ sẽ khó thể phân biệt được đâu là thông tin hữu ích và cần hành động như thế nào”, ông Vinh đánh giá.

Đồng tình, ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho hay: “Hiện xã hội đang chống chủ yếu là nhựa dùng một lần, tức là loại nhựa khó thể tái chế, khó phân hủy; chứ chúng ta không kêu gọi toàn xã hội tẩy chay ngành nhựa, bởi nhựa không chỉ là một phát minh vĩ đại của con người mà ngành nhựa tại Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước nhà. Chính vì thế, người làm truyền thông cần làm rõ thông điệp của mình, tránh việc gây hiểu nhầm, tạo ra những phản ứng trái chiều”.

Có thể thấy, hoạt động truyền thông về chống rác thải nhựa trong những năm nay ngày càng đa dạng hơn, tác động không nhỏ đến nhận thức xã hội. Trong bối cảnh đó, ông Lý cũng đề xuất, bên cạnh việc đưa tin, bài, tổ chức các talkshow, toạ đàm, diễn đàn báo chí về ô nhiễm nhựa, các đơn vị truyền thông, cơ quan báo chí cũng có thể tổ chức nhiều sự kiện tương tác khác như giải chạy chống nạn ô nhiễm nhựa; chương trình nghệ thuật đường phố, Gala nghệ thuật chống rác thải nhựa; các sự kiện tương tác trực tiếp với người dân tại các siêu thị, trung tâm thương mại; cuộc thi vẽ tranh cho thanh, thiếu nhi; chương trình trồng cây xanh, làm sạch môi trường biển và các bãi chôn lấp nhựa;…

Trong công tác truyền thông, yếu tố quan trọng nhất là thông tin phải đảm bảo tính cập nhật, chính xác và hấp dẫn. Trong đó, ngành báo chí bên cạnh việc lan toả những hình ảnh đẹp, tấm gương sáng; còn góp phần không nhỏ vào việc phát hiện, đấu tranh với các hành vi sai phạm, đảm bảo sự kịp thời, khách quan, trung thực, phòng chống những cái xấu, tiêu cực.

Theo bà Lê Thị Thanh Huyền – Giám đốc truyền thông của Tập đoàn TH, hoạt động truyền thông có thể bắt đầu ngay từ “chiếc thùng rác” trong gia đình mình đến những vấn nạn nhức nhối mang tính phức tạp như buôn lậu rác thải nhựa xuyên biên giới. Còn theo ý kiến của một đại diện đến từ Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên châu Á (WWF), chính những người làm truyền thông cũng cần là một tấm gương sáng, có thể bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất như từ chối ống hút nhựa khi uống nước tại các quán cà phê.

Nhìn chung, chống rác thải nhựa là một vấn đề mang tính hệ thống, cần tác động sâu đến nhận thức của mọi người. Phải nhận thức đúng đắn thì mới hành động đúng đắn.

Sáng kiến “Mạng lưới phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa” tại Việt Nam của Quỹ Vì tầm vóc Việt (VSF) nhằm góp phần thay đổi nhận thức về vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đang ngày càng trầm trọng, đặc biệt là nâng cao năng lực, sự tham gia và lãnh đạo của các phóng viên nữ trong điều tra, đưa tin về ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa.

Dự án nhận được sự đồng hành của nhiều đơn vị như Công ty Cổ phần Tetra Pak Việt Nam; Viện Chiến lược Chính sách và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE), Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam (VB4E), Mạng lưới Đối tác hành động về nhựa và sức khỏe (PHA).

Bà Trần Thị Như Trang, Giám đốc VSF nhận định, trên thực tế, nhiều phóng viên nữ chưa có được cơ hội tham gia bình đẳng trong lĩnh vực điều tra về môi trường, do đó đây chính là tiền đề để xây dựng Mạng lưới này.

Đọc thêm