Ngày 13/11, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Trần Thị Sớm (SN 1979, ở Phù Cừ, Hưng Yên) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Bị hại trong vụ án là 29 người.
Theo hồ sơ vụ án, sau khi mua lại Cty CP Tập đoàn Bifa Land Group (Cty Bifa Land Group) với giá 10 triệu đồng, Sớm thay đổi đăng ký kinh doanh với thông tin Sớm là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ, vốn điều lệ Cty là 99 tỷ đồng. Sau đó, Sớm mở Văn phòng đại diện tại Hà Nội, Nghệ An, thuê nhân viên pháp lý, truyền thông, thị trường.
Thực tế, Cty không có vốn thật như đăng ký, không có hoạt động kinh doanh, không đầu tư dự án. Khoảng tháng 9/2022, để có tiền chơi tiền ảo và kinh doanh đa cấp, Sớm đã nảy sinh việc huy động vốn dưới hình thức ủy thác đầu tư và chiết khấu dưới hình thức đại lý đa cấp.
Tài liệu điều tra thể hiện, mặc dù Cty không có hoạt động kinh doanh song Sớm “nổ” Cty có các dự án trọng điểm: “Nam Sơn Eco City”; “tổ hợp căn hộ du lịch nghỉ dưỡng INTERCON Quảng Bình”, đã xin được chủ trương đầu tư, có quy mô hàng nghìn tỷ đồng. Khi nhà đầu tư đến văn phòng, Sớm hoặc các nhân viên Cty sẽ giới thiệu cho nhà đầu tư các nội dung trên.
Để các bị hại tin tưởng, Sớm vẽ ra các dự án bằng cách sao chép các dự án trên mạng xã hội để lập thành dự án công ty. Ngoài ra, bị cáo cũng tổ chức hội thảo, hội nghị đưa ra các chính sách hấp dẫn để nhà đầu tư tin tưởng giao tiền. Trong đó, Sớm đã tổ chức 2 hội nghị tại văn phòng ở Nghệ An để quảng bá, lôi kéo nhà đầu tư góp vốn.
Ngoài ra, bị cáo còn giới thiệu, xây dựng các hình ảnh Cty Bifa Land Group sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề, có nhà máy, dây chuyền sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng như sữa, dầu nhờn, mỹ phẩm…
Để lôi kéo được các bị hại, Sớm xác lập các hợp đồng ủy thác đầu tư giữa Cty với một số cá nhân. Thực chất các cá nhân này không đầu tư vào công ty. Sau đó, bị cáo chụp ảnh đưa lên nhóm zalo chung có các nhà đầu tư tham gia.
Sớm cũng đưa ra phương thức đầu tư và cam kết trả lợi nhuận hàng ngày với tỷ suất cao (6%/tháng) cá nhân đầu tư 300 triệu đồng và đội nhóm đạt doanh số 2 tỷ đồng trở lên sẽ được giao xe ô tô trị giá 1,3 tỷ đồng…
Theo cơ quan chức năng, ban đầu, Sớm trả tiền hoa hồng cho các nhà đầu tư theo cam kết bằng hình thức lấy của người sau trả cho người khác. Sau đó, bị cáo giãn tiến độ và không trả tiền, chuyển địa điểm văn phòng để cắt đứt liên lạc. Do đó, các nhà đầu tư đã làm đơn tố cáo Sớm ra cơ quan công an.cHiện bị cáo đã trả cho các bị hại hơn 1,7 tỷ đồng.
Ngoài hành vi lừa đảo nêu trên, Sớm còn có hành vi làm giả 1 chứng thư bảo lãnh của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) để làm tin với nhà đầu tư.
Cơ quan chức năng xác định, bằng thủ đoạn trên, từ ngày 19/9/2022 đến 5/3/2023, Sớm đã chiếm đoạt hơn 2,6 tỷ đồng của 29 bị hại và làm giả 1 chứng thư bảo lãnh ngân hàng.
Đưa bị cáo ra xét xử, sau khi nghị án, HĐXX TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Sớm 13 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”./.